Báo cáo của Hội thảo về Vật liệu sinh học bền vững (RSB), dưới sự hỗ trợ của Boeing, cho thấy, trữ lượng nguyên liệu thô ở Đông Nam Á có khả năng cung cấp khoảng 12% nhu cầu nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) toàn cầu nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Dựa trên kết quả đánh giá về lượng nguyên liệu thô bền vững tại 11 quốc gia Đông Nam Á, trữ lượng nguyên liệu thô sinh học ở khu vực này có thể sản xuất khoảng 45,7 triệu tấn nhiên liệu SAF mỗi năm đến năm 2050.
Ngoài ra, trữ lượng nguyên liệu thô tiềm năng được tìm thấy từ chất thải tiêu dùng và chất thải nông nghiệp chiếm khoảng 75% lượng nhiên liệu sản xuất SAF, trong đó có củ sắn (khoai mì), cây mía, và chất thải rắn đô thị.
So với các phế phẩm nông nghiệp khác thì trấu và rơm là hai nguyên liệu thô chủ chốt dùng để sản xuất SAF trong khu vực.
Theo báo cáo, tổng lượng nguyên liệu thô của Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Malaysia và Philippines đóng góp khoảng 90% nguồn nguyên liệu thô cần thiết để sản xuất nhiên liệu SAF phục vụ toàn khu vực.
Bà Sharmine Tan, Giám đốc Bền vững của Boeing khu vực Đông Nam Á, đánh giá, nghiên cứu này cho thấy tiềm năng to lớn của khu vực ASEAN trong việc đáp ứng nhu cầu sử dụng SAF trên toàn cầu.
Nhiên liệu SAF không pha trộn hoặc nhiên liệu SAF “sạch” được sản xuất hoàn toàn không chứa nhiên liệu hóa thạch, đem lại tiềm năng lớn nhất trong công tác cắt giảm khí thải carbon cho ngành hàng không trong vòng 30 năm tới, giảm lượng phát thải carbon lên đến 84% trong suốt vòng đời nhiên liệu.
Tuy nhiên, đến năm 2023, SAF mới chiếm 0,2% lượng nhiên liệu hàng không được sử dụng trong các hoạt động thương mại toàn cầu do nguồn cung giới hạn và chi phí còn cao. Giá nhiên liệu SAF cao gấp 2-4 lần giá xăng máy bay.
Tại Việt Nam, Vietnam Airlines là hãng hàng không đầu tiên sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững trên chuyến bay hành trình từ Singapore đến Hà Nội ngày 27/5.
Do đó, tập đoàn hàng không của Mỹ đang tích cực phối hợp với các địa phương nhằm mở rộng quy mô sản xuất SAF trên toàn cầu, thông qua những lộ trình cụ thể cho từng quốc gia và khu vực, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đối tác địa phương và chính phủ để nghiên cứu nguồn nguyên liệu thô.
Tại Việt Nam, nguồn rơm rạ lên đến cả chục triệu tấn mỗi năm. Thay vì đốt rơm hoặc vùi trong bùn đất, bà con nông dân bán với giá 400.000 đồng/ha. Việc này không chỉ góp phần giảm phát thải khí nhà kính, mà bà con còn thu được tiền từ bán tín chỉ carbon, từ bán rơm rạ, hoặc thu lợi nhuận khi sử dụng làm nguyên liệu để trồng nấm, thức ăn cho gia súc...
Về trấu, mỗi năm sản lượng trấu thải ra từ công nghiệp xay xát của cả nước ước khoảng 7,5 triệu tấn, nhưng mới chỉ có khoảng 3 triệu tấn được sử dụng làm thức ăn gia súc, sản xuất phân bón và làm chất đốt ở nông thôn.
Trả lời báo chí mới đây, ông Nguyễn Vũ Michael, Giám đốc Boeing Việt Nam, cho hay, tại Đông Nam Á, Boeing tập trung hỗ trợ nghiên cứu nguồn cung ứng nguyên liệu SAF tại các quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam.
Ngoài rơm và trấu, Việt Nam còn có nguồn nguyên liệu dồi dào khác như bã mía, xơ dừa. Đặc biệt, vùng ĐBSCL và Đồng bằng sông Hồng sở hữu rất nhiều các nguồn nguyên liệu này.
Việt Nam đang nắm giữ nguồn nguyên liệu phong phú, vì vậy điều quan trọng hiện nay là phải có hành lang pháp lý, công nghệ và nhà đầu tư để đầu tư sản xuất SAF tại Việt Nam; đồng thời, đảm bảo duy trì các tiêu chí về phát triển bền vững cho SAF.