Tại Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên hợp quốc (HLPF) năm ngoái, trình bày Rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) năm 2023 của Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng - Trưởng Đoàn Việt Nam đã nhấn mạnh quá trình xây dựng VNR lần thứ hai của Việt Nam được tiến hành qua 10 bước với nhiều hình thức nhằm huy động sự tham gia ngay từ đầu của tất cả các bên liên quan, bảo đảm thể hiện được vai trò và tiếng nói của tất cả các bên.
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, toàn bộ hệ thống chính trị và cả xã hội đã nỗ lực để thực hiện SDGs với phương châm cốt lõi “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đến nay, tất cả 17 mục tiêu SDGs đã được lồng ghép trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chính sách phát triển các ngành, lĩnh vực.
Bối cảnh thế giới giai đoạn tới dự báo sẽ tiếp tục có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều khó khăn, thách thức như suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; lạm phát tăng cao, xung đột vũ trang cạnh tranh địa chính trị, bảo hộ thương mại… xuất hiện nhiều nơi trên thế giới; tài nguyên thiên nhiên và môi trường bị suy thoái ngày càng nghiêm trọng; an ninh lương thực, nguồn nước, năng lượng, phi truyền thống dẫn đến tình trạng đói nghèo, khoảng cách thu nhập và phát triển giữa các quốc gia bất bình đẳng ngày càng gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp, nhanh chóng, có tính bất định cao. Bối cảnh toàn cầu với nhiều thách thức cùng với tác động kéo dài do Dịch COVID-19, sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.
Để thực hiện thành công các mục tiêu SDGs, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ 06 nhóm giải pháp:
Thứ nhất, lấy người dân là trung tâm của quá trình phát triển, vừa là mục tiêu vừa là động lực và nguồn lực, mọi quyết định, chính sách, hành động đều phải hướng tới hạnh phúc của người dân. Huy động sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong thực hiện các mục tiêu SDGs và hướng trọng tâm nhiều hơn vào các đối tượng yếu thế để xóa nghèo và thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng. Theo đó, Việt Nam đang quyết liệt triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia gồm: giảm nghèo bền vững, nông thôn mới và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Thứ hai, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là đòn bẩy quyết định thành công trong thực hiện các mục tiêu SDGs đến năm 2030 nói riêng và tiến trình SDGs của nhân loại nói chung trong dài hạn. Đối với Việt Nam, đây là nội dung quan trọngtrong ba đột phá chiến lược mà chúng tôi đang theo đuổi và thúc đẩy mạnh mẽ cùng với cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Một minh chứng điển hình là Việt Nam đã thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo vào năm 2019, có chức năng hỗ trợ và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần chuyển đổi căn bản tương lai kinh tế Việt Nam, thúc đẩy đất nước phát triển bền vững.
Thứ ba, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua phát triển hệ thống giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp bình đẳng, bao trùm, toàn diện. Đồng thời, phát huy tối đa lợi thế cơ cấu dân số vàng với lực lượng lao động trẻ, chịu khó, cần cù, thông minh, nhạy bén, tiếp cận và thích ứng nhanh với khoa học, công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo. Song, Việt Nam đang đứng trước thách thức rất lớn về mất cân bằng giới tính khi sinh và chúng tôi xem đây là một trọng tâm cần phải tập trung xử lý trong thời gian tới để tránh hậu quả trong dài hạn.
Thứ tư, tăng cường công tác quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để hướng tới mục tiêu, cam kết về khí hậu của toàn cầu. Trong đó, với việc thông qua Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) giữa Việt Nam và nhóm các đối tác quốc tế-IPG sẽ đóng góp quan trọng cho việc hiện thực hóa cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam tại Hội nghị COP 26.
Thứ năm, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính bao gồm nguồn tài chính công, tư trong nước và quốc tế, nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn đầu tư nước ngoài (FDI) cũng như đóng góp của các tổ chức và cộng đồng người dân cho các mục tiêu PTBV. Trong đó, các quốc gia phát triển cần thực hiện tốt hơn cam kết đóng góp 0,7% tổng thu nhập quốc gia (GNI) để hỗ trợ cho các quốc gia đang phát triển. Hiện nay, Việt Nam đang triển khai nghiên cứu xây dựng Đề án trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam nhằm thu hút thêm nguồn lực, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa Việt Nam tham gia vào nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Thứ sáu, tiếp tục cải thiện tính sẵn có của dữ liệu, đặc biệt dữ liệu đối với nhóm yếu thế, môi trường, biến đổi khí hậu để phục vụ cho giám sát và đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua lồng ghép việc thu thập thông tin các chỉ tiêu thống kê các mục tiêu phát triển bền vững vào các cuộc điều tra thống kê; đẩy mạnh sử dụng dữ liệu hành chính cho mục đích thống kê và nghiên cứu, sử dụng dữ liệu phi truyền thống, như dữ liệu lớn (big data); số hóa công tác thu thập, tổng hợp, phổ biến số liệu; huy động hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác phát triển, Liên hợp quốc trong việc thu thập, cải thiện dữ liệu các mục tiêu phát triển bền vững.
Hải Vân