Báo cáo của World Ecomic Forum (WEF) và World Bank (WB) về việc Việt Nam chính thức bị Lào và Campuchia vượt mặt có nhiều ý kiến trái chiều. Vậy thực sự chúng ta đang ở đâu?

Tâm lý bị chê, ai cũng sẽ dễ bị “nóng gáy”. Huống chi đây là bị chê ở một thể diện quốc gia – xét về trình độ sản xuất kinh doanh, tức chê từ… cộng đồng kinh tế, doanh nghiệp… mà chê xuống. Vả lại còn chê trong ngữ cảnh so sánh cùng với 2 quốc gia láng giềng vốn luôn xếp hạng sau mình về thứ tự năng lực cạnh tranh là Lào và Campuchia.

“Đừng vội nóng!”

Thông tin về việc Việt Nam đã chính thức bị Lào và Campuchia vượt mặt tiếp tục được nhắc trên thị trường, được “hâm nóng” trở lại, là nguồn tin dựa trên nguồn báo cáo của World Ecomic Forum (WEF) và World Bank (WB).

{keywords}

Xếp hạng năng lực cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tại châu Á.

Thực tế, đây là số liệu thống kê và dự báo chốt ở năm 2014, được công bố trong Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu (Global Competitiveness Report) vào đầu 2015. Đây không phải là số liệu báo cáo mới nhất. Cập nhật Báo cáo Cạnh tranh toàn cầu GCR 2015-16, được công bố vào tháng 8/2015, Việt Nam vẫn được xếp hạng ở vị thứ 56, có sự cải thiện đáng kể. Theo báo cáo gần nhất này thì tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 6, sau Singapore (2), Malaysia (18), Thái Lan (32), Indonesia (37) và Philippines (47).

Trong khu vực, Việt Nam là quốc gia có mức tăng bậc mạnh nhất. Lào và Campuchia lần lượt xếp thứ 83 và 90 theo bảng xếp hạng, cách xa Việt Nam. Đó là xếp trên thứ hạng dựa trên thang điểm tổng với 140 quốc gia tham gia khảo sát.

Còn xét trên từng thang điểm đánh giá cho nhóm chi tiết hơn, Việt Nam cũng có những điểm yếu và dấu hiệu cảnh báo đáng lưu tâm.

Một chuyên gia dẫn nguồn từ GCR 2015-1016 phân tích: “Thứ hạng của DN Việt Nam về cả Đổi mới và Tổ chức kinh doanh được đánh giá thứ 88/140 (nhóm trung bình dưới – giai đoạn chuyển đổi sang hiệu suất) trong khi thứ hạng của Capuchia là 121 và của Lào là 103 (nhóm thấp – giai đoạn định hướng đầu vào). Riêng về trình độ tổ chức kinh doanh thì thứ hạng của Lào là 96 và vượt lên trên Việt Nam với thứ hạng 100. Như vậy, Lào hơn Việt Nam trong các chỉ số con là Phát triển cụm công nghiệp ngành và Năng lực marketing, còn lại đều thấp hơn Việt Nam”.

Trở lại với đánh giá của WEF đối với 140 nước trên thang điểm 7. Điểm năng lực cạnh tranh (GCI) của Việt Nam 2015-2016 được 4,3, tức vượt trên mức trung bình của thang. Thứ hạng và thang điểm của Việt Nam, cũng theo WEF, đã liên tục cải thiện từ năm 2012.

Ở 3 nhóm chính được chia theo tiêu chí đánh giá của WEF, bao gồm: Yêu cầu căn bản (kinh tế vĩ mô, giáo dục cơ bản – y tế, cơ sở hạ tầng, thể chế); yếu tố nâng cao (giáo dục và đào tạo bậc cao, độ hiệu quả trên thị trường lao động, hiệu quả trên thị trường hàng hóa, trình độ công nghệ, quy mô thị trường) và các yếu tố về tinh vi – đột phá (sự tinh vi của hệ thống DN, khả năng đột phá), thì trong 3 nhóm tiêu chí này, Việt Nam được chấm điểm cao nhất ở Yêu cầu căn bản, với 4,54 điểm, xếp thứ 72…

Có nghĩa là chỉ số mà Việt Nam bị Lào “vượt mặt” thực tế cũng không phải là chỉ số chính xét trong nhóm các tiêu chí cơ bản mà WEF dựa vào để đánh giá tổng thể điểm GCI của một quốc gia.

