Đại sứ Pháp khẳng định, TT&TT là lĩnh vực mà Pháp muốn hợp tác chặt chẽ, lâu dài, sâu rộng với Việt Nam.

Chiều nay, 15/7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn đã có cuộc tiếp và làm việc với Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier.

Mở đầu cuộc gặp, Bộ trưởng đã bày tỏ tới ngài Đại sứ sự chia sẻ với những đau thương, mất mát mà nước Pháp phải gánh chịu sau cuộc tấn công khủng bố tại Nice đêm qua, cũng như gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân của vụ tấn công.

Trở lại với nội dung chính của cuộc làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao và cảm ơn đóng góp của ngài Đại sứ trong việc thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác chiến lược giữa Pháp và Việt Nam. Ông khẳng định quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước (ký kết 2013) đang được triển khai một cách sâu rộng, trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, đặc biệt đã mở ra nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.

{keywords}
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn (phải) cùng Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier


Chia sẻ với ngài Đại sứ về hoạt động quản lý nhà nước của Bộ TT&TT, Bộ trưởng nhấn mạnh cả 5 lĩnh vực Bộ đang quản lý là viễn thông, CNTT, báo chí, xuất bản và bưu chính đều đang có sự phát triển mạnh mẽ, nhất là viễn thông, CNTT. Việt Nam hiện có khoảng 500.000 lao động trong lĩnh vực CNTT - Viễn thông nhưng muốn phát triển thành một nước mạnh về CNTT, Việt Nam cần phải đạt được con số 1 triệu lao động và đây cũng chính là mục tiêu trong nhiệm kỳ này của ông.

Hiện Pháp được coi là nhà tài trợ vốn ODA lớn nhất của châu Âu cho các dự án phát triển hạ tầng cơ sở viễn thông Việt Nam. Các cơ quan quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, CNTT hai nước đã tiến hành nhiều hoạt động tăng cường trao đổi thông tin, kinh nghiệm về mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế như phát triển các dịch vụ mới, an toàn an ninh thông tin, quản lý phát thanh truyền hình, quản lý tần số vô tuyến điện, tái cấu trúc các tập đoàn viễn thông, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

"Các doanh nghiệp Pháp đã thiện chí chuyển giao công nghệ, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ Pháp cũng dành nhiều học bổng để đào tạo các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam tại các trường của Pháp và các nước khác. Bước đầu các doanh nghiệp VN đã có cơ hội mở rộng thị trường khi hợp tác với DN Pháp trong lĩnh vực CNTT - TT", Bộ trưởng ghi nhận.

Lĩnh vực thứ hai cũng đang chứng kiến sự hợp tác chặt chẽ, sâu rộng giữa hai nước là báo chí, trong đó có Phát thanh truyền hình & Thông tin điện tử.

Chia sẻ vắn tắt một số con số phác họa bức tranh báo chí trong nước hiện nay như 1000 cơ quan báo chí được cấp phép, 32 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với tổng số 180 kênh truyền hình quảng bá, 73 kênh truyền hình và 9 kênh phát thanh trên hệ thống truyền hình trả tiền..., Bộ trưởng khẳng định sự hợp tác song phương trong lĩnh vực báo chí là rất lớn và có sự đóng góp không nhỏ từ ngài Đại sứ trong nhiệm kỳ 4 năm của mình.

Chẳng hạn như Đại sứ quán Pháp đã tạo điều kiện cho Bộ hoàn thành nhiệm vụ truyền thông quảng bá nhân kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam – Pháp với các hoạt động như Tổ chức tuần phim “Việt Nam – điểm hẹn thế giới”; Triển lãm sách giới thiệu về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tại Pháp (tháng 4/2014); Tổ chức lễ phát hành tem chung giữa hai nước vào tháng 9/2013 tại Hà Nội .

Trong thời gian qua, Bộ TT&TT cũng đã tổ chức nhiều đoàn sang Pháp để học tập, trao đổi kinh nghiệp trong lĩnh vực thông tin đối ngoại, xây dựng chương trình truyền hình, tham gia khóa đào tạo phần mềm SPECTRA. Trong năm 2016, Bộ đã đón đoàn phóng viên Pháp nhằm đưa tin, bài tăng cường quảng bá hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam trên các phương tiện truyền thông đại chúng tại Pháp.

"Hai nước cần tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực sản xuất phim, quản lý nội dung thông tin trên Internet, quản lý nội dung phát sóng trong các chương trình truyền hình trong thời gian tới đây", Bộ trưởng đề nghị.

Tháng 9 tới đây, Tổng thống Pháp Hollande sẽ sang thăm Việt Nam. Ngài đại sứ kỳ vọng chuyến thăm của Tổng thống sẽ chứng kiến nhiều công bố hợp tác quan trọng trong lĩnh vực TT&TT. Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng khẳng định đây là lĩnh vực Việt Nam muốn hợp tác với Pháp một cách sâu rộng và lâu dài. "Mong hai bên cùng thúc đẩy các thủ tục cần thiết để chúng ta có thể ký được bản Ghi nhớ hợp tác về xây dựng Chính phủ điện tử giữa Bộ TT&TT và Văn phòng Hiện đại hóa hành chính của Pháp ngay trong chuyến thăm này".

T.C