Thị trường quan trọng của nông sản Việt Nam
Hiện nay, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, với dân số hơn 1,4 tỷ người, đây là thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới về nông sản và là cơ hội cho hàng Việt Nam.
Trong những năm qua, Trung Quốc luôn là thị trường quan trọng đối với nông thủy sản của Việt Nam. Trung Quốc hiện đang là thị trường đứng thứ 1 về cao su, rau quả, gạo và sắn các loại; đứng thứ 2 về hạt điều; đứng thứ 3 về thủy sản; đứng thứ 4 về chè; đứng thứ 12 về cà phê..., đồng thời vẫn đang là thị trường tiềm năng đối với một số mặt hàng nông sản khác.
Với những lợi thế về địa lý, đa dạng sản phẩm của Việt Nam, cũng như cơ hội từ ưu đãi thuế quan, mở cửa thị trường khi Việt Nam đã tham gia ký kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (có hiệu lực từ năm 2010) thì xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của Việt Nam trong thời gian tới còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng để phục vụ nhu cầu tiêu thụ rất lớn của thị trường này.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong thời gian tới sẽ gặp phải các khó khăn, thách thức trong bối cảnh tình hình thị trường thế giới và khu vực hiện nay đang có nhiều biến động như sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ nội địa của Trung Quốc do tình hình kinh tế trong những tháng đầu năm 2019 của nước này không khởi sắc.
Ngoài ra, tác động từ cuộc xung đột thương mại Mỹ - Trung dẫn tới xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm nhập khẩu nông sản làm nguyên liệu để chế biến và tái xuất khẩu, đồng NDT giảm giá…
Điều đó làm cho xuất khẩu nông sản, thủy sản sang Trung Quốc gặp không ít khó khăn, thậm chí đang đối mặt nguy cơ suy giảm.
Vì thế, trước tầm quan trọng của thị trường này, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương và ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã phải chủ trì Hội nghị Phát triển xuất khẩu hàng hóa nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Trung Quốc là một thị trường cực kỳ tiềm năng cho nông sản Việt Nam. Với dân số đông, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, đây sẽ là một thị trường siêu khổng lồ nếu Việt Nam biết đáp ứng các yêu cầu mới của phía Trung Quốc.
“Những thay đổi từ phía thị trường này cho thấy đã đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy, đừng coi Trung Quốc là một thị trường dễ tính, đừng giữ mãi thói quen xuất khẩu tiểu ngạch bởi chính sách kiểm soát nhập khẩu của họ là nhất thể hóa theo chính ngạch”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. “Nhìn từ bài học xuất khẩu vải của Bắc Giang, nhãn của Sơn La hay Hưng Yên, nếu làm chuẩn, đồng bộ, đáp ứng tốt yêu cầu của họ, chúng ta sẽ thắng”.
“Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trong đó tập trung cho nông nghiệp, chấn hưng nông nghiệp. Chính vì lẽ đó nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của ta có kim ngạch xuất khẩu giảm, gặp nhiều khó khăn. Nếu không nhận dạng được những thay đổi này thì hiệu quả xuất khẩu sẽ thấp” - ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, Trung Quốc hiện là đối tác lớn cả về kinh tế, thương mại, đầu tư của Việt Nam. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu nông thủy sản của nước ta sang Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều vấn đề, cần định hướng, tìm cách giải quyết để đảm bảo có sự hài hòa trong quan hệ song phương.
“Xuất khẩu nông thủy sản sang Trung Quốc còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức do tập quán kinh doanh của ta còn dựa trên những yếu tố chưa chuyên nghiệp. Đó là vẫn chủ yếu dựa vào thương mại qua biên giới (tiểu ngạch), dựa vào các điểm cửa khẩu thông quan chứ chưa đưa hàng hóa vào sâu nội địa. Do đó, nông thủy sản chưa đáp ứng được hàng rào kỹ thuật, chưa tạo thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ bền vững,... ” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thẳng thắn.
Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc |
Cung cấp hàng hóa, linh phụ kiện cho doanh nghiệp Việt
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa, nguyên vật liệu từ Trung Quốc cũng là yếu tố quan trọng để đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của Việt Nam.
Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nhóm sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo. Cơ cấu của từng nhóm mặt hàng nhập khẩu trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc vẫn khá ổn định qua từng năm. Trong các nhóm hàng mà Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc có nhiều nhóm hàng thường xuyên đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD như máy móc thiết bị, phụ tùng; sắt thép các loại; điện thoại các loại và linh kiện; hóa chất...
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy: Tính đến hết tháng 8/2019, Việt Nam đã nhập khẩu tới 49 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc, tăng mạnh hơn 7 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Đến nay có tới 10 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, tăng 2 nhóm so với cùng kỳ.
2 nhóm hàng mới là sản phẩm sắt thép và kim loại thường với kim ngạch lần lượt là 1,25 tỷ USD và 1,069 tỷ USD, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 936 triệu USD và 839 triệu USD.
Việc kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh trong khi xuất khẩu của nước ta bị sụt giảm khiến cán cân thương mại với nước láng giềng này bị nới rộng lên đáng kể so với 1 năm trước đây.
Hết tháng 8, Việt Nam nhập siêu hơn 25 tỷ USD từ Trung Quốc, trong khi cùng kỳ 2018 mức nhập siêu chỉ là hơn 17 tỷ USD. Đây cũng là điều cần phải lưu ý để từng bước cân bằng hơn cán cân xuất nhập khẩu với Trung Quốc. Trong đó, việc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là giải pháp quan trọng.
Năm 2018, Việt Nam đã vượt qua Malaysia trở thành đối tác số 1 của Trung Quốc trong ASEAN và vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc, là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và là thị trường cung cấp hàng hóa lớn thứ 9 cho Trung Quốc trên thế giới.
Hà Duy