Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã nộp bản đệ trình tham gia thủ tục Ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về biến đổi khí hậu.
Trong Bản đệ trình của mình, Việt Nam đề nghị ICJ khẳng định nghĩa vụ của các quốc gia trong chống biến đổi khí hậu (BĐKH) trên cơ sở các điều ước quốc tế có liên quan như Công ước khung của Liên hợp quốc, Hiệp định Paris và Công ước Liên hợp quốc về luật biển (UNCLOS), cũng như nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt (CBDR), đóng góp vào công việc chung của Liên hợp quốc.
Bản đệ trình khẳng định các quốc gia có nghĩa vụ ngăn ngừa các tổn hại xảy ra với hệ thống khí hậu toàn cầu và hợp tác thiện chí trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, việc nhiều nước phát triển không tuân thủ nghĩa vụ này sẽ dẫn đến các hệ quả pháp lý theo luật pháp quốc tế.
Trên cơ sở đó, Việt Nam khẳng định hệ thống luật pháp quốc tế về chống BĐKH, đã có quy định về cơ chế bồi thường cho tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho các nước đang phát triển. Bản đệ trình của Việt Nam cũng khẳng định việc bồi thường với các tổn thất do biến đổi khí hậu phải trên cơ sở các nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt (CBDR), trong đó, với mức độ xả thải trong quá khứ, các nước phát triển phải đóng vai trò dẫn dắt trong ứng phó các tác động tiêu cực của BĐKH; từ đó cần tích cực thúc đẩy chuyển giao công nghệ xanh, hỗ trợ tài chính xanh cho các nước đang phát triển.
Tại Hội thảo khu vực dành cho các nước châu Á tham gia thủ tục tại ICJ (ngày 16-17/3/2024 tại Hạ Long), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ nhấn mạnh, do đặc điểm địa lý đặc thù, với bờ biển dài, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước tác động của BĐKH. Bởi vậy, Việt Nam rất coi trọng sự hợp tác với các quốc gia, tổ chức quốc tế trong nỗ lực chung nhằm ứng phó các thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu.
“Việc tham gia thủ tục ý kiến tư vấn của ICJ là cơ hội to lớn cho các nước đang phát triển tham gia nỗ lực toàn cầu ứng phó BĐKH, thúc đẩy quyền của các nước dễ bị tổn thương và định hình sự phát triển của luật môi trường quốc tế”, Thứ trưởng cho biết.
Theo Ban thư ký ICJ, đã có hơn 80 quốc gia đã nộp bản đệ trình để chính thức tham gia thủ tục ý kiến tư vấn của ICJ tới thời điểm hiện tại. Con số này đã đưa Thủ tục ý kiến tư vấn về BĐKH trở thành vụ việc có quy mô lớn nhất mà ICJ từng xử lý, đồng thời cho thấy vai trò quan trọng mà ý kiến của ICJ mang lại trong vấn đề BĐKH.
Thể hiện rõ vai trò của Việt Nam
Trước đó, ngày 4/3/2023 tại New York, Mỹ, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 77/276 bằng đồng thuận với hơn 130 quốc gia đồng bảo trợ. Theo đó, đề nghị ICJ cho ý kiến pháp lý về trách nhiệm của các quốc gia trong nỗ lực chống BĐKH.
Việt Nam nằm trong Nhóm nòng cốt gồm 18 quốc gia chủ trì thúc đẩy Nghị quyết này tại Đại hội đồng LHQ.
Ý tưởng hỏi ý kiến ICJ được Vanuatu thúc đẩy từ năm 2022 khi nhiều nước đảo nhỏ có nguy cơ bị mất sinh kế, thậm chí lãnh thổ… do ảnh hưởng của BĐKH gây ra chủ yếu bởi phát thải khí nhà kính. Các nước nòng cốt cho rằng, luật pháp quốc tế đã quy định nghĩa vụ như ngăn ngừa ô nhiễm, giảm phát thải và hỗ trợ các nước khác giảm phát thải… song nhiều nước đã không thực hiện nghĩa vụ này. Các nước này hi vọng ICJ một lần nữa khẳng định và làm rõ nội hàm của các nghĩa vụ, chỉ ra vi phạm và trách nhiệm pháp lý của các nước liên quan.
Ý kiến tư vấn của ICJ về vấn đề này được kỳ vọng sẽ thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng quốc tế về BĐKH trong mối quan hệ giữa các quốc gia cũng như giữa quốc gia với các tập đoàn công nghiệp. Dự kiến, ICJ sẽ chính thức đưa ra ý kiến của mình vào năm 2025 sau khi lấy ý kiến bằng văn bản và tổ chức phiên tranh tụng trực tiếp đối với yêu cầu của Đại hội đồng LHQ.
Phát biểu về sáng kiến này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định: “Việc tích cực thúc đẩy và tham gia thủ tục ý kiến tư vấn tại ICJ thể hiện rõ vai trò của Việt Nam với tư cách thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, thu hút sự ủng hộ của các nước đang phát triển. Tiến trình tại ICJ cũng cho thấy sự coi trọng của cộng đồng quốc tế đối với vai trò, đóng góp của Việt Nam trong vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm các cam kết mạnh mẽ thời gian qua tại các diễn đàn quốc tế”.
Về ICJ Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) là cơ quan tư pháp chính của Liên hợp quốc, được thành lập vào tháng 6/1945 theo Hiến chương Liên hợp quốc và bắt đầu hoạt động từ tháng 4/1946. ICJ có hai vai trò chính gồm: (i) giải quyết các tranh chấp pháp lý theo yêu cầu của các quốc gia; và (ii) đưa ra ý kiến tư vấn về các câu hỏi pháp lý theo đề nghị của các cơ quan Liên hợp quốc. Thủ tục cung cấp ý kiến tư vấn là một trong hai chức năng chính của ICJ. Trên cơ sở đề nghị của các cơ quan Liên hợp quốc, ICJ sẽ cung cấp ý kiến tư vấn của tòa về các câu hỏi pháp lý mà các cơ quan Liên hợp quốc nêu. Ý kiến tư vấn của ICJ không có giá trị ràng buộc trực tiếp theo luật pháp quốc tế mà chỉ có tính khuyến nghị với các quốc gia và tổ chức quốc tế có liên quan. Tuy vậy, ý kiến tư vấn của ICJ vẫn đóng vai trò quan trọng trong giải thích luật pháp quốc tế và có thể là cơ sở để các quốc gia, tổ chức quốc tế xây dựng chính sách, pháp luật. Đến nay, ICJ đã 28 lần đưa ra ý kiến tư vấn khi nhận được yêu cầu của các cơ quan Liên hợp quốc, trong đó đây là lần thứ ba Việt Nam tham gia thủ tục xin ý kiến tư vấn của ICJ. Trước đó, trong năm 2023, Việt Nam cũng đã tham gia đầy đủ vòng góp ý bằng văn bản và tranh tụng trực tiếp trong thủ tục xin ý kiến tư vấn của Tòa Luật Biển quốc tế (ITLOS). |