Sáng nay, ngày 7/3/2016, đã diễn ra Lễ ký kết các Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Tổ chức An toàn thông tin Phần Lan (FISC) với Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam (VNISA), Tập đoàn Công nghệ CMC và Công ty Cổ phần Công nghệ An ninh không gian mạng Việt Nam (VNCS).

Tại lễ ký, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng bày tỏ hy vọng sau lễ ký kết, hai nước Phần Lan và Việt Nam sẽ hợp tác nhiều hơn trong vấn đề bảo mật, an ninh mạng.

Bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng phụ trách Ngoai thương và Phát triển - Bộ Ngoại giao Phần Lan, bày tỏ niềm vinh dự khi chứng kiến lễ ký kết hôm nay, cũng như được gặp gỡ các đối tác, công ty Việt Nam. Bà khẳng định lễ ký kết sẽ phản ánh tầm nhìn cũng như lợi ích của hai bên trong phát triển CNTT, đặc biệt là vấn đề bảo mật, an ninh mạng. “Bảo mật, an toàn an ninh mạng đang nhận được sự ưu tiên hàng đầu của toàn thế giới”, Bà Lenita Tivakka nói. “Lễ ký kết hôm nay sẽ mang đến lợi ích hợp tác và phát triển cho cả hai bên”.

Nội dung của Bản ghi nhớ hợp tác tập trung vào phát triển hợp tác và kinh doanh và chuyển giao công nghệ giữa CMC và FISC. Hai bên sẽ cùng phối hợp xây dựng các dự án về bảo mật thông tin và an ninh, an toàn không gian mạng; tư vấn, hợp tác kỹ thuật và chuyển giao công nghệ. Định kỳ, CMC và FISC sẽ cử các đoàn chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo mật làm việc tại Phần Lan và Việt Nam, từ đó tạo điều kiện gặp gỡ, trao đổi, học hỏi, tư vấn và trực tiếp nắm bắt, xử lý các vấn đề thực tế.

Các giải pháp về bảo mật được áp dụng cũng sẽ được kiểm định chặt chẽ để nâng cao và đảm bảo chất lượng sản phẩm dịch vụ khi đến tay người dùng. Hai bên cũng sẽ hợp tác để giúp các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao năng lực kiểm soát an toàn thông tin, phòng và chống các vụ tấn công vào không gian mạng, các hệ thống thông tin trọng yếu.

Trước đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng đã có buổi tiếp và làm việc với bà Lenita Toivakka, Bộ trưởng phụ trách Ngoai thương và Phát triển - Bộ Ngoại giao Phần Lan, Đại sứ Phần Lan tại Việt Nam, ông TimoKotilainen - Chủ tịch Tổ chức An toàn Thông tin Phần Lan (FISC), cùng đại diện các công ty Phần Lan.

Quan hệ hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Phần Lan có rất nhiều phát triển trong những năm qua, đặc biệt trong lĩnh vực ICT. Phía Phần Lan mong muốn tìm hiểu về các ưu tiên chính của chính phủ Việt Nam trong phát triển CNTT, nhằm tiến tới những mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ hai nước và các doanh nghiệp của hai nước trong ngành công nghiệp này.

Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đã đánh giá cao mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Thứ trưởng cho rằng chính mối quan hệ tốt đẹp đó đã tạo cơ hội thật sự cho sự phát triển CNTT giữa hai nước. “Phần Lan là quốc gia nổi tiếng về phát triển CNTT, với nhiều công ty có danh tiếng trên toàn cầu, như Nokia…., chính vì thế chúng tôi rất mong muốn nhận được mối quan hệ hợp tác từ chính phủ Phần Lan cũng như các công ty Phần Lan”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.

Thứ trưởng cho biết chính phủ Việt Nam nhận định CNTT là một ngành công nghiệp rất quan trọng, góp phần giúp các ngành công nghiệp khác trong nền kinh tế phát triển. Phát triển cơ sở hạ tầng CNTT là ưu tiên của chính phủ Việt Nam, vì nó có ảnh hưởng lớn đến các ngành khác như ngân hàng, tài chính, giao thông vận tải…. Việt Nam sẽ đầu tư mạnh để phát triển cơ sở hạ tầng CNTT. Thứ trưởng cũng khẳng định nhân lực là một bộ phận chính để thúc đẩy phát triển CNTT. Chính phủ và các công ty Việt Nam rất quan tâm đến vấn đề này, ngày càng có nhân lực CNTT Việt Nam sang Phần Lan để học tập kinh nghiệm. “Đó cũng là một điều rất quan trọng trong mối quan hệ hợp tác của hai nước chúng ta trong tương lai”, Thứ trưởng khẳng định.

Cả Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng lẫn các đại diện Phần Lan đều rất quan tâm, nhấn mạnh đến vấn đề bảo mật, an toàn an ninh thông tin, không gian mạng. “Việt Nam rất coi trọng việc nâng cao, cải thiện an toàn an ninh thông tin, và mong muốn hợp tác chặt chẽ với Phần Lan về vấn đề này”, Thứ trưởng nói.

Tại buổi gặp gỡ này, đại diện các công ty Phần Lan đã giới thiệu về công ty và bày tỏ mong muốn hợp tác với đại diện các công ty Việt Nam có mặt tại buổi làm việc, mong muốn góp phần là đối tác quan trọng thúc đẩy sự phát triển CNTT tại Việt Nam.