Theo đánh giá của WHO, Việt Nam đã có những bước phát triển mới trong hệ thống quản lý vắc xin. Trong tương lai xa, Việt Nam có thể là nước sản xuất vắc xin nhiều nhất thế giới.

Bước tiến mới của cơ quan quản lý quốc gia về vắc xin

Mới đây, Bộ Y tế và Văn phòng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức buổi họp tổng kết đánh giá các chức năng của Cơ quan quản lý quốc gia (NRA) đối với vắc xin.

Theo đó, các chuyên gia của WHO đánh giá các đơn vị NRA của Việt Nam, bao gồm: Cục Quản lý Dược, Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Viện Kiểm định Quốc gia về vắc xin, sinh phẩm y tế - Bộ Y tế đã có những bước phát triển mới trong hệ thống quản lý vắc xin, trên 90% chỉ số theo bộ công cụ đánh giá của WHO được các chuyên gia đánh giá đạt yêu cầu. Tuy nhiên cũng còn một số chỉ số khác mà chuyên gia của WHO khuyến cáo các đơn vị NRA cần phải khắc phục trong thời gian tới.

{keywords}
Đoàn chuyên gia của WHO đánh giá các đơn vị NRA của Việt Nam

Vào năm 2015, kết quả đánh giá độc lập của 14 chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về NRA cùng 2 quan sát viên đến từ Liên bang Nga đã nhận định Việt Nam đạt tiêu chuẩn hệ thống quản lý quốc gia về vắc-xin theo tiêu chuẩn của WHO. Có thể nói, với việc đạt được NRA sẽ mở ra cánh cửa xuất khẩu vắc-xin của Việt Nam ra thế giới, Việt Nam sẽ góp phần cung cấp vắc-xin phòng, chống dịch bệnh cho khu vực và toàn cầu.

Các chuyên gia của WHO cũng nhận định, nhìn vào tương lai xa, dự kiến 20 - 30 năm tới Việt Nam có thể là nước sản xuất vắc xin nhiều nhất trên thế giới. Bởi cơ quan quản lý của Việt Nam có đủ năng lực để giám sát vắc xin có chất lượng ra thị trường và cho xuất khẩu.

Xuất khẩu vắc xin cúm mùa, 2020 sẽ có vắc xin 5 trong 1

Tính tới thời điểm hiện tại, Việt Nam đã tự sản xuất được 10 loại vắc xin phòng bệnh lao, sởi, rubella, rota, tả, thương hàn, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi-rubella…, trong đó có 8 loại đã được đưa vào chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Đầu tháng 4/2018, Việt Nam chính thức đưa vắc xin sởi-rubella do Việt Nam sản xuất vào chương trình tiêm chủng mở rộng, dùng tiêm chủng miễn phí cho trẻ 18 tháng tuổi tại các điểm tiêm chủng xã phường, thay thế loại của Ấn Độ. Đã có 19 tỉnh, thành triển khai. 50.000 trẻ đã được tiêm và chưa ghi nhận trường hợp phản ứng nặng nào. Với kết quả này, Việt Nam là một trong 25 quốc gia trên thế giới và là nước thứ 4 tại châu Á sản xuất thành công vắc xin sởi-rubella, sau Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Quốc.

Tháng 8/2018, Bộ Y tế thông tin, dự án sản xuất vắc xin cúm mùa ở quy mô công nghiệp được nghiệm thu đạt kết quả xuất sắc. Vắc xin cúm mùa do Việt Nam sản xuất sẽ có giá chỉ bằng 1/3 giá vắc xin cùng loại đang phải nhập khẩu. Đồng thời, WHO cũng đã đặt hàng vắc xin cúm mùa của Việt Nam.

{keywords}
 

Hiện Chương trình phát triển sản phẩm vắc xin quốc gia đang thực hiện 9 dự án nghiên cứu phát triển vắc xin, trong đó có những loại vắc xin khó như vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, não mô cầu và vắc xin DPT phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, với thành phần ho gà vô bào.

Theo Bộ Y tế, trong năm 2018 và 2019, sẽ có thêm 3 loại là vắc xin phòng cúm mùa, viêm não Nhật Bản tế bào và bại liệt bất hoạt của Việt Nam được đưa vào sử dụng. Các chuyên gia cũng kỳ vọng có thể hoàn thành sản xuất vắc xin 5 trong 1 vào năm 2020 và đặt mục tiêu đến năm 2024 sẽ sản xuất được 12 loại vắc xin, đến năm 2030 có 14 loại vắc xin.

D.Minh (tổng hợp)