Sự vượt mặt của Lào và Campuchia, nếu có, đối với Việt Nam, theo đó âu cũng đang nằm ở khía cạnh “lẻ”, và nên được xem là một sự cảnh báo, hơn là một nỗi “xấu hổ” mà chúng ta tự nhận khá nặng nề khi nhắc tới. Bởi quốc gia, cũng như con người, đều nhân vô thập toàn, không thể luôn mạnh mẽ, phát triển toàn diện, vượt mặt so với hàng xóm hay đối phương.

Sự vượt mặt của Lào và Campuchia, nếu có, đối với Việt Nam âu cũng đang nằm ở khía cạnh “lẻ”, và nên được xem là một sự cảnh báo, hơn là một nỗi “xấu hổ”.

“Nên… giật mình!”

Nhưng nói như vậy, không có nghĩa chúng ta đã có thể hài lòng, tạm thỏa mãn với nỗ lực, với sự cải thiện GCI của quốc gia trong giai đoạn vừa qua. Sự tiệm cận, thậm chí vượt qua Việt Nam ở một vài chỉ số dù không cơ bản, vẫn đánh động cho chúng ta rằng rõ ràng ta chưa hề hoàn thiện, và ta còn có nhiều điểm cần nỗ lực, tới nỗ lực cải thiện không ngừng.

Bởi, đừng nói là bị Lào hay Campuchia vượt mặt, mặc dù đứng nửa trên top thứ hạng của bảng tổng sắp, và mặc dù vẫn được đánh giá vẫn là một những nền kinh tế quan trọng, Việt Nam vẫn đứng cách xa với các quốc gia khác cùng khu vực.

Những quốc gia đó cùng đều thuộc nhóm mới nổi và có xuất phát điểm không xa Việt Nam. Và nếu không thể so bì hoặc lấy Singapore làm mục tiêu phấn đấu trong tương lai gần (Singapore ở vị trí thứ 2 chỉ sau Thụy Sỹ), thì việc Malaysia ở cách chúng ta vị thứ quá xa (trong top 20), vẫn là điều khiến Việt Nam phải “vắt tay lên trán” suy nghĩ.

Hoặc, hạ tiêu chí thấp hơn, không nhắm đến top 20, thì việc Indonesia ở trước ta những 19 bậc cạnh tranh, hoặc Philippine ở trước ta những 9 bậc cạnh tranh, cũng đều là những câu hỏi hóc búa mà Việt Nam phải quan tâm. Nó là một những chỉ dấu cho thấy trong cuộc cạnh tranh của thị trường hẹp thuộc Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Việt Nam vẫn còn rất nhiều việc phải làm cùng các thành viên khác – chứ chưa bàn tới thị trường mở, rộng, xa.

Nhìn nhận nghiêm túc, nhiều DN Việt Nam cho rằng, chúng ta vẫn đang ở thế bị động ngay trong AEC. Trong một thị trường chung đã mở, có hiệu lực, một trình độ tổ chức kinh doanh nói chung của cộng đồng doanh nghiệp nếu còn yếu kém, chưa bài bản, thì trước mắt có thể chưa tác động rõ rệt nên các chỉ số đánh điểm GCI toàn cầu, nhưng sâu xa sẽ là câu chuyện có tác động đến trình độ hội nhập, đến sự thịnh vượng của cả quốc gia.

Hay như với điểm yếu của Việt Nam trong chỉ số con so với Lào là Phát triển cụm công nghiệp ngành và Năng lực marketing, thì Việt Nam với định hướng phát triển công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước đến 2020 đã cả chục năm, vẫn thua sau Lào là một quốc gia chưa vượt ta về thu hút đầu tư FDI và phát triển công nghiệp. Cũng như, trong thời buổi mà hàm lượng giá trị chất xám sẽ quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế sáng tạo, ta lại còn kém cỏi về marketing. Quả không thể không… giật mình!

Nói đi cũng vẫn nói lại, tuy ta không tự tin nhược tiểu, không đến mức phải xấu hổ mà ngược lại nên tự hào về những gì Việt Nam đã nỗ lực làm được để cải thiện hình ảnh, năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế nhưng mỗi một thông điệp, những thông tin “ngược” ta cũng nên lấy đó làm động lực để nhắc nhở bản thân mỗi ngày. Nếu ta đứng yên một chỗ, không ai dám nói ngày mai ta không tụt lại phía sau.

(Theo Zing)