Bộ chỉ số Vietnam ICT Index cần phản ánh được bức tranh trung thực về sự phát triển của ngành CNTT - TT trong nước, cho thế giới biết Việt Nam đang ở trình độ nào, các Bộ, ngành nhìn vào cũng biết mình đang ở đâu.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng như vậy của Vietnam ICT Index tại Hội nghị Tổng kết 10 năm xây dựng và công bố Bộ chỉ số này sáng nay, 10/12.

Cần phải đổi mới

Sau 10 năm, nhu cầu đổi mới, cải tiến Bộ chỉ số đang được đặt ra một cách cấp bách. Yêu cầu đặt ra cho ICT Index không chỉ là phải làm sao phản ánh được tầm quan trọng của CNTT - TT trong phát triển kinh tế - xã hội nữa, mà còn phải giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra những quyết sách phù hợp nhất, các Bộ, ngành tiếp cận thông tin về sự phát triển của ngành một cách đầy đủ, chính xác nhất, Bộ trưởng nêu rõ.

{keywords}
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, VN ICT Index phải phản ánh chân thực sự phát triển của ngành CNTT - TT trong nước. Ảnh: T.C

Một số hướng cải tiến đã được đại diện Hội Tin học VN đề xuất tại Hội nghị, như sẽ bổ sung có chọn lọc các chỉ tiêu quốc tế, mà cụ thể là của LHQ, sử dụng có chọn lọc các tiêu chí đặc thù của Việt Nam. Phương thức thu thập số liệu cũng đổi mới như tăng cường sử dụng dữ liệu từ các nguồn chính thức khác (như báo cáo của các đơn vị chuyên ngành...), riêng dịch vụ công trực tuyến sẽ khảo sát trực tiếp qua các trang/cổng thông tin điện tử của các đơn vị - theo cách làm của quốc tế.

Hội cũng đề xuất đưa thêm chỉ số phát triển Công nghiệp CNTT vào VN ICT Index, bao gồm phần cứng điện tử, phần mềm, nội dung số và dịch vụ CNTT.

Tuy nhiên, một số địa phương tỏ ra băn khoăn về những đề xuất này.

Chẳng hạn như đại diện thành phố Đà Nẵng khẳng định, xây dựng Chính phủ điện tử là một quá trình lâu dài, khó có được kết quả ngay. Các địa phương, Bộ, ngành phải đầu tư cùng lúc cả hạ tầng, nhân lực lẫn các ứng dụng theo cả một quá trình nên nếu áp ngay theo các chỉ tiêu kết quả ngắn hạn thì rất khó.

Vòng luẩn quẩn con gà - quả trứng cũng được Đà Nẵng nhắc lại như bài toán tiến thoái lưỡng nan của các địa phương: triển khai các dịch vụ công trực tuyến trước để thu hút, đào tạo công dân điện tử, hay đào tạo công dân điện tử trước rồi mới triển khai dịch vụ trực tuyến.

Góp ý cho Vietnam ICT Index giai đoạn tới, Đà Nẵng cho rằng cần có hệ thống điểm thưởng dành cho những địa phương ứng dụng CNTT tầm quốc tế.

Tránh gây "tàu hỏa nhập ma"

Quan điểm này cũng nhận được sự đồng tình của đại diện TP.HCM, khi vị này cho rằng điểm thưởng sẽ khuyến khích và tạo động lực lớn cho các địa phương ứng dụng CNTT một cách sáng tạo. Bên cạnh đó, những định hướng, chủ trương của Chính phủ, của Bộ đã nêu ra như khuyến khích mã nguồn mở, thuê dịch vụ CNTT... thì địa phương nào làm nhanh, tích cực cũng cần phải được điểm thưởng.

