Hoạt động tình nguyện của Tuấn và các bạn nằm trong chương trình chung tay bảo vệ môi trường cho Vịnh Hạ Long, đồng thời ngăn chặn tình trạng ô nhiễm trắng ở di sản này, không để khu bảo tồn biển được UNESCO công nhận này dần trở thành vùng biển bị ô nhiễm trắng như nhiều nơi trên thế giới.
Ô nhiễm trắng ở mức báo động
Thực tế, khái niệm ô nhiễm trắng xuất hiện từ những năm 2018 và đã trở lên “cũ” nhưng lại mới xuất hiện tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Khái niệm ô nhiễm trắng là từ dùng để chỉ tình trạng lượng rác thải nhựa tăng cao, gây ảnh hưởng đến môi trường toàn cầu.
Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm con người thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa bị đổ thẳng ra đại dương, trôi nổi tại những vùng biển, nhất là các khu vực vịnh kín hoặc dạt vào những bãi bồi, cửa sông. Với tốc độ thải ra của con người, UNEP tính toán mỗi phút thế giới tiêu thụ 1.000 túi nhựa, nhưng đáng báo động là chỉ có 27% trong số đó được xử lý, thu gom và tái chế đúng cách; số còn lại đi đâu chắc các bạn đã rõ.
Nhận thức được sự nguy hại ấy, ngay từ năm 2018, Liên Hợp quốc đã phát động chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”, nhằm tuyên truyền, vận động, kêu gọi cộng đồng cùng thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe con người. Kế đến trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm 2019, nguyên thủ các nước G7, lãnh đạo các tập đoàn đa quốc gia cũng đã cam kết mạnh mẽ về việc chống rác thải nhựa để làm gương cho các nước đang phát triển.
Theo đó, nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là những nước có biển đã có những hành động cụ thể để giảm thiểu và cấm sử dụng một số sản phẩm nhựa không thân thiện với môi trường, đồng thời tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa. Tuy nhiên, vì nhiều lí do khác nhau mà tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon vẫn ngày càng nghiêm trọng và đáng lo ngại; ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe con người; tác động mạnh tới phát triển kinh tế xã hội của nhiều nước trong đó có Việt Nam.
Việt Nam chung tay đẩy lùi ô nhiễm trắng
Việt Nam là một quốc gia biển, với hơn 3.260 km đường bờ biển thuộc 28 tỉnh thành trải dài từ Bắc xuống Nam, cùng hàng ngàn đảo lớn nhỏ (thuộc 12 huyện/thành phố đảo), đang phấn đấu mục tiêu làm giàu từ biển, mạnh lên nhờ biển. Do đó bảo vệ môi trường biển nói chung, ngăn chặn ô nhiễm trắng nói riêng được Việt Nam hưởng ứng tham gia.
Thực tế, không riêng tại Việt Nam, tình trạng rác thải nhựa và túi nilon ngày càng gia tăng và khó kiểm soát ở nhiều nước. Do đó, kiểm soát rác thải nhựa và túi nilon đang trở thành vấn đề môi trường cấp bách hiện nay. Các nguồn rác thải nhựa và túi nilon đang được thải ra biển từ 2 nguồn: rác thải từ bờ trôi ra biển và rác thải từ các hoạt động của con người trên biển vứt xuống. Ví dụ, rác thải sinh hoạt, lưới cá cũ bỏ lại, phao/lồng nuôi biển…
Chỉ tính riêng túi nilon và các sản phẩm làm bằng nhựa - những vật dụng phổ biến với đời sống của người Việt. Ví dụ, mua ít thịt hay con cá đều được bỏ vào túi nilon, bởi sự thuận tiện này nên số lượng túi nilon được sử dụng ngày càng nhiều và trở thành thói quen cố hữu của không ít người Việt Nam. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa và túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, nhất là những thành phố lớn.
Điều đáng nói, phần lớn lượng túi nilon này tăng theo từng năm, đa phần không được thu gom trôi xuống sông rồi theo dòng nước đổ vào biển cả. Ra đến biển, một phần sẽ trôi dạt khắp bề mặt đại dương, một phần bị cuốn vào các khu vực bãi bồi, cửa sông, cửa biển, các vịnh và bãi tắm, các khi cảng (cá logistic…) và chỉ một phần nhỏ được thu gom trở lại bởi hoạt động chung tay bảo vệ môi trường của các nhóm tình nguyện.
Quay lại nhóm của Tuấn, các hoạt động thu gom rác thủ công như vậy là xử lý phần ngọn. Ở tầm quốc gia, để chung tay giải quyết căn cơ vấn đề Việt Nam đang rất tích cực đề xuất các sáng kiến và tham gia các cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực để giải quyết rác thải nhựa. Cụ thể, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại của thói quen sử dụng các sản phẩm làm từ nhựa và túi nilon được đẩy mạnh. Các địa phương, nhất là những tỉnh thành có biển, doanh nghiệp, cộng đồng đã có những mô hình, sáng kiến, hành động thiết thực để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Ví dụ các huyện, xã đảo như Cù Lao Chàm, Hội An, Cô Tô, Côn Đảo… đang phát động phong trào “Nói không với túi nilon” đã đạt được những thành quả bước đầu, trong đó Cù Lao Chàm được coi là hình mẫu rất thành công. Ở tầm chính sách vĩ mô, ngay từ năm 2018 khi thế giới kêu gọi chung tay giải quyết vấn nạn ô nhiễm trắng, Chính phủ đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Từ đó đến nay đã có rất nhiều chính sách liên quan đến hạn chế rác thải nhựa cũng được Việt Nam ban hành để giải quyết rác thải nhựa.