Tiếp theo Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đã diễn ra ở Singapore vào tháng 6 năm 2018, cuộc gặp thứ hai của lãnh đạo hai nước diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28 tháng 2 năm 2019. Đây là sự kiện quốc tế đặc biệt quan trọng được tổ chức trên đất nước Việt Nam.
Đất nước ta, một quốc gia có địa chính trị quan trọng ở khu vực Đông Nam Á, trở thành tâm điểm chú ý của thế giới khi đóng vai trò chủ nhà cho cuộc hòa giải lịch sử giữa hai quốc gia bên bờ vực chiến tranh. Tại sao Việt Nam lại có thể đóng vai trò to lớn này và tại sao đất nước ta lại chính là nơi phù hợp để tổ chức cuộc hội đàm cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Donald Trump và Kim Jung Un?
Muốn hiểu được điều đó phải nhìn vào lịch sử thế giới sau chiến tranh lạnh cũng như lịch sử của đất nước ta.
Việt Nam trong cuộc hòa giải lịch sử Mỹ - Triều Tiên |
Thứ nhất, lịch sử Việt Nam chính là một lịch sử đấu tranh cho hòa bình. Là quốc gia có địa chính trị đặc biệt, Việt Nam luôn bị dòm ngó và xâm lược bởi các cường quốc. Trong lịch sử, các triều đại Việt Nam đã nhiều lần đánh bại các đội quân xâm lược nước ngoài và sau đó đều chủ động hóa giải hận thù và hướng tới xây dựng một mối quan hệ hữu hảo với họ.
Có thể nói Việt Nam chính là một biểu tượng của đấu tranh cho hòa bình cho dù bằng xương máu hay bằng các giải pháp ngoại giao. Trên thế giới, ít có quốc gia nào đã chịu đựng những mất mát hi sinh to lớn cho cuộc đấu tranh vì mục tiêu hòa bình, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ như Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên khi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Việt Nam được thế giới coi là lương tâm của thời đại. Vậy xét trên khía cạnh biểu tượng đó, còn nơi nào thích hợp hơn Việt Nam để tổ chức hội nghị giữa Mỹ và Triều Tiên vì một nền hòa bình lâu dài của khu vực cũng như xa hơn nữa là sự thống nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Thứ hai, Việt Nam có quan hệ đặc biệt với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Cả hai quốc gia cùng bị chia cắt thành hai miền Nam Bắc trong chiến tranh lạnh, cùng buộc phải chiến tranh với Mỹ để bảo vệ sự tồn vong của đất nước. Hai nước đều chung quan điểm chính trị, cùng tuyên bố xây dựng Chủ nghĩa Xã hội.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Triều Tiên cũng là nước ủng hộ mạnh mẽ cho Việt Nam cả về tinh thần và vật chất. Khi Triều Tiên gặp khó khăn kinh tế vì cấm vận trong những thập kỷ qua, Việt Nam cũng thường xuyên viện trợ, hỗ trợ cho nhân dân Triều Tiên. Có thể nói, tình cảm giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước đã được hun đúc qua nhiều năm tháng. Tình hữu nghị và niềm tin giữa hai nước là sâu sắc và bền chặt.
Chính vì thế, Triều Tiên có thể hoàn toàn tin tưởng Việt Nam chính là nơi lý tưởng để tổ chức hội nghị hòa bình vì tương lai của bán đảo Triều Tiên. Nhà lãnh đạo Kim Jung Un khi tới Việt Nam có thể thấy rõ tình cảm đồng chí, anh em, đến Việt Nam cũng như trở về với gia đình mình. Việt Nam cũng chờ đón ông như một người anh em thân thiết trở về. Triều Tiên ý thức rất rõ điều này nên Việt Nam đăng cai thượng đỉnh Mỹ Triều hoàn toàn phù hợp với mong muốn của giới lãnh đạo nước này.
Hơn thế nữa, đây là lần thứ hai lãnh đạo cao nhất Triều Tiên tới thăm Việt Nam sau chuyến viếng thăm của Chủ tịch Kim Nhật Thành năm 1964. Chắc chắn nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ được chào đón trọng thị và chuyến thăm này sẽ là dịp tốt để thúc đẩy quan hệ hai nước lên tầm cao mới.
Thứ ba, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Hai quốc gia đã từng là địch thủ trong một cuộc chiến tranh dài hai thập kỷ với biết bao mất mát hi sinh. Nhưng ý nghĩa biểu tượng một lần nữa được thể hiện rõ ràng ở đây khi hai cựu thù đã từng bước san lấp hố sâu ngăn cách, tiến lại gần nhau, hóa giả thù hận và đẩy quan hệ hai quốc gia lên tầm đối tác toàn diện.
Mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt – Mỹ hiện nay chính là minh chứng cho thấy các quốc gia có thể vượt qua quá khứ xung đột và những khác biệt trong hệ thống chính trị hiện tại để bắt tay xây dựng một tương lai chung vì lợi ích của nhân dân hai nước. Đó cũng chính là điều mà Triều Tiên và Mỹ cùng mong muốn trong cuộc Hội nghị hòa bình của mình. Vậy còn nơi nào tốt hơn Việt Nam để thực hiện mong muốn ấy!
Giới lãnh đạo cao nhất Hoa Kỳ trong đó có tất cả các đời Tổng thống gần đây từ Bill Clinton, Barack Obama tới Donald Trump đều đã thăm viếng chính thức Việt Nam. Chính giới Hoa Kỳ hoàn toàn yên tâm Việt Nam chính là đối tác tin tưởng cũng là địa điểm an toàn để tổ chức hội nghị.
Thứ tư, Việt Nam là một thành viên ASEAN và hơn thế còn là tâm điểm của ASEAN. Việt Nam từng đóng vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và tổ chức thành công nhiều hội nghị cấp cao nhất của ASEAN và các hội nghị quốc tế. Việc Việt Nam đóng vai trò chủ nhà thượng đỉnh Mỹ Triều không chỉ có ý nghĩa đối với Việt Nam mà còn có ý nghĩa với ASEAN.
Cần lưu ý rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu đã được tổ chức ở Singapore. Lần này, Việt Nam thay mặt ASEAN đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột khu vực. Các quốc gia ASEAN giờ đây tất cả thống nhất cho rằng Việt Nam là quốc gia vì hòa bình và là hòn đá tảng cho sự ổn định và an ninh khu vực. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho vị thế của cả Việt Nam lẫn ASEAN trên trường quốc tế.
Không chỉ ASEAN, một nước lớn khác là Trung Quốc cũng tích cực thúc đẩy phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Là một quốc gia thân hữu với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc cũng ủng hộ Việt Nam đăng cai sự kiện này vì lợi ích của khu vực và của cả Trung Quốc.
Các nước Đông Bắc Á như Nhật Bản và Hàn Quốc trong những năm vừa qua đều rất ủng hộ những cuộc đàm phán nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Cả hai nước này đều là đối tác chiến lược của Việt Nam và cũng đều mong muốn cuộc gặp diễn ra tại Việt Nam sẽ thành công với kỳ vọng cải thiện quan hệ với Triều Tiên vì an ninh chung của mỗi quốc gia và toàn khu vực.
Thứ năm, Việt Nam chưa bao giờ có được sự ổn định về chính trị, thịnh vượng về kinh tế và bình ổn về an ninh như bây giờ. Các công ty, tập đoàn lớn trên thế giới đều đang có mặt và làm ăn phát triển ở Việt Nam.
Trong bối cảnh thế giới rung chuyển bởi khủng hoảng, khủng bố, tranh chấp, Việt Nam vẫn tăng trưởng nhanh, ổn định và đặc biệt rất an toàn. Đó cũng là điều kiện phù hợp mà Mỹ và Triều Tiên đều thấy rõ khi lựa chọn Việt Nam là điểm gặp gỡ hòa bình.
Với tất cả những lý do trên, Việt Nam chính là lựa chọn lý tưởng nhất, xét cả trên khía cạnh biểu tượng lẫn khía cạnh thực tế. Ít có nơi nào an toàn, thoải mái và có thể được tin tưởng bởi cả Mỹ - Triều Tiên như Việt Nam.
Nhân dân Việt Nam với tấm lòng yêu chuộng hoà bình cũng hơn bao giờ hết mong muốn quan hệ Mỹ - Triều Tiên được hàn gắn, vì sự ổn định và hòa bình của khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Nhà nước và nhân dân Việt Nam đặc biệt là nhân dân Thủ đô đã dành tất cả những điều kiện tốt nhất với kỳ vọng rằng Hội nghị Thượng định Mỹ - Triều Tiên sẽ thành công tốt đẹp và mang lại những giải pháp thực sự đẩy nhanh tiến trình hoà bình trên bán đảo Triều Tiên nói riêng và khu vực nói chung.
Nguyễn Văn Hưởng