Thiết lập kế hoạch kinh doanh: Thực tế và thận trọng
Năm 2024, Vietbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.050 tỷ đồng, tăng 29% so với năm ngoái; tổng tài sản đạt 150.000 tỷ đồng, huy động đến từ khách hàng (bao gồm giấy tờ có giá) đạt 116.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng đạt 95.000 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đặt mục tiêu mở rộng thị phần, tăng trưởng quy mô tổng tài sản cả về chất và lượng, kiểm soát nợ xấu dưới hoặc bằng 2.5% (mức quy định của NHNN là 3%).
So với mục tiêu đã đặt ra trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm 2023, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 được xây dựng thực tế và thận trọng. Kế hoạch kinh doanh năm 2024 của Vietbank đặt mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế tối thiểu 17% (theo kế hoạch cơ sở) và tối đa là 29% (theo kế hoạch phấn đấu) - chỉ bằng 63% mục tiêu tăng trưởng đã đặt ra vào năm 2023 là 46%. Bên cạnh đó, các chỉ số về tổng tài sản, huy động tiền gửi của khách hàng cũng hướng tới tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn so với chỉ số đã được thông qua tại kì ĐHCĐ trước. Tỷ lệ tăng trưởng mục tiêu tổng giá trị tài sản giảm từ 12% xuống 8%; tỷ lệ tăng trưởng huy động theo mục tiêu 2023 là 17% giảm xuống 14% theo kế hoạch 2024. Việc đặt kế hoạch kinh doanh thực tế và thận trọng giúp phản ánh đúng tình trạng của hoạt động kinh doanh, quản lý và đảm bảo cân bằng giữa lợi ích của khách hàng với lợi nhuận của tổ chức.
Theo báo cáo của HĐQT tại Đại hội, Vietbank sẽ triển khai mạnh mẽ hoạt động phát triển mạng lưới trên toàn quốc trong năm 2024. Theo phê duyệt của Thống đốc NHNN, Vietbank dự kiến mở mới 14 điểm giao dịch bao gồm 05 chi nhánh, 09 phòng giao dịch trên địa bàn 13 tỉnh từ Bắc tới Nam. Đặc biệt, Vietbank dự kiến khai trương chi nhánh đầu tiên tại Cà Mau - cực nam của Tổ quốc.
Chia sẻ về kế hoạch phát triển mạng lưới, đại diện Ban Phát triển mạng lưới Vietbank cho biết: “Việc xây dựng các điểm giao dịch trên toàn quốc thuộc chiến lược hoạt động trung và dài hạn của Vietbank. Ngoài việc nâng cao tổng giá trị tài sản của Ngân hàng, việc tăng số lượng điểm giao dịch cũng giúp cho Vietbank đến gần hơn với người dân ở các địa phương bên cạnh những khu vực kinh tế trọng điểm, thành phố trực thuộc trung ương. Mỗi Khách hàng, dù ở đâu, là ai cũng đều quan trọng và Vietbank luôn nỗ lực trong việc thiết kế và cung cấp giải pháp, sản phẩm phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của họ”.
Chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 25% bằng cổ phiếu
Với sự tán thành của 99.99% của cổ đông trong Đại hội, Vietbank chính thức thông qua quyết định chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 25% với hình thức chi trả bằng cổ phiếu. Tỉ lệ chi trả cổ tức của Vietbank sẽ được ghi nhận trên vốn điều lệ mới sau khi hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ được thông qua tại ĐHCĐ 2024 - dự kiến theo kế hoạch là 5.780 tỷ đồng. Như vậy, dự kiến tổng số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường sau khi hoàn thành kế hoạch sẽ đạt mức trên 713 triệu cổ phiếu.
Trước đó, vào năm 2019, Vietbank cũng đã chi trả cổ tức với tỉ lệ 14% cũng với hình thức chi trả bằng cổ phiếu. Việc liên tục chi trả cổ tức bằng cổ phiếu của Vietbank là phù hợp với các quy định của NHNN trong Chỉ thị 01.2023.
Việc phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức của Vietbank trong năm 2024 sẽ giúp Vietbank tăng vốn điều lệ năm thứ 02 liên tiếp, đưa vốn điều lệ của Ngân hàng lên mức 7.139 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2023, Vietbank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 4.777 tỷ lên 5.780 tỷ bằng hình thức chào bán 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 100:21, mệnh giá 10.000đ/cổ phiếu. Tại ĐHCĐ 2024, Vietbank cũng đã báo cáo kết quả triển khai hồ sơ tăng vốn và niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Theo đó, Ngân hàng đã được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước xác nhận kết quả chào bán. Như vậy, sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý, Ngân hàng sẽ chạm mốc vốn điều lệ mới là 5.712 tỷ đồng.
Việc tiếp tục tăng vốn điều lệ của Vietbank nằm trong lộ trình và kế hoạch trung - dài hạn. Đây cũng là một trong những kế hoạch được NHNN chấp thuận trong phương án cơ cấu lại hoạt động.
Tăng gấp đôi vốn điều lệ sau một thập kỷ, lãnh đạo Vietbank chia sẻ “Đây là một trong những điều kiện quan trọng trong việc tiếp tục củng cố năng lực tài chính và từng bước nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của Vietbank trên thị trường. Việc củng cố khả năng vốn của Vietbank cũng sẽ tác động đến các chiến lược và chính sách phát triển sản phẩm, hoạt động của Ngân hàng. Giúp Ngân hàng tiến nhanh, tiến xa nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển an toàn và bền vững”.
Ngọc Diệp