Có một câu nói nổi tiếng: “Nghĩ ra ý tưởng không khó, biến ý tưởng thành hiện thực mới là điều khó”. Trong giới khởi nghiệp, điều đó càng không thể phủ nhận. Các chuyên gia nhấn mạnh rằng, bên cạnh ý tưởng khởi nghiệp thì startup buộc phải có kế hoạch để biến ý tưởng thành hiện thực. Đó là xây dựng bộ máy lãnh đạo có tính cam kết cao, các giải pháp cụ thể để hoàn thành từng mục tiêu cam kết…
Nhưng các startup nên làm thế nào để đạt được những điều này, đặc biệt là trước khi họ bước ra ngoài, tham gia các cuộc thi giúp nhiều người “biết mặt gọi tên”?
Tìm đến những nhà đầu tư có khả năng hỗ trợ “điểm yếu”
Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Hướng đi cho startup” - chương trình đặc biệt do Ban tổ chức Cuộc thi Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số quốc gia (Viet Solutions 2021) tổ chức, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom, Trưởng Ban tổ chức nhận xét: “Nhiều startup có ý tưởng hay nhưng thiếu kinh nghiệm trong việc nhận biết nhu cầu của người tiêu dùng. Họ đồng thời cũng thiếu sư kết nối với thị trường”.
Đồng tình với nhận xét này, ông Bùi Thành Đô - CEO Partner & Founder của ThinkZone Venture cũng nêu lên một thực tế khó khăn của startup.
Các startup cần và muốn đi sâu vào nghiên cứu trải nghiệm khách hàng, nhưng do sự giới hạn về nguồn lực nên không thể thực hiện hoạt động nghiên cứu, hoặc chỉ có thể thực hiện trong một phạm vi hẹp. Trong khi đó, nếu nghiên cứu một mẫu khách hàng quá nhỏ thì kết quả nhận được sẽ không đầy đủ, thậm chí bị lệch.
Vì vậy, ông Đô cho rằng, các startup nên dựa vào các doanh nghiệp lớn thông qua việc tận dụng thành quả nghiên cứu hoặc gọi vốn, tìm nguồn đầu tư cho việc nghiên cứu này. Ngược lại, các doanh nghiệp lớn như Viettel có thể hỗ trợ startup nguồn lực nghiên cứu, điều đó sẽ tạo nên sự cộng hưởng lợi ích lớn hơn.
Một vấn đề mà các startup thường gặp là xác định sai quy mô thị trường và thích chinh phục nhiều mục tiêu cùng một lúc. Cũng có nhiều startup chưa cởi mở do chưa đủ tự tin khi làm việc với các đối tác và họ giấu đi một số thông tin quan trọng vì sợ nếu lộ ra, đối thủ sẽ lấy mất. Tất cả những vấn đề này cần có những nhà đầu tư lớn đứng sau hỗ trợ.
Ông Đô tiết lộ, khi nhà đầu tư đi “săn”, dù gặp một startup chưa mạnh nhưng họ sẽ vẫn quan tâm nếu đội ngũ lãnh đạo của startup có tư duy quản lý tài chính tốt - điều giúp công ty có khả năng đi dài hơn, tư duy về trải nghiệm khách hàng và khả năng điều hành đội ngũ.
Tìm kiếm cơ hội từ Viet Solutions 2021
Ở vị trí của một doanh nghiệp lớn đang có nhiều hoạt động đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, theo Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom - ông Nguyễn Chí Thanh, startup cần xác định giá trị cốt lõi của mình và tập trung nguồn lực vào đó, làm cho nó trở nên vượt trội so với đối thủ. Đây là điều tạo nên giá trị cho startup, giúp họ được nhận diện tốt trên thị trường và thu hút sự chú ý của nhà đầu tư lớn.
“Tất nhiên, là startup thì các bạn còn thiếu nhiều thứ, từ tài chính, kinh nghiệm, nhân sự… Để khắc phục, các bạn có thể nghĩ đến việc gọi vốn để tìm nhà đầu tư có những năng lực phù hợp để hỗ trợ điều mà mình đang thiếu. Viettel có thể giúp đỡ như vậy”, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom nói.
Cụ thể, ông Thanh cho biết, ngay trong cuộc thi Viet Solutions 2021, Tập đoàn Viettel đã mời các mentor nổi tiếng để đào tạo cho founder của các startup cách nghiên cứu thị trường, kỹ năng quản trị, bổ sung kiến thức tài chính...
Sau cuộc thi, những startup được lựa chọn để hợp tác cùng Viettel đã được tập đoàn này hỗ trợ tiếp cận với thị trường khổng lồ, bởi Viettel đang hoạt động trên 11 quốc gia, phục vụ 100 triệu khách hàng, với hệ thống bán hàng rộng lớn. Đồng thời, các chuyên gia tại Viettel sẽ đào tạo cho các founder kỹ năng tìm kiếm, khai thác khách hàng cũng như tư vấn cho startup hướng đi để hoàn thiện sản phẩm phù hợp với thị hiếu.
Ông Nguyễn Minh Đức - Founder CyRadar - startup trong lĩnh vực bảo mật, an toàn thông tin đã giành giải 3 trong cuộc thi Viet Solutions 2020 chia sẻ: “Viet Solutions là cơ hội để chứng minh bản thân startup với thị trường và với chính Viettel”.
Ông Đức cho biết, khi CyRadar hợp tác cùng Viettel, nhiều người cho rằng tập đoàn sẽ không cần đến một startup về an toàn thông tin bởi chính họ đang sở hữu đơn vị trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, thực tế thì CyRadar có thể gia tăng sức mạnh cho các lĩnh vực hiện có của Viettel.
Đặc biệt, khi hợp tác với nhà mạng trong cuộc thi, CyRadar tin tưởng rằng sẽ có một mảng thị trường cho sản phẩm của mình và thậm chí tách sản phẩm đã thi thành nhánh sản phẩm phù hợp hơn cho một tập khách hàng của Viettel.
“Mỗi startup có thế mạnh nhất định về công nghệ và Viettel cũng có thế mạnh công nghệ. Chúng ta có thể ghép các mảnh để trở thành một hệ sinh thái hoàn chỉnh hơn. Chúng tôi sẽ giúp các startup tìm mảnh ghép còn thiếu và phù hợp”, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom - Trưởng Ban tổ chức Viet Solutions 2021 khẳng định.
Do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng Tập đoàn Viettel tổ chức, Viet Solutions hướng tới mục tiêu tìm kiếm các giải pháp sáng tạo, giúp giải quyết các vấn đề xã hội, góp phần thực hiện chiến lược Chuyển đổi số Quốc gia. Tìm hiểu thông tin hoặc đăng ký tham gia cuộc thi tại: https://vietsolutions.net.vn/vn |
Phương Dung