Chiều nay, ngày 25/6/2015, Ban tổ chức Diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) lần thứ 5, năm 2015 đã chính thức công bố thông điệp của Diễn đàn năm nay.

Có chủ đề “CNTT và quản trị thông minh”, Vietnam ICT Summit 2015 diễn ra tại Hà Nội vào ngày 25/6/2015 tập trung thảo luận về những định hướng, giải pháp đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong các ngành các địa phương, các doanh nghiệp và toàn xã hội để nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản trị hoạt động. Trong đó, 4 chuyên đề chính của Diễn đàn là: Nâng cao năng lực ngành y tế; Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công; Phát triển giao thông thông minh, xây dựng đô thị đáng sống; và Phát triển nguồn nhân lực CNTT.

Diễn đàn lần này đã thu hút sự tham dự của trên 500 đại biểu tham dự Diễn đàn là lãnh đạo và cán bộ quản lý cấp cao của các cơ quan Trung ương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn, các đơn vị ứng dụng CNTT, các trường, các viện nghiên cứu và các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh, các doanh nghiệp CNTT-TT hàng đầu Việt Nam và nước ngoài.  Đặc biệt, Diễn đàn đã vinh dự được đón Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; nguyên Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch Viện Cộng đồng Đông Á Yukio Hatoyama đến dự và phát biểu.

Tại buổi công bố Thông điệp diễn ra chiều nay, ngày 25/6, TS. Bùi Mạnh Hải, Chủ tịch Hội đồng Chính sách VINASA cho biết, từ những nội dung chỉ đạo quan trọng, có tầm chiến lược của Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, những chia sẻ kinh nghiệm của Cựu Thủ tướng Nhật Bản cùng rất nhiều ý kiến đóng góp của các đại biểu, Ban tổ chức Diễn đàn lần thứ 5 đã thống nhất đưa ra thông điệp với 8 nội dung chính.

Thứ nhất, CNTT là một thành tựu KHCN kỳ diệu của nhân loại, đem lại cơ hội tuyệt vời cho tất cả mọi quốc gia, mọi người dân, kể cả những người không may mắn, yếu thế như những người khuyết tật, nông dân, bà con dân tộc và vùng sâu vùng xa. Để thực hiện mục tiêu Việt Nam trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và bằng công nghệ thông tin; tất cả phải cùng hành động và phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, đột phá hơn và sâu rộng hơn trong phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin tạo phương thức phát triển mới.

Thứ hai, nhanh chóng nâng cấp độ ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng chính phủ điện tử, thúc đẩy cải cách hành chính, tăng cường tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và quốc gia; tạo tiện lợi, văn minh cho người dân trong giao dịch với cơ quan Nhà nước và tiếp cận dịch vụ công.

Thứ ba, đẩy nhanh hơn nữa ứng dụng CNTT phát triển giao thông thông minh, giảm thiểu ùn tắc, tai nạn và xây dựng đô thị xanh, tiện ích, an toàn, tiết kiệm các nguồn lực, đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại cho người dân.

Thứ tư, nhanh chóng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông ngành y tế, bảo hiểm, bệnh viện, bác sĩ với người dân mọi vùng miền, trên cơ sở chuẩn hóa qui trình quản lý y tế, hồ sơ bệnh án điện tử, khám chữa bệnh từ xa, quản lý thuốc, nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân, đồng thời đưa y tế trở thành ngành kinh tế dịch vụ giá trị cao gắn với du lịch.

Thứ năm, cần có ngay giải pháp đột phá để tăng nhanh nguồn nhân lực công nghệ thông tin đạt chuẩn quốc tế, bắt kịp cuộc cách mạng công nghệ thông tin mới là SMAC và IoT. Phấn đấu mức tăng trưởng về số lượng mỗi năm đạt 30%.

Thứ sáu, quyết liệt triển khai chủ trương thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước để đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị và cung cấp dịch vụ công; đồng thời tạo thị trường cho ngành CNTT. Nhanh chóng có cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt về thuế đối với lĩnh vực CNTT để khuyến khích, thu hút đầu tư và nhân tài phát triển CNTT.

Thứ bảy, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trong tái cấu trúc và phát triển nông nghiệp và du lịch.

Thứ tám, việc đẩy nhanh tốc độ phát triển và ứng dụng CNTT là trách nhiệm cao nhất của người đứng đầu và là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của tất cả các bộ ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp và toàn xã hội.

TS. Bùi Mạnh Hải cũng nhấn mạnh, làm tốt những nội dung nêu trên sẽ góp phần thực hiện thắng lợi ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực hướng tới mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

“Việc thực hiện Thông điệp cũng như những hiệu quả mang lại sẽ được tổng hợp, đánh giá tại kỳ Diễn đàn tiếp theo”, đại diện Ban tổ chức Diễn đàn cho hay.