Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật năm 2006 xác định, người khuyết tật bao gồm những người có khiếm khuyết lâu dài về thể chất, tâm thần, trí tuệ hoặc giác quan mà khi tương tác với những rào cản khác nhau có thể phương hại đến sự tham gia hữu hiệu và trọn vẹn của họ vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác.

Người khuyết tật cũng có những nhu cầu và quyền lợi giống như những người không khuyết tật, được thể hiện ở các quyền như: quyền sống; quyền bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng; quyền tự do và an toàn cá nhân; quyền bình đẳng về lao động và việc làm; quyền tham gia các hoạt động văn hoá vui chơi giải trí, thể thao; quyền được hỗ trợ để phục hồi chức năng; quyền được hoà nhập và hỗ trợ để hoà nhập vào cộng đồng...

Tuy nhiên, tình trạng khuyết tật và định kiến trong các xã hội thường khiến họ bị tổn thương kép, vì thế người khuyết tật thường gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện các quyền con người của mình.

Đến nay, Liên hợp quốc cùng các tổ chức quốc tế khác đã ban hành nhiều văn kiện chính trị, pháp lý nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền của người khuyết tật. Đơn cử như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR) và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (ICESCR); Công ước chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT), Công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Công ước quyền trẻ em (CRC)…

Đặc biệt, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật (CRPD) vào ngày 13/12/2006 với mục đích là thúc đẩy và bảo đảm cho người khuyết tật được hưởng các quyền một cách bình đẳng và đầy đủ, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng phẩm giá vốn có của họ.

Hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam thực hiện theo hướng bảo đảm sự tương đồng với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật.

Việt Nam đã ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật năm 2007 và phê chuẩn năm 2014. Điều này thể hiện tinh thần, ý thức trách nhiệm của Việt Nam đối với việc bảo đảm, thực thi quyền của người khuyết tật. 

Theo đó, người khuyết tật được hưởng tất cả các quyền như những người bình thường, không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào dựa trên tình trạng khuyết tật. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng quy định những đối xử ưu đãi với người khuyết tật nhằm bù đắp những thiệt thòi của họ, cũng như để bảo đảm sự bình đẳng thực chất về các quyền và cơ hội với mọi công dân.

Hệ thống pháp luật về người khuyết tật ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện theo hướng bảo đảm sự tương đồng với Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật. Hệ thống đó bao gồm: Luật Người khuyết tật 2010, Luật Trợ giúp pháp lý 2006 và một số luật khác như Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Công nghệ thông tin...

Với việc ban hành Luật Người khuyết tật năm 2010, Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách về người khuyết tật, thông qua việc xây dựng 13 văn bản dưới luật là các nghị định, thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Người khuyết tật.

Hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện

Với tỷ lệ người khuyết tật cao, thời gian qua, Đảng, Nhà nước và toàn xã hội luôn dành sự quan tâm, chăm lo sâu sắc, giúp người khuyết tật có nghị lực vươn lên, hòa nhập cộng đồng và đóng góp chung cho sự phát triển của xã hội. 

Trong thời gian tới, để nâng cao vai trò của pháp luật trong bảo đảm quyền của người khuyết tật, cần  thực hiện một số giải pháp cụ thể như: tiếp tục tập trung hoàn thiện và đồng bộ hơn nữa hệ thống pháp luật trong bảo đảm quyền của người khuyết tật trên cơ sở quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như tinh thần Công ước về quyền của người khuyết tật. 

Theo đó, việc xây dựng pháp luật phải được tiếp cận từ góc độ bảo đảm quyền của người khuyết tật trong tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

Cần tiếp tục nghiên cứu một cách thấu đáo các quy định của Công ước quốc tế về quyền của người khuyết tật để tiếp nhận, nội luật hoá một cách đầy đủ, toàn diện các quyền của người khuyết tật theo lộ trình thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bảo đảm quyền của người khuyết tật, trong đó việc thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, nhất là những quy định về quyền của người khuyết tật cần phải trở thành thói quen ứng xử phổ biến trong tổ chức và hoạt động của cán bộ thực thi pháp luật. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi xâm phạm quyền của người khuyết tật

Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng và thực thi pháp luật, chính sách đối với người khuyết tật. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật trong triển khai các giải pháp bảo đảm quyền của người khuyết tật, nhất là tại những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

Cuối cùng, cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quyền của người khuyết tật nhằm nâng cao nhận thức xã hội về trách nhiệm của tất cả các cấp, các ngành và toàn xã hội trong bảo đảm quyền của người khuyết tật với vị trí là người được thụ hưởng quyền thay vì là được ban ơn, thương hại.

Với những nỗ lực mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước, chắc chắn Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những kết quả thiết thực trong việc xây dựng một xã hội bình đẳng để người khuyết tật được sống độc lập và tham gia tích cực vào đời sống xã hội.

Xuân An và nhóm PV, BTV