Ngày 27/11 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã tiếp Ngài Peter Pellegrini, Phó Thủ tướng phụ trách Đầu tư và Tin học hóa Cộng hòa Slovakia.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn nhấn mạnh, chuyến thăm Việt Nam lần này của Ngài Phó Thủ tướng có ý nghĩa rất quan trọng, tiếp tục khẳng định Việt Nam và Slovakia luôn coi trọng và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.

Chính phủ cũng như các Bộ Ngành của Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực thúc đẩy thực hiện các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhằm đưa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam – Slovakia ngày càng thực chất và hiệu quả.

Trong đó, tăng cường hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực CNTT là một trong những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự của đoàn Phó Thủ tướng Slovakia tại Việt Nam.

Điều này thể hiện tầm quan trọng, khẳng định quyết tâm của Chính phủ hai nước cũng như giữa Bộ TT&TT Việt Nam với các Bộ Ngành liên quan của Slovakia trong việc không ngừng củng cố mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, góp phần phát triển tích cực mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Chính phủ, nhân dân hai nước thời gian qua.

Cập nhật về tình hình phát triển trong lĩnh vực bưu chính viễn thông và CNTT của Việt Nam, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay tổng doanh thu toàn ngành năm 2016 đạt khoảng 72,7 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 9,1% so với năm 2015. Tổng doanh thu lĩnh vực CNTT năm 2016 khoảng 67,7 tỷ USD.

Kim ngạch xuất khẩu CNTT ước đạt 60,8 tỷ USD. 10 tháng đầu năm 2017, ngành TT&TT vẫn duy trì được sự tăng trưởng tốt, dự báo sẽ hoàn thành các mục tiêu kế hoạch với mức tăng trưởng khoảng 10%.

Thị trường viễn thông, Internet của Việt Nam tiếp tục có sự cạnh tranh tích cực. Tổng số thuê bao điện thoại di động đạt trên 128 triệu thuê bao, trong đó có gần 36,2 thuê bao băng rộng di động, đạt tỷ lệ 39 thuê bao/100 dân. Tổng số thuê bao truy nhập băng rộng cố định đạt hơn 9 triệu...

Năm 2016, Chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam được Liên hợp quốc xếp vào nhóm cao (thứ hai trong bốn mức phát triển), tăng 10 bậc so với năm 2015.

Trong bối cảnh này, công cuộc đưa Việt Nam trở thành nước mạnh về CNTT và bằng CNTT đã được xác định bởi sự quyết tâm cao nhất của cả hệ thống chính trị, được định hướng bởi nhiều văn kiện quan trọng của Nhà nước và Chính phủ.

Việt Nam hiện có khoảng 53 triệu người dùng Facebook, là 1 trong nhóm 10 quốc gia có lượng người dùng YouTube cao nhất thế giới; có 26 doanh nghiệp viễn thông được cấp phép thiết lập mạng viễn thông công cộng, trong đó có một số doanh nghiệp viễn thông, CNTT đạt tầm khu vực và quốc tế như Viettel, VNPT, MobiFone, FPT, VTC.

Cũng theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, dưới sự chỉ đạo và ủng hộ của Chính phủ hai nước, đặc biệt là sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Slovakia vào tháng 7/2016, các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực TT&TT đã diễn ra sôi động.

Doanh nghiệp hai nước đã nhanh chóng triển khai thực hiện các kế hoạch hợp tác kinh doanh ngay sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác như Tập đoàn FPT với công ty RWE IT Slovakia, Tập đoàn VNPT với Slavia Capital.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Peter Pellegrini nhấn mạnh Chính phủ Slovakia luôn đẩy mạnh hỗ trợ phát triển công nghệ cao, chính phủ điện tử, thành phố thông minh, ứng dụng CNTT trong nhiều lĩnh vực...

Slovakia hỗ trợ doanh nghiệp CNTT-TT đầu tư như hỗ trợ về pháp lý, nhân lực chất lượng cao giỏi về ngoại ngữ, chuyên môn để làm việc trong môi trường quốc tế, kết nối cơ sở đào tạo...

