Mục tiêu của Diễn đàn là muốn biến các doanh nghiệp công nghệ trong nước trở thành một động lực để đột phá nền kinh tế, đưa Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và trở thành một nước phát triển. Đó cũng là lý do mà Bộ TT&TT đã lựa chọn slogan của Diễn đàn là “Make in Việt Nam”.
Cách mạng Công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng cho những ý tưởng sáng tạo mới thay đổi trật tự kinh doanh. Các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào yếu tố đầu vào truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai, tài nguyên… sang mô hình tăng trưởng dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Ngày nay, bất kỳ công ty nào, dù là cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đều sẽ liên quan đến công nghệ. Các công ty sẽ không thể sản xuất và marketing hiệu quả nếu không sử dụng công nghệ, nhất là các công nghệ mới. Các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động sẽ dần mất đi lợi thế cạnh tranh và buộc phải thu hẹp sản xuất.
Do đó, cần tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên, lao động giá rẻ và công nghệ lạc hậu sang chủ yếu dựa vào công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.
Các công ty công nghệ sẽ trở thành nhân tố quan trọng nhất để đẩy nhanh việc áp dụng khoa học công nghệ vào tất cả các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế. Phát triển các doanh nghiệp công nghệ trong nước do đó sẽ trở thành một lựa chọn sống còn để thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam.
Không chỉ vậy, các doanh nghiệp cũng chính là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số. Việc các doanh nghiệp tạo ra những nền tảng số sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số Việt Nam.
Để đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp thịnh vượng vào năm 2045, điều mà Việt Nam cần làm là phải tận dụng tích cực các thành quả của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, cùng với sự hiện diện của khoa học công nghệ và các doanh nghiệp công nghệ.
Muốn thoát bẫy thu nhập trung bình, điều đầu tiên là phải làm chủ công nghệ và quản lý, có năng lực phát minh, sáng chế ra những công nghệ mới, sản xuất hàng hóa chất lượng cao, tiến lên trình độ đi đầu trong thiết kế, sản xuất sản phẩm chất lượng cao.
Việt Nam mới đang trong giai đoạn chủ yếu là mua các dây chuyền công nghệ, việc mua công nghệ nguồn còn rất ít. Trong thời gian tới, Việt Nam không chỉ cần hấp thụ công nghệ để làm chủ công nghệ và tích lũy năng lực mà còn phải phát minh, sáng chế công nghệ. Đó là con đường duy nhất và tất yếu dẫn đến một quốc gia hùng cường.
Ở Việt Nam hiện nay, trong lĩnh vực ICT (CNTT và truyền thông), có khoảng gần 50.000 doanh nghiệp đang hoạt động với doanh thu khoảng 100 tỷ USD. Thương mại trên nền tảng số đem lại cho nền kinh tế Việt Nam mới khoảng 3,5 tỷ USD, khoảng 1,7% GDP và dự báo sẽ đạt 42 tỷ USD vào năm 2030 thông qua thúc đẩy công nghệ số để tăng năng suất lao động, giảm chi phí.
Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ là lời khẳng định về sự quan tâm của Chính phủ Việt Nam đối với việc phát triển các doanh nghiệp công nghệ trong nước. Mục tiêu trong thời gian sắp tới là sớm đạt cột mốc 100.000 doanh nghiệp ICT.
Bên cạnh đó, thay vì chỉ chuyên lắp ráp, gia công, Việt Nam sẽ phải chuyển sang một hướng đi mới nhằm sản xuất ra các sản phẩm Việt Nam, sử dụng công nghệ để giải bài toán Việt Nam, lấy thị trường trong nước làm cái nôi để từ đó đi ra thế giới.
Tại sự kiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ TT&TT xây dựng Chiến lược phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý cho việc triển khai lộ trình nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển một cách bài bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công nghệ là nhân tố chính để phát triển kinh tế, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa Việt Nam thành một nước phát triển. Chính phủ sẽ sớm ban hành chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm tạo thị trường cho các doanh nghiệp công nghệ.
Trong tiến trình này, doanh nghiệp công nghệ Việt Nam sẽ thực hành khẩu hiệu hành động: sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, Việt Nam làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, Việt Nam sẽ sớm đưa ra tuyên bố về chiến lược chuyển đổi số quốc gia với mục tiêu nhằm tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số.
Để làm được điều này, Việt Nam cần cải cách về thể chế và đề ra chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, bên cạnh đó là triển khai cơ chế sandbox để thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới. Việt Nam cũng cần phải chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số như IoT, Big Data, AI, AR.
Ngoài ra, một trong những mục tiêu quan trọng của Bộ TT&TT trong những năm tới là xây dựng được một hệ thống Chính phủ điện tử, đô thị thông minh hiệu quả. Thông qua quá trình đó, Bộ TT&TT mong muốn tạo ra được các doanh nghiệp CNTT mạnh để góp phần cho giai đoạn tiếp theo - giai đoạn chuyển đổi số, đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Trong tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, 5 yếu tố nền tảng của Việt Nam sẽ là Thể chế, Hạ tầng, An ninh mạng, Platform và Đào tạo.
Các doanh nghiệp công nghệ sẽ là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số sẽ thúc đẩy Make in Vietnam và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, để rồi từ đó đi ra toàn cầu.
XEM TOÀN BỘ SỰ KIỆN NỔI BẬT 2019 DO VIETNAMNET BÌNH CHỌN
Ban Công nghệ VietNamNet