Bà Yen Nee Goh, Giám đốc quốc gia Intel Việt Nam và Indonesia, cho hay các mô hình nhà máy thông minh sẽ phát triển mạnh trong vòng 5 năm tới, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm của khu vực.
Cụ thể, đại diện Intel dẫn số liệu cho thấy, vào năm 2025, 30% hệ thống điều khiển dùng trong công nghiệp sẽ được tích hợp trí tuệ nhân tạo và phân tích, trong khi tại thời điểm 2021, tỷ lệ này chỉ dưới 5%.
Dự báo quy mô ngành sản xuất thông minh toàn cầu sẽ đạt 384,8 tỷ USD năm 2025, gần gấp đôi mức 214 tỷ USD năm 2020. Khu vực châu Á Thái Bình Dương sẽ có tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm cao nhất thế giới trong lĩnh vực này, với ASEAN và Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm.
Với việc ứng dụng công nghệ nhà máy thông minh vào sản xuất, các nhà máy sẽ giảm được chi phí vận hành, tăng độ an toàn lao động, tăng hiệu suất công việc, tăng cường tính nhất quán của các quy trình và sản phẩm.
Bà Yen Nee Goh, Giám đốc quốc gia Intel Việt Nam và Indonesia. (Ảnh: Hải Đăng) |
Không còn là những dự báo tương lai, phía Intel cho biết hiện nay có nhiều công nghệ nhà máy thông minh đã và đang được ứng dụng trong ngành công nghiệp sản xuất.
Chẳng hạn, Intel đang cung cấp mô hình công việc hội tụ tại nhà máy, cho phép nhiều thiết bị đơn chức năng được tích hợp vào một nền tảng đa năng để xử lý đồng thời các nhu cầu tính toán từ nhiều chức năng khác nhau.
Hoặc trong lĩnh vực thị giác máy (machine vision), có thể cung cấp cho các máy móc như máy hàn rô bốt, băng chuyền và máy phân loại khả năng “nhìn”, phân tích và tự hành động mà không cần có sự can thiệp của con người.
Đại diện Intel đưa ra các ví dụ thực tế tại một nhà máy sản xuất thiết bị công nghiệp, một nhà máy sản xuất lốp xe, và một nhà máy sản xuất kính sát tròng, cho thấy tiết giảm chi phí lao động, tăng hiệu suất lên nhiều lần khi áp dụng các công nghệ hiện đại.
Ngoài ra, các công nghệ trong nhà máy thông minh cũng có thể áp dụng để chẩn đoán các trục trặc của thiết bị. Công nghệ do Intel kết hợp HPE (HP Enterprise) và các đối tác đang triển khai cho phép chẩn đoán các trục trặc tiềm ẩn của thiết bị trong thời gian thực để ngăn ngừa hỏng hóc.
Dữ liệu vẫn đóng vai trò cốt lõi
Theo bà Yen Nee Goh, để ứng dụng các công nghệ của nhà máy thông minh, cần tích hợp theo thời gian thực dữ liệu của nhà máy với dữ liệu doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp liên thông dữ liệu, cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm trên quy mô lớn.
Số liệu cho thấy, khối lượng dữ liệu đang bùng nổ trong kỷ nguyên zettabyte. Ước tính đến năm 2025, có khoảng 180 ZB dữ liệu mới được tạo ra tại các máy chủ tại chỗ lẫn trên đám mây. Mặc dù tất cả các doanh nghiệp đều ưu tiên ứng dụng phân tích dữ liệu và AI, song 76% cho rằng họ chưa thành công trong việc xây dựng doanh nghiệp lấy dữ liệu làm trung tâm.
Các ngành công nghiệp chủ chốt ngày càng sản sinh nhiều về dữ liệu hơn, nhưng phần lớn dữ liệu đó vẫn chưa được sử dụng hiệu quả do các quy trình, công nghệ lạc hậu. Bên cạnh đó, sự gia tăng của dữ liệu phi cấu trúc đến từ các công nghệ kỹ thuật số như loT, AI và không gian mạng cũng làm dữ liệu dày lên và khó xử lý hơn.
Đồng tình quan điểm này, ông Hoàng Hưng, Quản lý nhóm sản phẩm máy chủ khu vực phía Nam của HPE Việt Nam, cho rằng dữ liệu là một trong những rào cản lớn trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp.
Ông Hưng cho hay, hơn 60% các doanh nghiệp trên thế giới khi chuyển đổi số gặp rất nhiều khó khăn, bao gồm con người, quy trình, công nghệ, cách triển khai,... Trong đó, một trong những vấn đề nổi cộm chính là dữ liệu. Vì dữ liệu chính là trung tâm của mọi ứng dụng nên nếu quản lý được dữ liệu, doanh nghiệp sẽ chuyển đổi số thành công, tạo ra hiệu quả kinh doanh theo đúng mục tiêu.
Ngày nay, có nhiều cách thức để lưu trữ và xử lý dữ liệu. Khi chọn nhà cung cấp dịch vụ, doanh nghiệp cần chú trọng đến những yếu tố như tốc độ xử lý dữ liệu, sự linh hoạt trong sử dụng dữ liệu, các vấn đề bảo mật,... nhằm mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Ông Hưng cho hay ngoài xu hướng lưu trữ dữ liệu trên đám mây, nhiều doanh nghiệp hiện triển khai lưu trữ trên máy chủ riêng nhưng vẫn kết nối được với các dịch vụ đám mây của Google, AWS, Microsoft,... Đây là giải pháp dữ liệu lưu trữ tại chỗ nhưng có thể liên thông với các dịch vụ đám mây công cộng, tạo ra nền tảng đám mây lai. Mô hình này cũng được xây dựng để doanh nghiệp không phải đầu tư ban đầu quá nhiều mà vẫn có thể tự động nâng cấp tới một hạn mức nhất định để nhanh chóng mở rộng quy mô nhưng vẫn tiết kiệm chi phí.
Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay xây dựng mô hình hoạt động lấy dữ liệu làm trung tâm (data first) nhưng các chuyên gia cho rằng, cần chọn lọc và xử lý dữ liệu hiệu quả, có đầy đủ thông tin, từ đó tạo cơ sở để ứng dụng những công nghệ mới khác như AI, máy học,...
Hải Đăng
Việt Nam có nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh hàng đầu Đông Nam Á
Công nghệ thực tế ảo và thực tế tăng cường được sử dụng trong kiểm soát quy trình sản xuất theo thời gian thực trong nhà máy mới của ABB. Khách hàng có thể trải nghiệm, theo dõi tiến độ bảo trì, bảo dưỡng thông qua công nghệ này.