Liên Hợp Quốc vừa phát hành báo cáo Chỉ số chính phủ điện tử hỗ trợ chuyển dịch hướng tới xã hội bền vững 2018. Báo cáo nhấn mạnh xu hướng toàn cầu về phát triển chính phủ điện tử mức độ cao hơn, nghiên cứu tác động của công nghệ và tiến bộ kỹ thuật số đến khu vực công, thay đổi cuộc sống của mọi người. Từ khảo sát, có thể thấy chính phủ điện tử không chỉ có thể cải thiện quy trình chính sách và công việc trong dịch vụ công mà còn bảo đảm không một ai bị bỏ lại phía sau.
Chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) 2018 được chia thành các nhóm nhỏ (rất cao, cao, trung bình và thấp). Đây là lần thứ 10 Liên Hợp Quốc thực hiện báo cáo đánh giá, xếp hạng mức độ phát triển chính phủ điện tử của các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên kề từ năm 2001. Chỉ số được tính toán dựa trên 3 lĩnh vực quan trọng nhất của chính phủ điện tử, đó là quy mô và chất lượng của dịch vụ công trực tuyến (OSI), chỉ số hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI).
Theo báo cáo, có 40 quốc gia được chấm điểm “rất cao” với chỉ số EGDI từ 0,75 đến 1 so với chỉ 10 nước năm 2003 và 29 nước năm 2016. Việt Nam nằm trong số được đánh giá “cao” với chỉ số từ 0,5 đến 0,75. Điểm EGDI trung bình từ 0,25 đến 0,5, còn điểm thấp là dưới 0,25. Đan Mạch, Úc và Hàn Quốc là các nước đứng đầu về phát triển chính phủ điện tử.
Một điểm đáng chú ý là trong năm 2018, OSI đóng vai trò chính trong cải thiện chỉ số EGDI. Với các nước thu nhập trung bình và thấp, xu hướng tăng điểm TII và OSI rất đáng khuyến khích, cho thấy việc liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ công đã dẫn đến tiến bộ chung về phát triển chính phủ điện tử. Việt Nam cũng được Liên Hợp Quốc xếp vào nhóm có chỉ số OSI cao. Chỉ số tham gia điện tử (e-participation index) của của nước ta thuộc nhóm cao (từ 0,5 đến 0,75).
Như vậy, Việt Nam cải thiện ở cả 3 chỉ số thành phần, tăng 1 bậc về chính phủ điện tử. Trong nhóm nước ASEAN, Việt Nam xếp thứ 6 sau Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Brunei.
Theo dự thảo “Nghị quyết về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2025” đặt mục tiêu hết năm 2020, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 quốc gia đứng đầu ASEAN về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc.