Đây là một nội dung của thỏa thuận hợp tác ứng dụng CNTT, viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội giai đoạn 2017 – 2020 vừa được lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) và Tập đoàn Viettel ký kết hôm nay, ngày 27/9/2017 tại Hà Nội.
Thỏa thuận hợp tác này hướng tới mục tiêu triển khai có hiệu quả các hoạt động ứng dụng CNTT, viễn thông đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa hoạt động quản lý, điều hành lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Đồng thời, ứng dụng CNTT, viễn thông để tạo môi trường tương tác hiệu quả giữa các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan quản lý nhà nước với người dân, doanh nghiệp; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dễ dàng tiếp cận thông tin và ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Theo thỏa thuận, trong thời gian tới, Viettel sẽ tư vấn, cung cấp cho Bộ LĐTB&XH các giải pháp CNTT và các sản phẩm dịch vụ viễn thông tốt nhất nhằm xây dựng và hoàn thiện kiến trúc chính phủ điện tử, hiện đại hóa môi trường làm việc và phục vụ cải các hành chính cho Bộ cũng như sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực về CNTT.
Với vai trò là một trong những Tập đoàn viễn thông và CNTT hàng đầu Việt Nam, Viettel sẽ là đơn vị đảm bảo hạ tầng CNTT, viễn thông, bao gồm: tư vấn, hỗ trợ và phối hợp đảm bảo hạ tầng đường truyền, trung tâm dữ liệu, giao ban trực tuyến và triển khai các chính sách ưu đãi tốt nhất để tạo điều kiện cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của ngành, đặc biệt là người có công và các đối tượng bảo trợ xã hội dễ dàng tiếp cận các thông tin, ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, Viettel cũng sẽ đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho hạ tầng CNTT, các ứng dụng CNTT và dữ liệu của Bộ LĐTB&XH.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc ký kết hợp tác với Viettel là một sự kiện quan trọng đối với ngành LĐTB&XH, là sự mở đầu đánh dấu bước chuyển biến căn bản về chất trong tư duy, sự dẫn dắt của toàn ngành.
Theo Bộ trưởng, hiện Bộ LĐTB&XH được giao 28 nhiệm vụ thuộc 14 lĩnh vực khác nhau. Các lĩnh vực của Bộ đều là những lĩnh vực “sát sườn” với đời sống dân sinh, kinh tế. Do đó, mỗi chủ trương, mỗi quyết sách, mỗi ý kiến tham mưu của Bộ LĐTB&XH tác động trực tiếp hàng ngày, hàng giờ đối với người lao động, trong đó có những đối tượng rất nhạy cảm, ví dụ như chính sách với người có công, người yếu thế…
“Một mặt bản thân công việc của Bộ cũng đã đòi hỏi phải có sự cải tiến, đổi mới rất nhanh. Mặt khác, với sự đa dạng đối tượng phục vụ, đa dạng lĩnh vực, ngành LĐTB&XH cũng là một “miếng đất màu mỡ” để chúng ta thực thi các công việc ứng dụng CNTT, cải cách hành chính, hướng tới phục vụ người dân và doanh nghiệp”, Bộ trưởng nói.
Ở góc độ của cơ quan quản lý nhà nước về CNTT, viễn thông, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhận định, hợp tác giữa Bộ LĐTB&XH và Viettel là thiết thực, cần thiết.
Theo Thứ trưởng, cả về mục tiêu cũng như các nội dung hợp tác rất phù hợp định hướng của Đảng, Nhà nước đối với việc ứng dụng và phát triển CNTT, theo Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 26 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 36; Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử cũng như Quyết định 1819 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 và Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm thuê dịch vụ CNTT trong cơ quan nhà nước…
Bày tỏ sự tin tưởng vào thành công của hợp tác giữa Bộ LĐTB&XH với Viettel, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng dự báo: “Ứng dụng CNTT trong Bộ LĐTB&XH, tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ LĐTB&XH trong thời gian tới chắc chắn sẽ có bước nhảy vọt, giúp Bộ hoàn thành tốt các nhiệm vụ, trong đó có nhiều nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến người dân nghèo, người yếu thế. Hợp tác cũng là cơ hội để Viettel thể hiện năng lực của tập đoàn mình trong lĩnh vực CNTT, từ đó đóng góp vào sự phát triển CNTT-TT của đất nước. Đặc biệt, nhiều người dân, người làm trong ngành LĐTB&XH trong cả nước sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác này”.
Cũng tại lễ ký kết hợp tác, khẳng định Bộ LĐTB&XH coi cải cách hành chính, ứng dụng CNTT phải là khâu đột phá trong năm 2018, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết sẽ trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác giữa Bộ với Viettel.
Về phía Viettel, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc tập đoàn đánh giá cao việc đích thân Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH đảm nhận vai trò Trưởng ban chỉ đạo ứng dụng CNTT. Bởi lẽ, theo ông triển khai ứng dụng CNTT là thay đổi cách vận hành bộ máy, do đó sự tham gia chỉ đạo trực tiếp của người đứng đầu sẽ đảm bảo khả năng triển khai nhanh và thành công.
Ông Hùng cũng cho biết, với nguồn lực đã sẵn sàng, bao gồm cả con người, kinh nghiệm, tài chính và cả hạ tầng, công nghệ, Viettel cam kết sẽ đưa vào vận hành ít nhất 1 ứng dụng vào tháng 12/2017. Tới năm 2018, sẽ cơ bản đầu tư xong toàn bộ các ứng dụng lõi và đưa vào sử dụng.
Trên cơ sở các nội dung của thỏa thuận hợp tác, hai bên bố trí nguồn lực, giao đơn vị làm đầu mối phối hợp để đẩy mạnh ứng dụng CNTT và viễn thông trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Định kỳ 6 tháng/lần hai bên tổ chức họp đánh giá kết quả triển khai, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.