- Tỉ số giới tính của Việt Nam liên tục tăng, hiện đã ở mức 112,8 bé trai/100 bé gái. Sau chừng 30 năm nữa, Việt Nam sẽ thừa 2,3 - 4,3 triệu đàn ông.

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục DS-KHHGĐ cung cấp tại hội nghị tổng kết 5 năm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình sáng nay.

Ông Tân cho biết, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mới xuất hiện ở nước ta nhưng tốc độ tăng rất nhanh, liên tục, lan rộng từ thành thị tới nông thôn ở cả 6/6 vùng lãnh thổ. Định kiến giới, tư tưởng trọng nam vẫn tồn tại và ăn sâu vào nhận thức của người dân, ngay cả một bộ phận cán bộ, đảng viên. 

5 năm qua, tỉ lệ bé trai/bé gái khi sinh liên tục tăng: từ 110,5 năm 2009 lên 111,9 năm 2011 và tăng lên 112,8 năm 2015. Tỉ lệ này tại thủ đô Hà Nội là 114 bé trai/100 bé gái và nhận định rất khó để đưa về mức cân bằng tự nhiên.

{keywords}
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam đang diễn ra hết sức nghiêm trọng

Ông Tân cảnh báo, nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3-4,3 triệu phụ nữ năm 2050. Khi đó cấu trúc gia đình sẽ bị tan vỡ, an ninh trật tự, an toàn xã hội bị đe dọa, tình trạng kết hôn sớm, ly hôn, độc thân, bạo hành, bất bình đẳng giới, buôn bán phụ nữ, mại dâm, HIV sẽ ngày càng gia tăng.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng lo ngại thách thức già hóa dân số của Việt Nam, hiện đang có tốc độ quá nhanh. Theo thống kê, tỉ lệ lệ dân số trên 65 tuổi của Việt Nam đang chiếm khoảng 7% dân số.

Theo đà này, trong vòng 15-20 năm tới, Việt Nam có nguy cơ trở thành quốc gia dân số già điển hình, trong khi Pháp mất tới 100 năm, Thụy Điển mất 85 năm, Hoa Kỳ mất 75 năm...

Bên cạnh đó, chất lượng dân số vẫn ở mức thấp, tỉ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ khá cao và có xu hướng gia tăng do điều kiện sống, môi trường độc hại; tỉ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng giảm xuống...

Trước thực trạng trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngành Dân số phải có các giải pháp mang tính cân bằng và chiến lược.

Phó Thủ tướng cho biết, sang 2017, luật Dân số sẽ được đưa ra bàn thảo, do đó ngay từ bây giờ, ngành Dân số phải tổ chức nghiên cứu bài bản các vấn đề quan trọng liên quan đến công tác dân số, không chỉ về quy mô, cơ cấu, phân bổ mà quan trọng là phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số.

T.Hạnh