Theo Spamhaus Project - tổ chức thống kê về mối đe dọa tấn công mạng có trụ sở chính tại Anh và Thụy Sĩ, Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong các quốc gia có số lượng máy tính bị nhiễm mã độc cao nhất thế giới. Bản báo cáo cũng cho thấy, tính đến tháng 5/2019, có hơn 905.000 máy tính bị tin tặc điều khiển tại Việt Nam. 

Báo cáo cuối năm 2018 của Kaspersky Lab cũng cho thấy, với hơn 100 triệu trường hợp nhiễm mã độc trực tuyến và hơn 400 triệu trường hợp nhiễm mã độc ngoại tuyến được ngăn chặn, Việt Nam là quốc gia có số lượng mối đe dọa trực tuyến và ngoại tuyến đứng đầu Đông Nam Á. 

{keywords}
Hội nghị Sơ kết công tác giám sát An toàn thông tin trên mạng CNTT trọng yếu của Đảng và Chính phủ giai đoạn 2013 - 2019. Ảnh: Trọng Đạt

Ở Việt Nam, thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng đã lên mức kỷ lục 14.900 tỷ đồng (khoảng 642 triệu USD), nhiều hơn 21% so với mức thiệt hại của năm 2017. Trong đó, có tới hơn 60% cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị nhiễm mã độc đào tiền ảo (theo thống kê của Bkav). 

Theo thống kê của Ban Cơ yếu Chính phủ, hệ thống mạng của các cơ quan Chính phủ tại Việt Nam có trên 10.000 lỗ hổng được tìm thấy. Đáng chú ý khi 6% trong số đó ở cấp độ nghiêm trọng và 23% là có nguy cơ cao. 

Kết quả thống kê còn chỉ ra rằng, trong hệ thống mạng của các cơ quan Chính phủ tại Việt Nam, có trên 2.400 dịch vụ mạng không cần thiết được bật trên hệ thống, trên 100 mẫu phần mềm độc hại chứa chuỗi URL có tên miền gov.vn, 10 mẫu phần mềm độc hại được tải xuống từ các tên miền .gov.vn và trên 2100 tài khoản bị xâm nhập với địa chỉ email thuộc các cơ quan chính phủ.

Đánh giá về công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam, đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ cho biết, tình hình an ninh mạng trong thời gian tới sẽ có nhiều biến động. 

Các nguy cơ gây mất ATTT phổ biến trong thời gian tới sẽ là tấn công lây nhiễm mã độc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tấn công mạng vào các hệ thống thương mại điện tử, tài chính - ngân hàng… với mục tiêu đánh cắp thông tin, dữ liệu cá nhân của người dùng. 

{keywords}
Thiếu tướng Nguyễn Đăng Đào - Phó Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ nhận định về tình hình an ninh mạng tại Việt Nam. Ảnh: Trọng Đạt

Các tin tặc sẽ tấn công trực tiếp vào hạ tầng thiết bị IoT, đô thị thông minh, đồng thời lợi dụng các hạ tầng, thiết bị này để thực hiện tấn công mạng có chủ đích vào các cơ quan, tổ chức nhà nước nhằm lấy cắp thông tin, dữ liệu. 

Không chỉ vậy, sẽ xuất hiện ngày một nhiều hơn cã vụ giả mạo các cơ quan, tổ chức, cá nhân để bôi nhọ, nói xấu và phát tán thông tin độc hại trên mạng.

Theo đại diện Ban Cơ yếu Chính phủ, một vấn đề không nhỏ đối với công tác đảm bảo ATTT mạng Việt Nam hiện nay là tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị vẫn dùng phần mềm hết bản quyền hoặc không có bản quyền. Tại nhiều cơ quan, đơn vị, hệ thống mạng kết nối ngang hàng, thiếu các trang thiết bị bảo đảm ATTT mạng. 

Các hệ thống thông tin còn tồn tại lỗ hổng bảo mật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất dữ liệu, lây nhiễm các phần mềm độc hại. Đa số các cơ quan tổ chức chỉ mới dừng lại ở mức trang bị các phần mềm diệt virus có bản quyền cho các máy tính, chưa có biện pháp bảo đảm an toàn thông tin đồng bộ, do vậy khả năng đảm bảo ATTT và phòng chống virus, bảo mật không cao. 

Trước bối cảnh đó, giám sát ATTT được coi là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết trong việc phát hiện, phòng chống, đối phó và ngăn chặn các cuộc tấn công mạng.

Trong khoảng thời gian từ năm 2013- 2019, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai các giải pháp kỹ thuật nhằm bảo vệ mạng CNTT và việc chỉ đạo, điều hành của Đảng và Nhà nước trên các mạng liên lạc cơ yếu.

Hoạt động giám sát này giúp Ban Cơ yếu Chính phủ và các cơ quan chủ quản mạng CNTT kịp thời phát hiện và ngăn chặn các cuộc tấn công có mục đích đánh cắp, sửa đổi, giả mạo thông tin, khai thác bí mật Nhà nước.

Trọng Đạt