Hiện trên thế giới có khoảng 131 nhà mạng công bố việc đầu tư phát triển công nghệ 5G. Nhiều công ty lớn như Ericsson, Nokia, Huawei, ZTE đều đã có sản phẩm trạm BTS 5G thương mại nhằm triển khai cho các nhà mạng.
Tính đến tháng 9/2019, mới chỉ có khoảng 10 quốc gia thương mại hóa mạng 5G. Các quốc gia này gồm có Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Australia, Anh, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Na Uy và Liên bang Nga. Tuy vậy, thế giới vẫn chưa có một chuẩn chung về 5G thống nhất.
Buổi toạ đàm “Định hướng và giải pháp phát triển chip và thiết bị mạng 5G tại Việt Nam". Ảnh: Trọng Đạt |
Tại Việt Nam, Bộ TT&TT đã cấp giấy phép cho các nhà mạng để bắt đầu thử nghiệm công nghệ 5G tại một số thành phố lớn. Việt Nam xác định sẽ không đi chậm so với các nước trong quá trình phát triển 5G. Thế nhưng không chỉ thương mại hoá 5G, các doanh nghiệp trong nước thậm chí còn tham vọng hơn thế.
Doanh nghiệp Việt lên kế hoạch sản xuất chip 5G
Công nghiệp vi mạch là một bộ phận quan trọng của ngành công nghiệp phần cứng - điện tử. Với xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới, việc làm chủ trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất chip và các thiết bị ICT lại càng quan trọng hơn bao giờ hết.
5G có điểm đặc biệt là nhà sản xuất nào muốn có thiết bị 5G thì phải sản xuất được chipset riêng của mình. Do vậy, không chỉ đơn thuần là triển khai và ứng dụng mạng 5G, một số doanh nghiệp Việt Nam còn có tham vọng sản xuất chip 5G nhằm đón đầu làn sóng Internet vạn vật.
Ông Nguyễn Cương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo ông Nguyễn Cương Hoàng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel, nhà mạng này đã phát triển và triển khai ngoài thực tế khoảng 80% thiết bị phần tử mạng 4G. Với 5G, Viettel sẽ phát triển mạng 5G bao gồm cả các thiết bị mạng lõi 5G và mạng truy cập vô tuyến.
Mục tiêu của Viettel là đến năm 2020 có thể triển khai các microcell (tế bào vi mô mạng) trên mạng lưới và hoàn thành Core 5G NSA EN-DC. Tiếp đó là triển khai các macrocell (tế bào vĩ mô mạng) và hoàn thành Core 5G SA.
Để tối ưu giá thành sản phẩm, Viettel đang thiết kế và sản xuất phần cứng, bao gồm các con chip với mục tiêu làm chủ được hoàn toàn sản phẩm. Đến tháng 7/2020, Viettel sẽ cho công bố con chip ASIC đầu tiên. Tháng 4/2021, Viettel sẽ sản xuất chip DFE. Đây là 2 con chip quan trọng nhất trong trạm thu phát 5G.
Viettel hiện có 300 kỹ sư tham gia dự án 5G. Đây đều là những kỹ sư có nhiều kinh nghiệm. Tập đoàn này đã phê duyệt dự toán ngân sách 500 tỷ đồng cho việc phát triển Microcell 5G và đang đầu tư phòng Lab 5G trị giá 200 tỷ đồng.
Đáng chú ý khi không chỉ có Viettel, một doanh nghiệp non trẻ là Công ty VinSmart thuộc Tập đoàn Vingroup cũng đang ấp ủ những tham vọng tương tự.
Chia sẻ tại buổi Tọa đàm định hướng và giải pháp phát triển chipset và thiết bị mạng 5G, ông Ngô Hoàng Anh (Trưởng phòng Phần mềm nhúng – Viện Nghiên cứu Thiết bị Viễn Thông – Công ty VinSmart, thuộc Tập đoàn Vingroup) cho biết, đơn vị này đang tập trung nghiên cứu và sẽ sản xuất các hệ thống thiết bị 5G, IoT.
