Viettel công bố nghiên cứu thành công chip 5G và trợ lý ảo AI tại Triển lãm quốc tế đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 (VIIE 2023) tổ chức tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC Hòa Lạc) từ 28/10 đến 1/11.
Theo đó, dòng chip 5G DFE thuộc hệ sinh thái sản phẩm 5G do kỹ sư Viettel làm chủ hoàn toàn thiết kế.
Là thành phần phức tạp nhất của hệ sinh thái 5G, chip đóng vai trò xử lý các thuật toán 5G DFE, điều khiển toàn bộ các hoạt động của 5G RRU (khối thu/chuyển tín hiệu) và giao tiếp tốc độ cao với các khối xử lý 5G khác.
Chip 5G DFE có mức độ phức tạp cao, với năng lực tính toán 1.000 tỷ phép tính/giây
Thị trường thế giới hiện chưa cung cấp dòng sản phẩm Chip 5G thương mại.
Theo đại diện Viettel, việc làm chủ hoàn toàn các công đoạn thiết kế chip là bước tiến quan trọng để Việt Nam tham gia sâu hơn vào ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, trong bối cảnh thị trường thế giới chưa cung cấp dòng sản phẩm chip 5G thương mại.
"Đây là tiền đề để Viettel có thể sản xuất các loại chip phục vụ nhiều lĩnh vực như AI, 6G, IoT... trong tương lai", đại diện Viettel nói.
Tại Hội nghị di động thế giới (Mobile World Congress – MWC 2024) vào đầu năm 2024 tại Barcelona, Viettel sẽ chính thức ra mắt cộng đồng công nghệ toàn cầu chipset 5G và trợ lý ảo Vi An - Human AI
Đây là 2 trong số 17 sản phẩm đại diện cho hệ sinh thái công nghệ được Viettel giới thiệu tại sự kiện thường niên lớn nhất trong ngành công nghệ di động năm 2024.
Với chủ đề của sự kiện – Future first (tương lai là trên hết), các sản phẩm của Viettel tập trung vào 4 nhóm: Hạ tầng mạng lưới; cơ sở dữ liệu; nền tảng số và công nghệ trong tương lai.
Loạt sản phẩm được thể hiện tại không gian 2 tầng với chủ đề S-Nation. Chữ S đại diện cho các ý nghĩa: Smart – thông minh, Sustainable – bền vững, và hình chữ S của đất nước Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp CNTT-TT (Bộ TT&TT): Đặc điểm của ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là tất cả các công đoạn trong các khâu sản xuất sản phẩm vi mạch bán dẫn như thiết kế, gia công, đóng gói, thiết bị, vật liệu... đều rất chuyên sâu và có sự phân vai rõ ràng.
Việc thúc đẩy một hệ sinh thái doanh nghiệp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất chip sẽ giúp Việt Nam tăng tính thu hút với các tập đoàn sản xuất chip lớn, đưa Việt Nam thành một quốc gia có nhiều hoạt động sản xuất chip trong chuỗi cung ứng. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp có năng lực tham gia công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất chip.
“Hiện Bộ TT&TT đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng chiến lược phát triển công nghiệp vi mạch cho Việt Nam. Ban soạn thảo, bao gồm các bên liên quan chính là các bộ, ngành như Bộ KHĐT, Bộ KHCN, Bộ Công thương, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, các chuyên gia, hiệp hội đang tổ chức đánh giá thực trạng tại Việt Nam và thế giới, phân tích tiềm năng, phân tích xu hướng phát triển để có những đề xuất phù hợp cho công nghiệp vi mạch Việt Nam”, ông Nguyễn Thiện Nghĩa cho hay.
Quyết Thắng và nhóm BTV