Viết và Đọc chuyên đề mùa hè 2020 do NXB Hội nhà văn phát hành đã ra mắt bạn đọc với số tranh nhiều nhất kể từ số đầu tiên đến nay: 365 trang. Chỉ cần lướt qua tên tuổi của những tác giả có mặt trong cuốn sách này bạn đọc có thể yên tâm cầm cuốn sách và mang về phòng đọc của mình.
Viết và đọc mùa hè 2020 - những điều đặc biệt. |
Đấy là những cái tên: Olga Tokarcruk (Giải Nobel 2019), Bảo Ninh, Tạ Duy Anh, Trần Đức Tiến, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Thụy Kha, Khuất Bình Nguyên, Hoàng Vũ Thuật, Trần Lê Khánh, Vũ Hải An, Hồ Minh Tâm, Huỳnh Minh Tâm, Khánh Chi, Hữu Ước, Phương Đặng, Thùy Dương, Y Ban, Văn Giá, Vũ Quang Nam, Đỗ Chu, Yên Ba, Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Thanh Tâm, Thái Chí Thanh, Tiến Đạt, Hòa Vinh, Trần Vũ Ben (giáo sư văn học Mỹ gốc Việt), Bartlomie Radziejewski (giáo sư tiến sĩ chính trị học Ba Lan), Nguyễn Chí Thuật, Phạm Minh Quân, Đỗ Hàn, Phạm Xuân Nguyên, Đinh Phương, Nguyễn Hải Việt, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Đức Tùng…và các họa sĩ vẽ phụ bản Bùi Suối Hoa, Hoàng Đặng, Đỗ Hiệp, Doãn Hoàng Kiên, Đoàn Đức Hùng, Phạm Trần Quân, Tào Linh, Trần Thắng và đặc biệt là bức tranh làm bìa tuyệt đẹp của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.
Như mọi số, mở đầu là thư biên tập do tôi được phân công viết. Bức thư số này có tên "Bày cơn mơ lên mảnh đất cuối cùng". Bức thư nói về một thế giới bị tàn phá tan hoang. Và nếu thế giới cứ tiếp tục chiến tranh, chạy đua vũ trang, cướp chiếm biển đảo, đất đai, đầu độc môi trường thiên nhiên và môi trường văn hóa, tiếp tục tham lam, vô cảm, thù hận, giả dối…thì thế giới nhanh chóng đi tới ngày tận thế.
Và trong cái thế gian đang bị dồn vào mảnh đất cuối cùng của sự sống, những đứa trẻ đã bày cơn mơ cuối lên mảnh đất cuối cùng ấy. Cho đến lúc này, chúng ta phải nhận ra một sự thật rằng: nếu những đứa trẻ đang sống trên thế gian này không còn biết bày cơn mơ đẹp đẽ của chúng về một tương lai thì chúng ta sẽ rơi vào tuyệt vọng.
Đoạn cuối cùng bức thư viết: "Chúng ta đang bước vào cuộc chiến đấu chống lại những điều tồi tệ và độc ác đang làm thế giới suy tàn. Và ai đó trong chúng ta có thể bị bắn gục. Nhưng cái chết không bao giờ là sự kết thúc. Nó mở ra lập tức những cánh cửa rộng lớn về phía ánh sáng. Và hơn bao giờ hết, lúc này tôi nhìn thấy tất cả những đứa trẻ đang bày cơn mơ của chúng trong tất cả những khu vườn thế gian này. Chúng làm cho chúng ta băng qua mọi sợ hãi để đến bên chúng".
''Đại dịch Vũ Hán và một thế giới khác'' là tít chung cho toàn bộ các bài viết của chuyên mục "Ấn tượng 90 ngày’", Viết và Đọc chuyên đề mùa hè 2020 với sự hiện diện của các nhà văn, nhà nghiên cứu chính trị danh tiếng. Các tác giả đã đưa ra một cái nhìn đầy biện chứng như một lời cảnh báo, một dự báo về tương lai loài người nhưng ngập tràn chủ nghĩa nhân văn.
