Tại INC-4, lần đầu tiên các nước bắt đầu đàm phán về nội dung của văn bản được cho là sẽ trở thành một thỏa thuận toàn cầu về rác nhựa. Các nước đã đồng ý sẽ tiếp tục làm việc về thỏa thuận này từ nay cho đến phiên INC-5.

Sau khi INC-5 kết thúc, thỏa thuận đạt được có thể được thông qua trong năm 2025 tại một hội nghị ngoại giao.

"Thế giới không thể trì hoãn việc giải quyết cuộc khủng hoảng này thêm nữa. Ô nhiễm nhựa không có biên giới và là vấn đề môi trường cấp bách thứ hai sau biến đổi khí hậu. Sự tàn phá do ô nhiễm nhựa ở đại dương là không thể phủ nhận, với những đảo rác trôi nổi, cá voi chết trên bãi biển với bụng chứa đầy túi nhựa và đặc biệt là việc hải sản bị nhiễm vi hạt nhựa",  Anthony Merante (Oceana Canada) 

Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam tại INC-4, Vụ trưởng hợp tác quốc tế Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Ngọc Tuấn cho hay, ô nhiễm nhựa đang được coi là thách thức môi trường rất nghiêm trọng. Chính vì vậy, Việt Nam và các nước thành viên khác đều ủng hộ việc xây dựng một thỏa thuận toàn cầu có tính ràng buộc về pháp lý để giải quyết vấn đề này. Đây sẽ là bộ khung pháp lý để các quốc gia thành viên xây dựng hành động giảm ô nhiễm nhựa và cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường.

Trên thực tế, sau ba phiên đàm phán trước, các thành viên mới chỉ đưa ra được bản dự thảo về một thỏa thuận chung nhằm loại bỏ ô nhiễm nhựa, tuy nhiên có thể chưa phản ánh hết được các mong muốn cũng như quan điểm của tất cả các bên tham gia. Tại phiên lần này, các bên tham gia sẽ tiếp tục đàm phán và cố gắng để đạt được mục tiêu, mặc dù thời gian còn lại là phiên cuối cùng vào cuối năm nay ở Busan, Hàn Quốc.

Vấn đề ô nhiễm nhựa cần phải được giải quyết, nhưng cách tiến hành và lộ trình thực hiện như thế nào cũng là điều rất quan trọng, bởi mỗi quốc gia có một trình độ phát triển và hoàn cảnh riêng không thể áp dụng một công thức chung.

Thực tế, sản lượng nhựa hằng năm đã tăng hơn gấp đôi trong 20 năm, lên 460 triệu tấn và đang trên đà tăng gấp ba lần trong vòng bốn thập kỷ. Chỉ có 9% được tái chế và theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), “đóng góp” của nhựa vào hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2060 - chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019.

W-racthainhua.png
“Đóng góp” của nhựa vào hiện tượng nóng lên toàn cầu có thể tăng hơn gấp đôi vào năm 2060 - chiếm 3,4% lượng khí thải toàn cầu vào năm 2019.

Theo ông Lê Ngọc Tuấn, với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, một mặt chúng ta mong muốn có thỏa thuận toàn cầu để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa, nhưng thỏa thuận này cũng cần bao gồm cả trách nhiệm của các quốc gia phù hợp với trình độ và năng lực phát triển của họ. Việt Nam mong muốn có một sự cân bằng bởi bên cạnh những cái biện pháp kiểm soát, thì cũng phải tính tới phương pháp thực hiện bao gồm tài chính, công nghệ hay năng lực.

Việt Nam ủng hộ quan điểm đối phó với ô nhiễm nhựa hiện nay, nhưng để chuẩn bị cho các cuộc đàm phán ở phiên này cũng như phiên tiếp theo, cần phải có những đánh giá cụ thể về những tác động trong tương lai khi tham gia thỏa thuận. Ngoài những tác động môi trường, còn có những tác động về kinh tế hay tác động tới sinh kế của người dân.

Nhóm PV