“Một điển hình đầu tư vào Slovakia là FPT. Đầu tư của FPT tại Slovakia rất thành công, lợi nhuận tăng trưởng hàng năm. Trường hợp FPT là động lực để các doanh nghiệp CNTT khác tiếp tục đầu tư vào Slovakia”, Phó Thủ tướng Peter Pellegrini nói.

Kỳ vọng sự hợp tác hai chiều giữa doanh nghiệp tư nhân hai nước ngày càng thắt chặt, Phó Thủ tướng Peter Pellegrini cho biết ngày càng nhiều doanh nghiệp Slovakia đầu tư vào Việt Nam.

Ví dụ, doanh nghiệp Slovakia đang đầu tư vào du lịch thông minh tại TP.HCM. Sở Y tế TP.HCM cũng đang cân nhắc dùng ứng dụng của một công ty Slovakia trong quản lý hồ sơ bệnh án. Hà Nội cũng xúc tiến hợp tác cùng một công ty Slovakia trong chiếu sáng công nghệ cao.

Phó Thủ tướng Peter Pellegrini cũng cho rằng thị trường Châu Âu sẽ thiếu hụt nhân lực CNTT chất lượng cao. Vì vậy Slovakia đã có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích sinh viên học chuyên ngành TT&TT; hiện đang vận hành Viện Hàn lâm CNTT để đảm bảo nguồn nhân lực CNTT cho thị trường lao động.

Trao đổi thêm, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho hay trên cơ sở biên bản về hợp tác trong lĩnh vực CNTT-TT giữa hai quốc gia đã ký kết vào 30/11/2016, Bộ TT&TT đã đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam tăng cường trao đổi và tìm kiếm các cơ hội hợp tác để triển khai một cách hiệu quả nhất các nội dung đã thỏa thuận trong giai đoạn tới.

“Tôi đánh giá cao tinh thần hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và Slovakia, tôi tin tưởng rằng quan hệ hợp tác về kinh tế giữa hai nước sẽ có những bước tiến mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm đưa lĩnh vực CNTT-TT trở thành một minh chứng hợp tác, là cầu nối quan trọng trong mối quan hệ hợp tác nhiều mặt”, Bộ trưởng nói.

Với xu thế phát triển tất yếu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, CNTT-TT, đặc biệt là hạ tầng viễn thông băng rộng và đảm bảo an toàn thông tin sẽ đóng vai trò then chốt và là nền tảng cho cuộc cách mạng.

Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các sản phẩm ứng dụng mới như trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng IP, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thành phố thông minh, trí tuệ nhân tạo, máy in 3D… và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong mọi mặt của đời sống.

Ngoài ra là triển khai công nghệ 5G, ứng dụng CNTT vào công tác điều hành quản lý như chính phủ điện tử, quản lý giao thông thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh và đặc biệt trong việc sản xuất công nghiệp và dịch vụ trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0...

Về đề xuất hợp tác, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn bày tỏ Slovakia là một trong những quốc gia nhiều kinh nghiệm và thế mạnh về phát triển ứng dụng CNTT và đảm bảo an toàn thông tin, Bộ TT&TT tin rằng các cơ quan, doanh nghiệp Slovakia sẽ tìm thấy cho riêng mình các cơ hội hợp tác với Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến các hợp tác như chia sẻ kinh nghiệm xây dựng chính sách CNTT-TT phù hợp với xu thế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; triển khai các chương trình, dự án về ứng dụng CNTT-TT trong quản lý hành chính nhà nước như chính phủ điện tử, chứng thực điện tử, an toàn thông tin...

Ngoài ra đẩy mạnh hợp tác phát triển công nghiệp CNTT-TT; phát triển hạ tầng và dịch vụ băng rộng, công nghệ 5G; hợp tác nghiên cứu và phát triển: cơ sở dữ liệu quốc gia, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, máy in 3D, máy tính trí tuệ nhân tạo, thành phố thông minh..

Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực dành cho phát triển chính phủ điện tử và an toàn an ninh thông tin.

Về hợp tác trong lĩnh vực quản lý nhà nước, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đề nghị Slovakia quan tâm và tạo điều kiện để các Bộ Ngành hai nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác về thông tin và truyền thông; tiếp tục dành sự ủng hộ và hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô đa quốc gia như VNPT, MobiFone, Viettel, VTC, FPT hợp tác với doanh nghiệp của Slovakia triển khai các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Slovakia.