- Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ra ngày 28/10 cho thấy, môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều cải thiện so với năm trước đây, trong các lĩnh vực như khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều chỉ số không thay đổi như một số loại giấy phép, bảo vệ quyền tài sản…

Theo Báo cáo Môi trường Kinh doanh - Doing Business 2016, Việt Nam tăng 3 bậc so với xếp hạng năm trước, lên vị trí 90 trong số 189 nền kinh tế được đánh giá.

Trong xếp hạng năm nay, WB bổ sung thêm một số tiêu chí như: chất lượng các quy định về xây dựng và thực hiện; độ tin cậy trong cung cấp điện, tính minh bạch của thuế quan và giá điện; chất lượng của hệ thống quản lý đất đai; chất lượng của các quá trình tư pháp…

Một số chỉ số xếp hạng của Việt Nam so với năm ngoái bao gồm: Khởi sự kinh doanh (tăng 6 bậc, từ 125 của năm ngoái lên thứ hạng 119); tiếp cận điện năng (tăng 22 bậc, từ 130 lên 108); tiếp cận tín dụng (tăng 8 bậc, từ 36 lên 28); nộp thuế (tăng 4 bậc, từ 172 lên mức 168).

{keywords}

Môi trường kinh doanh của Việt Nam có nhiều cải thiện so với năm trước đây, trong các lĩnh vực như: khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện năng, tiếp cận tín dụng, nộp thuế.

Một số chỉ số năm nay giảm so với xếp hạng công bố năm ngoái, như: Thương mại qua biên giới (giảm 1 bậc, từ 98 xuống 99); bảo vệ nhà đầu tư (tụt 1 bậc, từ 121 xuống 122). Ngoài ra, Việt Nam có nhiều chỉ số khác không thay đổi, như chỉ số giấy phép xây dựng, bảo vệ quyền tài sản, thực hiện hợp đồng…

Các nền kinh tế thuộc tất cả các nhóm thu nhập đều thực hiện cải cách, trong đó các nước dẫn đầu gồm Việt Nam (5 cải cách), Hong Kong, Trung Quốc (4), và Indonesia (3).

Theo WB, Việt Nam đang thực hiện cải cách nhằm đảm bảo cho người vay có thể kiểm tra được thông tin tín dụng của mình, và thành lập thêm văn phòng tín dụng mới để mở rộng diện cho vay. Nhờ đó diện đối tượng vay vốn đã được mở rộng tương đương một số nước thu nhập cao, và các doanh nghiệp nhỏ tại Việt Nam có quá trình trả nợ tốt sẽ dễ vay vốn hơn do các tổ chức tín dụng dễ xác minh độ khả tín của họ hơn.

Đây làm năm thứ 10 liên tiếp Singapore xếp hạng nhất trong bảng xếp hạng về môi trường kinh doanh hàng năm của Nhóm Ngân hàng Thế giới. Trong nhóm 20 nước hàng đầu có New Zealand (thứ 2), Hàn Quốc (4), Đặc khu Hong Kong, Trung Quốc (5), Đài Loan, Trung Quốc (11), Úc (13) và Malaysia (18).

Báo cáo cũng cho thấy, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương là khu vực thứ hai sau châu Âu về số lượng các nền kinh tế được đưa vào nhóm 20 nền kinh tế có môi trường thân thiện nhất. Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết phần lớn các nền kinh tế trong khu vực đang thực hiện cải cách môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong năm vừa qua, 52% trong số 27 nền kinh tế trong khu vực đã thực hiện tổng cộng 27 đợt cải cách tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Trong năm vừa qua, con số các cuộc cải cách lớn nhất được ghi nhận trong lĩnh vực khởi nghiệp. Myanmar đã đạt được thành tích cải cách tốt nhất trên thế giới trong lĩnh vực gỡ bỏ đòi hỏi về vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp trong nước và hoàn thiện thủ tục thành lập doanh nghiệp, qua đó giúp các doanh nghiệp nhỏ tiết kiệm thời gian và chi phí. Tại Brunei Darussalam, nơi cũng tiến hành cải cách thủ tục thành lập doanh nghiệp, thời gian trung bình để thành lập một doanh nghiệp mới giảm xuồng còn 14 ngày, so với năm ngoái là 104 ngày. Kết quả đó đạt được là nhờ cải tiến dịch vụ đăng kí online, và đơn giản hoá các thủ tục trong và sau khi đăng kí.

Nhưng ngay cả khi các nước trong khu vực đang tiệm tiến dần đến các thông lệ tốt nhất về qui chế quản lí thì nhiều thách thức vẫn tồn tại, nhất là trong lĩnh vực giải quyết tình trạng mất khả năng thanh toán, thực thi hợp đồng và đăng kí tài sản. Trong lĩnh vực đăng kí tài sản, tại khu vực Đông Á - Thái Bình Dương người ta phải mất trung bình 74 ngày mới hoàn thành một vụ chuyển nhượng tài sản, trong khi mức bình quân toàn cầu là 48 ngày.

M.Hà