Tiếp tục chuyến thăm, làm việc tại Mỹ, ngày 16/5, theo giờ địa phương, tại trụ sở Liên Hợp Quốc (thành phố New York), Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp với một số lãnh đạo các cơ quan của Liên Hợp quốc.
Cam kết đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên Hợp Quốc
Tại cuộc gặp, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Amina Mohammed khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng, là người bạn của Liên Hợp Quốc và mong muốn hai bên tiếp tục phát triển quan hệ toàn diện, hiệu quả hơn nữa.
Bà đánh giá cao những đóng góp tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam đối với công việc chung của Liên Hợp Quốc, nhất là trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021.
"Tiếng nói của Việt Nam rất quan trọng cho đoàn kết quốc tế. Trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều khủng hoảng và khác biệt, Việt Nam luôn có tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ chủ nghĩa đa phương, hoà bình và cải cách Liên Hợp Quốc", bà Amina Mohammed nhấn mạnh.
Ngoài ra, Việt Nam đã tham gia có trách nhiệm vào lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, triển khai hiệu quả các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và nỗ lực thực hiện các cam kết chống biến đổi khí hậu, nhất là tại Hội nghị COP26; thúc đẩy hợp tác phát triển vì lợi ích chung của cộng đồng,
Bà Phó Tổng thư ký khẳng định Liên Hợp Quốc sẽ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các ưu tiên phát triển của Việt Nam theo hướng xanh, bền vững và tự cường.
Chia sẻ quan điểm của Việt Nam về nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, bà Amina Mohammed kỳ vọng Việt Nam phát huy mạnh mẽ vai trò đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề toàn cầu tương xứng với năng lực, vị trí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên Hợp Quốc ở cả ba trụ cột an ninh - chính trị, phát triển và quyền con người. Việt Nam cũng cam kết mạnh mẽ đối với chủ nghĩa đa phương và một trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc trong hệ thống quản trị toàn cầu…
Trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, Thủ tướng đề nghị Liên Hợp Quốc ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong giải quyết các vấn đề khu vực. Trong đó có việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) và hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình thông qua đối thoại và hoà giải, bảo đảm an toàn cho người dân, tiếp cận nhân đạo.
Về Ukraine, Thủ tướng khẳng định cần thúc đẩy đối thoại, đàm phán để tìm giải pháp hòa bình lâu dài trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, tôn trọng và có tính đến lợi ích chính đáng của các bên liên quan.
Việt Nam đã quyết định ủng hộ 500.000 USD cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho tiến trình ngoại giao, đối thoại và đàm phán, cũng như trong tái thiết và phục hồi tại Ukraine.
Việt Nam đặc biệt coi trọng tăng cường an ninh biển
Tại cuộc gặp với Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp quốc Abdulla Shahid, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam rất coi trọng và ủng hộ vai trò trung tâm của Liên Hợp Quốc.
Việt Nam đã và đang đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên Hợp Quốc, trong đó có việc vừa hoàn thành trọng trách Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an, đang tiếp tục ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025 và một số cơ quan quan trọng khác của Liên Hợp Quốc thời gian tới.
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Liên Hợp Quốc tiếp tục quan tâm thúc đẩy các ưu tiên hỗ trợ các nước đang phát triển về hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin và thuốc điều trị, vật tư y tế, tài chính cho phát triển, bảo đảm an sinh xã hội và tư vấn chính sách, kinh nghiệm phục hồi sau đại dịch.
Thủ tướng mong Liên Hợp Quốc thúc đẩy các nước phát triển thực hiện đầy đủ cam kết về hỗ trợ cho các nước đang phát triển triển khai các cam kết tại Hội nghị COP26, nhất là về tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, là quốc gia ven biển, Việt Nam đặc biệt coi trọng tăng cường an ninh biển, trong đó có bảo tồn, sử dụng biển, khai thác các tài nguyên biển bền vững, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định, và đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS).
Thủ tướng mong muốn Chủ tịch Đại Hội đồng quan tâm, thúc đẩy vấn đề này một cách phù hợp vì đây là quan tâm chung, chính đáng của đông đảo các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc Abdulla Shahid ghi nhận Việt Nam là một trong những quốc gia hình mẫu của Liên Hợp Quốc, có nhiều đóng góp quan trọng củng cố chủ nghĩa đa phương và tham gia công việc của Liên Hợp Quốc. Đặc biệt là Việt Nam đã tích cực thúc đẩy thực hiện các cam kết toàn cầu như triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Chủ tịch Đại Hội đồng đặc biệt đánh giá cao sáng kiến của Việt Nam về Ngày Quốc tế về Phòng chống Dịch bệnh 27/12.
Hai bên nhấn mạnh nhu cầu tăng cường chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế để ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là dịch bệnh và biến đổi khí hậu.
Hai bên cũng chia sẻ mong muốn sớm chấm dứt xung đột ở Ukraine bằng giải pháp hoà bình, bảo đảm an ninh, an toàn của người dân, tạo điều kiện tiếp cận nhân đạo; đề cao việc tuân thủ Hiến chương và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982, cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong việc giải quyết các vấn đề khu vực.
Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Giám đốc điều hành Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Catherine Russell và Tổng Giám đốc Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) Achim Steiner.
Trong các nội dung trao đổi, Thủ tướng cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng và triển khai các biện pháp mạnh mẽ, tổng thể, toàn diện để giảm phát thải khí nhà kính.
Thủ tướng đề nghị UNDP tiếp tục tư vấn kỹ thuật, chuyên môn cho Việt Nam để đạt thoả thuận thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng với các nước G7. Đồng thời, Thủ tướng cũng mong UNDP hỗ trợ Việt Nam xây dựng chiến lược huy động tài chính khí hậu từ các đối tác phát triển khi các biện pháp giảm phát thải trong các lĩnh vực từ nay đến năm 2050 ở Việt Nam đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, ước từ 350-400 tỷ USD.
Thu Hằng (từ New York)