Sau lễ đón và hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có cuộc gặp báo chí thông tin sơ bộ về kết quả hội đàm hai nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol đều khẳng định, cuộc hội đàm rất thành công. Trong không khí hữu nghị, cởi mở, chân thành, hai bên đã đi sâu trao đổi về quan hệ song phương cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm và đạt nhiều nhận thức chung quan trọng.
Quan hệ hai nước "nở hoa, kết trái"
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol khẳng định, "chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa to lớn khi năm nay tròn 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Chủ tịch nước là vị quốc khách đầu tiên của tôi".
Tổng thống đánh giá, trong 30 năm qua hai nước đã cùng hợp tác, cùng có lợi, hợp tác thương mại và đầu tư đã phát triển vượt bậc và người dân hai nước đã là "anh em, hàng xóm thân thiết với nhau".
Dựa trên nền tảng đó, hai nước sẽ mở ra thời kỳ mới, một chương mới trong quan hệ khi nâng cấp lên Đối tác Chiến lược toàn diện. Để đạt được các mục tiêu, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho rằng, trước hết cần tăng cường trao đổi mang tính chiến lược. Hai nước nhất trí xem xét phương án thúc đẩy đối thoại trong các lĩnh vực an ninh, ngoại giao.
Về kinh tế, Tổng thống Hàn Quốc nhận định, hai nước đã là đối tác tối ưu nhất của nhau trong vấn đề thương mại và đầu tư, Chính phủ sẽ tích cực hỗ trợ để doanh nghiệp hai nước hợp tác với nhau.
Tổng thống Hàn Quốc nhấn mạnh, hợp tác về công nghệ cao trong ổn định chuỗi cung ứng cũng là vấn đề quan trọng. Hai bên cùng nhận thức về tiềm năng to lớn trong khai thác tài nguyên đất hiếm tại Việt Nam, từ đó nhất trí hợp tác cụ thể hơn.
Ngoài ra, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác trong các lĩnh vực tài chính, thông tin truyền thông, công nghệ cao, cơ sở hạ tầng và năng lượng. "Việt Nam là đối tác lớn trong hợp tác, phát triển của Hàn Quốc, chúng tôi sẽ mở rộng hợp tác với Việt Nam", Tổng thống khẳng định.
Về KHCN, y tế và cơ sở hạ tầng, Tổng thống cho biết, Viện Khoa học công nghệ Hàn Việt tại Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong các lĩnh vực. Hàn Quốc sẽ xem xét hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm dược phẩm và kiểm soát bệnh tật.
Các hoạt động giao lưu nhân dân hai nước là nền tảng cho thúc đẩy phát triển quan hệ Hàn-Việt. Tiếng Hàn là một trong những ngoại ngữ được dạy trong các trường phổ thông tại Việt Nam, Tổng thống cho biết, sẽ tăng cường hỗ trợ giảng dạy tiếng Hàn tại Việt Nam.
"Việt Nam là quốc gia trọng tâm, trọng điểm trong Chiến lược Ấn Độ dương - Thái Bình Dương và Sáng kiến đoàn kết ASEAN của Hàn Quốc. Chúng tôi tiếp tục nỗ lực cùng Việt Nam làm cho quan hệ hai nước 'nở hoa, kết trái' vì tự do, hòa bình, ổn định và phồn vinh trong khu vực", Tổng thống bày tỏ.
Hướng tới thương mại song phương 150 tỷ USD
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hai bên nhất trí cho rằng quan hệ hợp tác Việt Nam sau 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao đã đạt những bước phát triển nhanh chóng, toàn diện và thực chất, nhất là kể từ 2012, khi hai nước lập quan hệ Đối tác chiến lược, hai bên đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau.
"Hướng về tương lai tươi sáng, tôi cùng ngài Tổng thống kính mến, thay mặt cho lãnh đạo hai nước, đã quyết định: Nâng cấp quan hệ hai nước lên “Đối tác Chiến lược toàn diện”. Đó là niềm vui mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn hôm nay", Chủ tịch nước nói.
Chủ tịch nước thông tin, hai bên đã trao đổi, thống nhất về tầm nhìn, phương hướng lớn và các biện pháp thúc đẩy quan hệ, hợp tác thời gian tới.
Về chính trị - đối ngoại, tiếp tục duy trì thường xuyên giao lưu, tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, kịp thời chia sẻ, phối hợp ý kiến về quan hệ hợp tác hai nước, về tình hình khu vực và quốc tế.
Về quốc phòng an ninh, hai bên triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác và đối thoại hiện có, tạo kết quả cụ thể trong hợp tác về công nghiệp quốc phòng, đẩy mạnh phối hợp phòng chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tổ chức khủng bố; hợp tác chặt chẽ xử lý các vấn đề an ninh phi truyền thống.
Về kinh tế, thương mại, đầu tư, tái khẳng định mục tiêu nâng nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và hướng tới mức 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng.
Về hợp tác phát triển (ODA), Việt Nam cảm ơn Hàn Quốc đã cung cấp các khoản viện trợ, tín dụng ưu đãi mang lại những thành quả phát triển trên các vùng miền, kể cả những vùng khó khăn. Về lao động, Chủ tịch nước cho rằng, hợp tác lao động đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội hai nước.
Về hợp tác KHCN, y tế, môi trường, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có. Việt Nam coi Hàn Quốc là đối tác trọng tâm trong hợp tác về khoa học công nghệ cao như viễn thông, công nghệ thông tin, an toàn - an ninh thông tin, chính phủ điện tử, đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, ưu tiên các dự án về chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển y tế công nghệ cao và hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu.
Hợp tác trong văn hóa, giáo dục, du lịch, giao lưu nhân dân, hai bên nhất trí thúc đẩy mở rộng giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch, tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau trong các tầng lớp xã hội. Tạo điều kiện thuận lợi cho công dân của nhau, hiện có khoảng 25 vạn người Việt Nam tại Hàn Quốc và 20 vạn người Hàn Quốc tại Việt Nam. Hàn Quốc nhất trí hỗ trợ thành lập “Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc” và hỗ trợ Việt Nam phát triển “công nghiệp văn hóa”.
Hợp tác tại các diễn đàn đa phương, hai nước nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Trần Thường (từ thủ đô Seoul, Hàn Quốc)