Nhà mạng tạo 200.000 tỷ lợi nhuận trong 5 năm

{keywords}
 

Sáng 16/7/2020 bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam và đoàn công tác đã có chuyến thăm và làm việc tại Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel).

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Thiếu tướng Lê Đăng Dũng - Q. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel cho biết, doanh thu của tập đoàn này trong năm 2019 đạt 251,5 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt 39,4 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 38 nghìn tỷ.

Trong nhiệm kỳ 5 năm từ 2015-2020, Viettel đã tạo ra 1.230 nghìn tỷ doanh thu, 200 nghìn tỷ lợi nhuận và đóng góp 195 nghìn tỷ cho ngân sách Nhà nước. 

Viettel hiện là thương hiệu giá trị nhất Việt Nam, đứng số 1 tại Đông Nam Á, thứ 9 tại Châu Á và thứ 28/150 nhà mạng có giá trị lớn nhất thế giới với giá trị thương hiệu đạt 5,8 tỷ USD. Viettel đã trở thành hình mẫu của một doanh nghiệp Nhà nước chấp nhận cơ chế thị trường, kinh doanh sáng tạo và có hiệu quả.

Khi gia nhập thị trường, Viettel đã góp phần vào việc phổ cập điện thoại di động tại Việt Nam. Tiếp đó, Viettel tạo ra cuộc bùng nổ về Internet băng rộng nhờ phủ sóng 4G tới 97% dân số. 

Đến nay, Viettel trở thành nhà mạng lớn nhất Việt Nam với 65 triệu thuê bao di động, chiếm 54% thị phần (trong đó 45 triệu thuê bao data) và 5,8 triệu thuê bao Internet cáp quang chiếm 41,5% thị phần. Mạng lưới viễn thông của Viettel là mạng siêu băng rộng với 360.000 km cáp quang đến hầu hết các huyện, xã với 120 nghìn trạm phát sóng và 5 trung tâm lưu trữ đạt tiêu chuẩn quốc tế. 

{keywords}
 

Về lĩnh vực đầu tư quốc tế, Viettel hiện đang dẫn đầu tại các thị trường như Cambodia, Lào, Timor, Burundi, Mozambique và đứng vị trí số 2 tại thị trường Haiti. Theo đánh giá của Hiệp hội Hệ thống thông tin di động toàn cầu  - GSMA, Viettel nằm trong Top 20 công ty viễn thông đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới về số thuê bao với hơn 50 triệu khách hàng. 

Ở lĩnh vực nghiên cứu sản xuất, Viettel đã làm chủ các thiết bị hạ tầng viễn thông từ thiết bị mạng truy nhập đến thiết bị mạng lõi, giúp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho mạng lưới quốc gia. 

Từ năm 2019, Viettel đã tập trung nguồn lực để triển khai nghiên cứu phát triển trạm thu phát sóng 5G, chip cho 5G và từ tháng 6/2020 đã triển khai thử nghiệm trạm 5G tại Bộ TT&TT. Hiện nhà mạng này cũng đang tiếp tục tối ưu mạng lưới 5G để triển khai trên diện rộng.

Viettel hiện đã làm chủ được các công cụ giám sát, quản lý và tác chiến trên không gian mạng. Nhà mạng này hiện cũng đang đảm bảo thông tin liên lạc tại các khu vực biên giới, hải đảo và hạ tầng truyền dẫn của Quân đội.

{keywords}
 

Viettel đang thúc đẩy việc ứng dụng CNTT trong hoạt động của Chính phủ và doanh nghiệp với việc triển khai các dự án quy mô quốc gia, xây dựng hạ tầng thanh toán và thương mại số di động, góp phần kiến tạo xã hội số. 

'Viettel phải nâng thứ hạng trên trường quốc tế'

{keywords}
 

Lần đầu đến thăm và làm việc tại Viettel với vai trò Chủ tịch Quốc hội, bà Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ sự ấn tượng và đánh giá cao những thành tựu mà Viettel đã đạt được.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Viettel là niềm tự hào, niềm tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, khẳng định vai trò quan trọng của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Viettel là thương hiệu của Việt Nam không chỉ ở trong nước mà còn đi ra thế giới.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Tập đoàn Viettel cần tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về viễn thông của Việt Nam, có vị trí cao trong khu vực Đông Nam Á và nâng hạng ở Châu Á. 

Đối với lĩnh vực kiến tạo cuộc sống số, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Viettel đóng góp nhiều hơn trong việc xây dựng nền kinh tế số và quản trị đất nước xã hội bằng công nghệ số. 

Thanh Phong