Tuy vậy, TP.HCM cũng có những phân vân riêng được nêu ra tại Hội nghị, như sự lan tỏa của Chỉ số VN ICT Index đang ở mức nào. "Nếu chỉ dừng lại ở các Sở, các Cục, Vụ chuyên trách CNTT của các Bộ, ngành biết thì không hiệu quả". Đại diện Thành phố cũng đề nghị tổ thực hiện xem xét kết hợp các chỉ số với nhau, vì quá nhiều chỉ số sẽ gây lẫn, "tàu hỏa nhập ma", lãnh đạo các đơn vị không hiểu được, từ đó không chỉ đạo ứng dụng được.

Vấn đề này thực ra đã được Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng đặc biệt lưu ý ngay từ đầu, khi ông cho rằng cần xem xét, rà soát, chọn lọc ra những chỉ số nào quan trọng, khác biệt nhất, đặt lên những vị trí quan trọng để thực sự có tác dụng, tránh dàn đều, san bằng các chỉ số.

Góp ý cho hướng cải tiến VN ICT Index, TP.HCM cho biết mới đọc thì dễ nghĩ đây là chỉ số phát triển ngành. Nhưng khi đọc kỹ thì lại thấy chủ yếu phản ánh mức độ sẵn sàng của các cơ quan, Bộ, ngành về ứng dụng CNTT. "Tôi nghĩ chúng ta cần phân tách rõ giữa mức độ sẵn sàng với kết quả đạt được. Nên chăng, mức độ sẵn sàng chỉ nên tính theo hệ số 1/3, còn kết quả nên chiếm hệ số 2/3 thì mới phản ánh được chính xác thực tế".

Phải liên thông với quốc tế!

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh, CNTT - TT đang có một vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng, cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu, không thể thiếu được trong cả hoạt động SXKD, quản lý điều hành cho đến đời sống tình cảm của người dân, doanh nghiệp, xã hội. Đây cũng là ngành chứng kiến sự hội nhập quốc tế nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Chính vì tầm quan trọng của CNTT - TT như vậy nên Vietnam ICT Index cần phải phản ánh được bức tranh trung thực về sự phát triển của ngành, định lượng được các tác dụng của CNTT trong nền kinh tế - xã hội. Từ đó, thông tin cho thế giới biết VN đang ở trình độ nào, các Bộ, ngành nhìn vào đó cũng biết mình đang đứng ở đâu trong bức tranh ứng dụng CNTT của cả nước. Đặc biệt, các nhà hoạch định chính sách có thể nhìn ra những lỗ hổng, điểm yếu của ngành để khắc phục.

Suốt 10 năm qua, các đơn vị của Bộ TT&TT đã phối hợp chặt chẽ với Hội tin học để xây dựng báo cáo VN ICT Index, Bộ trưởng ghi nhận. Nhiều Bộ, ngành đã làm rất tốt, chủ động, thậm chí còn xây dựng chỉ số của riêng mình để so sánh với chỉ số cả nước.

Tuy vậy, Bộ trưởng nhất trí rằng, đã đến lúc cần phải đổi mới nội dung, phương thức thực hiện VN ICT Index để phù hợp với điều kiện, tình hình mới. "Chỉ giữ lại những chỉ tiêu nào cần thiết nhất, những chỉ tiêu rườm rà thì nên bỏ hết". Bên cạnh đó, trong giai đoạn hội nhập sâu rộng thì chỉ số VN ICT Index cũng cần có sự đồng bộ, liên thông với các chỉ số Quốc tế, của LHQ, lấy thước chuẩn của thế giới để đánh giá trong nước.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo Vụ CNTT tiếp tục lấy ý kiến của các địa phương, Bộ, ngành bằng văn bản về hướng sửa đổi, cải tiến VN ICT Index, trên cơ sở đó tổng hợp và xây dựng phương án đề xuất. Bộ cũng sẽ sớm có Hội thảo chuyên đề về sửa đổi Bộ chỉ tiêu, đảm bảo rằng VN ICT Index mới đáp ứng được đòi hỏi của thực tế, cũng như yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Chính phủ.

T.Cầm