Sáng ngày 19/12/2019, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình Việt Nam đã tổ chức phiên họp lần thứ 15 để đánh giá lại công tác triển khai số hóa truyền hình trong thời gian qua và triển khai các công tác trọng tâm đến năm 2020. Thứ trưởng Bộ TT&TT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án Phạm Hồng Hải đã chủ trì phiên họp. Tham dự còn có đại diện lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ, các doanh nghiệp truyền hình Việt Nam…
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Đề án về kết quả thực hiện trong thời gian qua như sau: 12 tỉnh nhóm III, bao gồm (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Lâm Đồng, Ninh Thuận) đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất.
Về việc chuyển đổi tần số và chuyển đổi công nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam VTV đã chuyển đổi 09/15 kênh tần số, sẽ chuyển đổi 06/15 kênh tần số còn lại sau khi triển khai mạng đơn tần tại 02 khu vực đồng bằng Bắc Bộ và Nam Bộ; Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC đã hoàn thành việc chuyển đổi 09/09 kênh tần số và đã chuyển đổi 22/41 trạm phát sóng từ DVB-T sáng DVB-T2, còn 19/41 trạm phát sóng cần chuyển đổi công nghệ trong thời gian tới; Công ty AVG đã hoàn thành việc chuyển đổi 128/128 kênh tần số.
Đối với công tác xác định vùng hỗ trợ đầu thu truyền hình số, Cục Tần số Vô tuyến điện đã phối hợp với các địa phương hoàn thành việc xác định vùng hỗ trợ STB đối với địa bàn thuộc vùng phủ sóng của trạm phát lại ATV tại 09 tỉnh nhóm II và 12 tỉnh nhóm III. Cục Tần số Vô tuyến điện cũng phối hợp với các địa phương hoàn thành việc xác định vùng hỗ trợ STB tại 15 tỉnh nhóm IV. Ngày 06/8/2019, Bộ TT&TT cũng đã phê duyệt vùng hỗ trợ STB tại 15 tỉnh này.
Về công tác thông tin, tuyên truyền, thời gian qua, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử đã tổ chức tập huấn công tác số hóa truyền hình cho 12 tỉnh nhóm III, 06 tỉnh nhóm IV; sản xuất 20 chương trình phát thanh, thời lượng 10 phút/ chương trình, 19 chương trình truyền hình có thời lượng 15 phút/ chương trình để tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình và gửi Đài PTTH địa phương để thực hiện tuyên truyền trên các kênh truyền hình, truyền hình của địa phương.
Ngoài ra, liên quan đến việc chậm tiến độ thực hiện các thủ tục hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho địa bàn thuộc vùng phủ sóng của các trạm phát lại truyền hình tương tự mặt đất tại 9 tỉnh nhóm II và 12 tỉnh nhóm III, Ban Quản lý Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích cần đánh giá lại tác động của việc chậm hỗ trợ đầu thu, chuẩn bị các công tác hỗ trợ khác để đảm bảo mục tiêu của Đề án là đến năm 2020 100% các hộ gia đình có máy thu hình trên cả nước xem được truyền hình bằng các phương thức khác nhau gồm truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình qua vệ tinh, truyền hình Internet…
Để thực hiện đúng tiến độ kết thúc truyền hình tương tự mặt đất trước ngày 31/12/2019, Ban Chỉ đạo Đề án cho biết: VTV cần phủ sóng DVB-T2 cho các tỉnh (Bắc Kạn, Tuyên Quang, Yên Bái, Lạng Sơn, Lào Cai, Hòa Bình, Đắk Nông, Điện Biên) trước ngày 30/6/2020; các tỉnh (Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang) trước ngày 30/9/2020; Công ty DTV cần sớm hoàn thiện các thủ tục để được cho phép mở rộng pham vi cung cấp dịch vu ra các tỉnh miền núi phía Bắc và phối hợp với các địa phương phát sóng DVB-T2 trước ngày 30/6/2020.
Các đơn vị, doanh nghiệp truyền dẫn, phát sóng khác tiếp tục mở rộng và tăng cường chất lượng phủ sóng DVB-T2 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và trên toàn quốc.
Ngoài ra, việc hỗ trợ STB cho các tỉnh chưa được hỗ trợ đầu thu cần tiến hành trước ngày 30/4/2020 đối với các tỉnh nhóm II, trước ngày 15/4/2020 đối với 12 tỉnh nhóm III. Đối với 15 tỉnh nhóm IV sẽ được hỗ trợ đầu thu và ngừng phát sóng ATV trước ngày 31/11/2020.
Tại phiên họp, đại diện lãnh đạo các đài phát thanh truyền hình, các doanh nghiệp truyền hình, các đơn vị liên quan cũng đã có nhiều ý kiến, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Đề án số hóa.
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải cho biết, Việt Nam là một trong số 75 nước trên thế giới sẽ tắt sóng truyền hình mặt đất và là một trong 4 nước trong khu vực ASEAN sẽ tắt sóng truyền hình mặt đất trong năm 2020. Việc triển khai thực hiện tắt sóng truyền mặt đất thành công trong năm 2020 không chỉ khẳng định sự tiến bộ của Việt Nam mà còn góp phần vào sự phát triển ICT ở Việt Nam trong thời gian tới.
Về thời gian tắt sóng, Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan, Ban Quản lý dự án, các doanh nghiệp truyền hình, các tỉnh/ thành phố… cần nỗ lực trong việc hỗ trợ đầu thu cho địa phương, tích cực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về thời điểm ngừng phát sóng đối với các trạm phát lại và địa bàn chuyển sang sử dụng truyền hình số qua vệ tinh, tổ chức tập huấn về công tác triển khai số hóa truyền hình cho các tỉnh nhóm IV trong thời gian sớm để việc tắt sóng truyền hình số mặt đất được cơ bản thực hiện vào ngày 30/11/2020 và ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ sẽ chính thức công bố việc tắt sóng truyền hình số mặt đất trên cả nước.
Thứ trưởng cũng chỉ đạo, Vụ Quản lý Doanh nghiệp (Bộ TT&TT) sớm hoàn thiện việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 08/2016/TT-BTTTT , trong đó có nội dung hỗ trợ đầu thu để sớm báo cáo Bộ trưởng và ban hành trong tháng 1/2020.
Các doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng có báo cáo đánh giá, định mức gửi Vụ Kế hoạch Tài chính để Vụ báo cáo Ban Chỉ đạo, đồng thời có các hướng dẫn với địa phương để địa phương an tâm phối hợp với doanh nghiệp.
Thứ trưởng Phạm Hồng Hải cũng khẳng định, đối với một số địa phương còn chậm trễ trong việc phối hợp, trong thời gian tới Bộ sẽ tổ chức các chuyến làm việc để nâng cao nhận thức của địa phương, đồng thời có sẽ có văn bản gửi các địa phương, chỉ rõ trách nhiệm của địa phương trong việc chậm trễ để tránh tình trạng ảnh hưởng làm chậm tiến độ thời gian tắt sóng trên cả nước./.