Ông Ngô Hoàng Anh - Trưởng phòng Phần mềm nhúng, Viện Nghiên cứu Thiết bị Viễn Thông, Công ty VinSmart. Ảnh: Trọng Đạt |
Dù chỉ vừa mới thành lập năm 2018, VinSmart đã xây dựng phòng Lab để hỗ trợ việc nghiên cứu, phát triển điện thoại 5G và các thiết bị viễn thông 5G.
“Dự kiến, đến tháng 7/2020 sẽ có sản phẩm điện thoại 5G đầu tiên ra mắt. Đến tháng 8/2020 chúng tôi sẽ bắt đầu thử nghiệm các thiết bị viễn thông 5G. Hiện nay VinSmart cũng đã làm việc với Cisco, Intel để phát triển các thiết bị mạng 5G.”, ông Ngô Hoàng Anh chia sẻ.
Doanh nghiệp Việt cần gì để phát triển vi mạch và thiết bị mạng 5G?
Từ trước đến nay, Việt Nam chưa bao giờ sản xuất được con chip từ đầu đến cuối để có thể thương mại hoá. Do vậy, ông Nguyễn Cơ Hoàng - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel cho rằng, một trong những khó khăn mà đơn vị này gặp phải chính là sự tin tưởng từ chính người Việt Nam.
Khó khăn thứ 2 của Viettel là việc thiếu các chuyên gia về thiết kế chip. Đây là những người không chỉ giỏi mà còn phải dạn dày với 5 - 10 năm kinh nghiệm.
Với VinSmart, công ty này kiến nghị Bộ TT&TT về việc cấp tần số để có thể thử nghiệm mạng 5G. Do Vinsmart chỉ là một công ty sản xuất thiết bị, việc xin giấy phép khó khăn hơn so với các nhà mạng, ông Ngô Hoàng Anh (Trưởng phòng Phần mềm nhúng – Viện Nghiên cứu Thiết bị Viễn Thông – Công ty VinSmart) cho biết.
Trong khi đó, đại diện FPT mong muốn được hỗ trợ về thuế thu nhập cá nhân và tạo nên một hàng rào kỹ thuật để doanh nghiệp Việt có thể chiến đấu với các công ty nước ngoài.
Đại diện Cục Tần số VTĐ (Bộ TT&TT) cho biết các doanh nghiệp sản xuất thiết bị 5G cần băng tần để thử nghiệm có thể xin cấp phép. Ảnh: Trọng Đạt |
Trước đề nghị của FPT, bà Tô Lan Hương - Phó Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết: “Bộ TT&TT sẽ kiến nghị các chính sách liên quan đến thuế thu nhập cá nhân cũng như các thủ tục về cấp phép lao động, VISA xuất nhập cảnh cho các chuyên gia làm việc trong lĩnh vực. Bộ cũng sẽ nghiên cứu chính sách miễn giảm thuế cho những doanh nghiệp góp phần vào việc đào tạo ra nguồn nhân lực CNTT”.
Với kiến nghị của VinSmart, đại diện Cục Tần số VTĐ (Bộ TT&TT) cho biết, các doanh nghiệp sản xuất thiết bị 5G cần băng tần để thử nghiệm có thể xin cấp phép. “Nếu có băng tần cần dùng, cần nghiên cứu mà quy hoạch chưa có, Cục Viễn thông sẽ có phương án giải quyết được, chỉ cần doanh nghiệp đưa ra giải tần”, ông Trần Mạnh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ chia sẻ.
Theo ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT, Bộ sẽ hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực vi mạch với vai trò là người hoạch định chính sách. Trước mắt, Bộ TT&TT sẽ liên kết để hình thành một cộng đồng các tổ chức, cá nhân tâm huyết, muốn đóng góp vào sự phát triển của lĩnh vực vi mạch tại Việt Nam.
Ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt |
Chia sẻ thêm về điều này, ông Phan Tâm cho rằng Bộ TT&TT sẽ có trách nhiệm hình thành nên một chiến lược để xác định rõ hơn vai trò và trách nhiệm của nhà nước trong việc thúc đẩy kế hoạch phát triển chipset của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bộ TT&TT cũng mong muốn nhận được nhiều hơn nữa các kiến nghị, góp ý từ phía các tổ chức, doanh nghiệp để hoàn thiện bản kế hoạch đó. Bộ TT&TT cam kết đồng hành nhằm giải quyết tất cả các khó khăn của doanh nghiệp trong ngành.
Trọng Đạt