Có một điều đặc biệt trong chuyên đề mùa hè 2020 là chuyên mục đối thoại. Chúng ta thường trò chuyện, phỏng vấn hay đối thoại với những người danh tiếng, có vị trí cao trong xã hội. Nhưng Viết và Đọc đã đối thoại với cả những người vô danh như nhà sư Thích Viên Giác - trụ trì một ngôi chùa nhỏ như một ngôi nhà bình dị ở Thái Bình trong Viết và Đọc chuyên đề mùa xuân 2020. Nhưng ông là một nhà tu hành thực sự. Những câu chuyện và suy ngẫm giản dị của ông lại chạm đến những điều lớn lao trong đời sống hiện nay.
Và trong chuyên đề mùa hè 2020, chúng tôi đã trò chuyện với một sinh viên Việt Nam chỉ mới 19 tuổi. Anh vừa hoàn thành bản dịch Truyện Kiều sang tiếng Anh với tình yêu thơ ca, với một sự tự tin đầy thán phục, một tư duy sâu sắc và một cách làm vô cùng khoa học nhưng ngập tràn cảm hứng sáng tạo. Câu chuyện của anh làm chúng ta phải suy nghĩ rất nhiều. Anh là Nguyễn Bình, sinh viên năm thứ nhất ngành thiên văn học của một trường đại nước ngoài.
Chiến tranh đã chấm dứt gần một nửa thế kỷ, đất nước đã được thống nhất. Nhưng lòng người Việt Nam trong nước và ngoài nước vẫn còn những ngăn cách. Sự ngăn cách ấy kéo dài quá lâu một cách vô lý. Tất cả mọi người Việt đều có trách nhiệm xóa đi sự ngăn cách ấy bằng cách cách của mình.
Những người tổ chức và thực hiện Viết và Đọc chọn một con đường riêng của mình cho vấn đề này. Đó là giới thiệu những tác phẩm xuất sắc của các nhà văn Việt Nam sinh sống ở nước ngoài. Đó là những tác phẩm đã đóng góp không nhỏ để làm nên chân dung văn học viết bằng tiếng Việt, mở rộng chiều kích tiếng Việt, minh triết Việt và tiếp tục truyền bá vẻ đẹp văn hóa và tâm hồn Việt trên toàn thế giới.
Đấy cũng là lý do Viết và Đọc từ chuyên đề mùa hè 2020 đã mở ra một chuyên mục mới có tên "Các nhà thơ hải ngoại". Và nhà thơ hải ngoại đầu tiên Viết và Đọc giới thiệu là nhà thơ Cung Trầm Tưởng với sự tuyển chọn và lời giới thiệu của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng sống, làm việc và sáng tác ở Canada. Một số tác phẩm của ông đã xuất bản trong nước.
Chuyên đề Văn học nước ngoài trong số này giới thiệu các nhà văn viết truyện ngắn Úc và một nhà thơ đương đại Trung Quốc. Đó là 2 quốc gia vô cùng quen thuộc với chúng ta nhưng nhà văn Úc viết truyện ngắn như thế nào thì các nhà văn cũng như bạn đọc Việt Nam lại hầu như không biết. Dịch giả trẻ người Tày Nông Thị Ngọc Hiên đã mang đến cho chúng ta những bản dịch sống động.
Còn nhà thơ nào đã làm "náo loạn" thơ ca đương đại Trung Quốc chúng ta cũng hầu như không biết. Đấy chính là một nhà thơ nữ. Bà viết thơ rất muộn. Nhưng khi xuất hiện đã "thay đổi" những quan niệm tưởng như khó có thể thay đổi về thơ hiện đại Trung Quốc. Lời giới thiệu và những bài thơ xuất sắc của bà được nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Thuý Hạnh - Viện văn học Việt Nam tuyển chọn, dịch và giới thiệu.
Mỗi số của Viết và Đọc, những người tổ chức và thực hiện ấn phẩm này lại lao đi như những kẻ "săn tìm kho báu" của văn chương đang ẩn giấu đâu đó trong những người viết từ một người viết còn đang ở tuổi vị thành niên cho đến những "ông hoàng, bà chúa" của văn chương trong nước và trên thế giới. Và chỉ như thế thì bạn đọc mới đưa tay và nhặt Viết và Đọc lên từ một sa mạc sách trong những cửa hiệu bán sách hiện nay.
Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cảnh báo khan hiếm văn học cho thiếu nhi
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho rằng sự khan hiếm của văn học thiếu nhi là một cảnh báo. Ngay ở Hội Nhà văn Việt Nam, lâu nay giải thưởng cho văn học thiếu nhi hầu như không có.