Hệ sinh thái mở C.OPE2N ra mắt thị trường Việt Nam
Sáng 9/4, tại Hà Nội, tập đoàn công nghệ CMC đã tổ chức lễ ra mắt Hệ sinh thái hạ tầng mở cho doanh nghiệp và tổ chức với tên gọi C.OPE2N (CMC Open Ecosystem for Enterprise). Đây là một kiến trúc mở, tích hợp tất cả các thế mạnh công nghệ của CMC như nền tảng Multi Cloud, nền tảng dữ liệu (Data Lake), AI và nền tảng ứng dụng.
Hệ sinh thái này là thành quả sáng tạo đổi mới trong công nghệ của CMC. C.OPE2N cho phép các cơ quan, doanh nghiệp và khách hàng có thể liên kết và chia sẻ tài nguyên dữ liệu trên môi trường số. Hệ sinh thái của CMC cũng có thể tạo ra các dịch vụ hành chính công, chính phủ điện tử một cách an toàn, giảm chi phí đầu tư hạ tầng CNTT cho các cơ quan, tổ chức.
Lễ ra mắt hệ sinh thái mở C.OPE2N của tập đoàn công nghệ CMC. Ảnh: Trọng Đạt |
Do được xây dựng trên nền tảng hạ tầng Data Center và hệ thống an toàn thông tin chất lượng quốc tế, C.OPE2N là một lựa chọn cho các cơ quan nhà nước, trong bối cảnh luật an ninh mạng được đưa vào thực thi nhằm chống lại các cuộc chiến tranh mạng và giảm thiểu nguy cơ tấn công mạng.
Đối với các doanh nghiệp, hệ sinh thái C.OPE2N đem đến hạ tầng viễn thông mở. Hạ tầng này gồm hệ thống cáp quang GPON chất lượng cao và Data Center (trung tâm dữ liệu) tiêu chuẩn quốc tế tại TP.HCM và Hà Nội.
C.OPE2N có thể cung cấp đầy đủ các nhu cầu về CNTT cho các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp vừa và nhỏ tới các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước. Đó có thể là tài nguyên ICT, khả năng tính toán, lưu trữ, băng thông Internet, ảo hóa, cung cấp công cụ truy vấn thông tin, tìm kiếm thông tin, cung cấp công cụ thanh toán, công cụ phân tích dữ liệu lớn,...
Tập đoàn CMC có thể thành doanh nghiệp tỷ USD nếu biết mơ lớn
Có mặt tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng chúc mừng sự ra mắt của hệ sinh thái mở C.OPE2N, đồng thời cho biết Bộ TT&TT hoan nghênh CMC với vai trò là nhà cung cấp hạ tầng đám mây và dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
Người đứng đầu ngành TT&TT cho rằng, việc tập đoàn CMC ra mắt hệ sinh thái mở C.OPE2M là những bước đi đầu tiên nhưng mạnh mẽ để đưa Việt Nam thành Hub (trung tâm) về kết nối và lưu trữ, xử lý dữ liệu của khu vực.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng mong muốn Việt Nam phải trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực. Ảnh: Trọng Đạt |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, năm nay, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số. Do vậy, chúng ta cần một hạ tầng mới cho nền kinh tế số, bao gồm hạ tầng viễn thông theo định nghĩa truyền thống và hạ tầng dữ liệu.
Chia sẻ quan điểm của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trung tâm của công cuộc chuyển đổi số là ở khối doanh nghiệp. Việt Nam hiện có trên 700.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể, Việt Nam có tới trên 6 triệu các chủ thể thị trường.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số cho 6 triệu chủ thể này không có cách nào khác ngoài việc dựa trên nền tảng đám mây. Việt Nam cần đến hàng chục ngàn doanh nghiệp làm dịch vụ chuyển đổi số để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh việc các doanh nghiệp phải có một giấc mơ lớn nếu muốn trở thành doanh nghiệp công nghệ toàn cầu. |
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: “Chúng ta sẽ không nhỏ khi có những khát vọng lớn. Muốn tập trung nhân tài, muốn đi xa, muốn tăng trưởng gấp đôi để trở thành doanh nghiệp tỷ đô trong vòng 5 năm, muốn trở thành doanh nghiệp công nghệ toàn cầu thì đầu tiên phải có một giấc mơ lớn. CMC là doanh nghiệp có một ước mơ như vậy. Bộ TT&TT mong muốn nhiều hơn nữa các doanh nghiệp Việt Nam với khát vọng toàn cầu.”
ICT là nền tảng thúc đẩy các ngành khác phát triển và đổi mới sáng tạo, nhất là về áp dụng công nghệ số. Bởi vậy, Bộ trưởng Bộ TT&TT yêu cầu các doanh nghiệp công nghệ trong ngành phải luôn đi đầu.
Chia sẻ tầm nhìn của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, Việt Nam không chỉ là thị trường cho các doanh nghiệp mà còn là đối tác phát triển công nghệ của các doanh nghiệp, bởi Việt Nam là một thị trường năng động, có nguồn nhân lực ICT rất tốt.
Trọng Đạt