Kính thưa ngài Juan Andres Fontaine, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Phát triển và Du lịch Chile, Chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V) APEC lần thứ 25,
Kính thưa các vị Bộ trưởng, Trưởng đoàn đại biểu các nền kinh tế APEC,
Thưa toàn thể quý vị đại biểu,
Trước hết, thay mặt cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tôi xin gửi lời cảm ơn trân trọng tới Bộ trưởng chủ toạ và nền kinh tế chủ nhà Chile vì đã đón tiếp nồng hậu đoàn công tác của Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng DNN&V APEC lần thứ 25. Năm 2017, cá nhân tôi rất vinh dự được đón tiếp các Bộ trưởng APEC tham dự Hội nghị Bộ trưởng DNN&V APEC lần thứ 23 tại TP Hồ Chí Minh, còn ngày hôm nay tôi đã bay hơn nửa vòng trái đất để đến với thành phố Concepcion xinh đẹp.
Trong những năm gần đây, nền kinh tế thế giới nói chung và APEC nói riêng đã và đang phát triển mạnh mẽ với vai trò ngày càng tăng của tri thức và công nghệ. Mô hình phát triển cũ dựa trên khai thác nguồn tài nguyên sẵn có là không hiệu quả và thiếu bền vững. Do đó, các nền kinh tế APEC thực sự cần tìm kiếm động lực phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo và công nghệ mới để tạo ra cuộc sống thịnh vượng hơn cho toàn bộ người dân trong khu vực. Với quan điểm như trên tôi ủng hộ cách tiếp cận của nền kinh tế chủ nhà Chile khi chọn chủ đề của Hội nghị Bộ trưởng năm nay là “Huy động vốn và chuyển đổi số cho DNN&V trong một nền kinh tế toàn cầu hoá”. Chủ đề này đã phản ánh được mối quan tâm và kỳ vọng chung của APEC về những vấn đề cấp thiết đối với DNN&V thời điểm hiện nay, khi những bước tiến mạnh mẽ của công nghệ số cùng với sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế thế giới đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cơ quan hỗ trợ DNN&V trong việc phải tạo ra một môi trường thuận lợi để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các DNN&V.
Kính thưa quý vị,
Việt Nam xác định kinh tế số là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Việt Nam sẽ ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia vào cuối năm 2019. Ngoài ra, để hiện thực hóa các cơ hội phát triển từ cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, Việt Nam đang tích cực chuẩn bị thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (Vietnam National Innovation Center – NIC). Trung tâm này sẽ góp phần tạo lập và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển, nâng cao năng lực công nghệ và ĐMST của các doanh nghiệp trong đó có các vấn đề liên quan đến chuyển đổi số, thúc đẩy kết nối, hỗ trợ và hợp tác với các cơ sở hỗ trợ ĐMST ở Việt Nam và với các nền kinh tế khác trên thế giới. Chúng tôi đã nghiên cứu, trao đổi để xây dựng cơ hội hợp tác với các cơ quan, tổ chức tương tự như Enterprise Singapore, SGInnovate, Block 71, Block 79... ở Singapore; Seoul Innovation Hub, các Trung tâm Kinh tế sáng tạo và Đổi mới sáng tạo địa phương ở Hàn Quốc; True Digital Park ở Thái Lan; nhiều trung tâm tương tự ở Nhật Bản, Hoa Kỳ, Pháp v.v...
Năm 2017, các Bộ trưởng phụ trách DNN&V đã nhấn mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác về đổi mới sáng tạo cho DNN&V thông qua 2 tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng DNN&V về “Sáng kiến Thúc đẩy khởi nghiệp APEC” và “Chiến lược phát triển DNNVV xanh, bền vững và sáng tạo”. Vào tháng 6 năm 2019, tại Hôi nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến về Thúc đẩy mạng lưới đổi mới toàn cầu với sự kết nối tất cả trung tâm đổi mới sáng tạo để chia sẻ kiến thức, công nghệ, và hỗ trợ các nền kinh tế đang phát triển tận dụng các cơ hội từ ĐMST và trí tuệ nhân tạo, để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau, thúc đẩy phát triển bền vững trong kỷ nguyên số.
Do đó, để tiếp tục triển khai Tuyên bố chung của Hội nghị các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC 2017 liên quan tới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, cũng như để hưởng ứng sáng kiến tại Hội nghị G20 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề xuất, tại Hội nghị này Việt Nam đề xuất sáng kiến thiết lập một Mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo APEC để đem lại những hỗ trợ tốt nhất cho DNN&V đổi mới sáng tạo và các start-up.
Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo APEC này đóng vai trò là diễn đàn hợp tác trên cơ sở tự nguyện, nhằm trao đổi kinh nghiệm giữa các nền kinh tế thành viên để tối đa hoá lợi ích dành cho cộng đồng DNN&V và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Hoạt động của mạng lưới trung tâm đổi mới sáng tạo APEC sẽ không chỉ bao gồm việc liên kết, trao đổi thông tin giữa các trung tâm, mà còn mở rộng hợp tác và tham vấn về về việc tạo dựng môi trường pháp lý tối ưu, khung khổ thể chế thử nghiệm cho start-up và DNN&V đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu phát triển, đặc biệt liên quan tới công nghệ CMCN 4.0; khơi thông nguồn vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm cho các start-up; cấp học bổng cho các tài năng và đào tạo các chuyên gia công nghệ; cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các DNN&V đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư v.v…
Chúng tôi kêu gọi sự ủng hộ của các Bộ trưởng DNN&V APEC và sự tham gia tích cực của các Trung tâm ĐMST trong khu vực APEC. Chúng tôi đề nghị Nhóm công tác DNN&V APEC, các ủy ban và tiểu ban APEC phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thúc đẩy kết nối các trung tâm đổi mới sáng tạo vì lợi ích của cộng đồng start-up và DNN&V. Chúng tôi khuyến khích Nhóm công tác DNN&V APEC phối hợp với Ban Thư ký APEC và các diễn đàn liên quan xem xét việc tổ chức Diễn đàn cấp cao về đổi mới sáng tạo APEC trong năm 2020 và xem xét khả năng hình thành tổ công tác chuyên trách về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.
Việt Nam sẽ phối hợp cùng các nền kinh tế APEC khác xây dựng kế hoạch hành động cho Mạng lưới các trung tâm đổi mới sáng tạo của APEC và báo cáo kết quả hoạt động hàng năm tới Hội nghị Bộ trưởng DNN&V APEC. Chúng tôi hy vọng Mạng lưới này sẽ tăng cường năng lực mạnh mẽ cho cộng đồng start-up và DNN&V, cũng như đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực APEC chúng ta.
Nhân dịp này, một lần nữa, thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tôi xin gửi lời chúc sức khỏe và thành công đến tất cả các đại biểu và quý vị khách quý. Chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn.