Stagflation (Lạm phát đình trệ) là trạng thái tăng trưởng kinh tế chậm và tỷ lệ thất nghiệp cao, hoặc kinh tế trì trệ đồng thời lạm phát tăng cao. Lạm phát đình trệ cũng được định nghĩa là khoảng thời gian mà lạm phát tăng cao kết hợp với sụt giảm GDP.
Hiện tượng này lần đầu tiên được ghi nhận vào những năm 1970 khi mà cuộc khủng hoảng dầu mỏ đã kéo theo một thời kỳ dài giá cả hàng hóa tăng và GDP giảm mạnh.
Giá cả hàng hóa thế giới tăng vọt
Tháng 9 vừa qua, thế giới đã chứng kiến một đợt tăng giá nhiên liệu với giá dầu tăng cao nhất sau 3 năm đổ lại. Giá khí tự nhiên giao dịch trong tháng 10 đã tăng chưa từng thấy trong 7 năm gần đây. Chỉ số giao ngay hàng hóa (CSI) của Bloomberg đã lên cao nhất trong 1 thập kỷ.
Cùng giai đoạn, chỉ số giá lương thực toàn cầu của Liên Hợp Quốc ghi nhận tăng gần 33% so với 1 năm trước. Nguyên nhân một phần là do mất mùa ở Brazil.
Theo tính toán của các chuyên gia tại Bloomberg, cứ mỗi 20% mức tăng của giá cả hàng hóa toàn cầu thì người tiêu dùng sẽ phải trả thêm khoản tiền trị giá xấp xỉ 550 tỷ USD (tương đương với sản lượng hàng năm của Bỉ). Tính theo USD, những nước chịu ảnh hưởng nhất bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, còn những nước hưởng lợi bao gồm Nga, Ả Rập Xê-út và Australia.
Giá nhiên liệu leo thang trên toàn cầu. Nguồn ảnh: Nikkei Asia |
Bloomberg nhấn mạnh, cứ mỗi 10 USD tăng của giá dầu sẽ làm tăng 0,2 điểm phần trăm vào lạm phát hàng năm trên khắp nước Mỹ, khu vực EU và Anh. Các nhà kinh tế của Goldman hay Morgan Stanley đã cắt giảm dự báo tăng trưởng với những ngành sử dụng nhiều năng lượng tại Trung Quốc.
Theo Fastmarkets, nền kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng 5,7% cho đến cuối năm 2021 và tăng trưởng sẽ chậm lại còn 4,6% vào năm 2022. Ẩn số khó dự báo nhất là Trung Quốc, chiếm khoảng 30% tăng trưởng kinh tế toàn cầu vào năm 2021. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ chậm lại đáng kể, trừ khi các khu vực quan trọng khác tăng trưởng mạnh vượt dự báo.
Dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 và 2022. Nguồn: Fastmarkets |
Cú sốc kinh tế lần này được nhiều chuyên gia kinh tế so sánh với hiện tượng lạm phát đình trệ những năm 1970, do giá dầu mỏ tăng cao. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng trung ương lại bác bỏ luận điểm này. Nhiều người lo ngại về việc giá tăng lâu dài hơn sẽ dẫn đến nhu cầu trả lương cao hơn, đẩy nền kinh tế vào một vòng "luẩn quẩn".
Lạm phát có thể chuyển sang lạm phát đình trệ?
Trong quý cuối cùng của năm 2021, chi phí sinh hoạt tăng cao đang là một chủ đề nóng trên toàn cầu. Liệu lạm phát chỉ đơn giản là hiệu ứng tạm thời trong quá trình phục hồi sau đại dịch, hay sẽ còn kéo dài hơn. Ông Lasse Sinikallas, Giám đốc kinh tế vĩ mô của Fastmarkets trả lời rằng, có lẽ là cả hai. "Bởi vì điều này còn phụ thuộc vào từng lĩnh vực".
Theo ông Lasse Sinikallas, một số ngành sẽ tăng giá một cách tạm thời do tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường, giá cũng sẽ bình thường hóa. Nhưng các yếu tố như chi phí năng lượng, vận tải sẽ có ảnh hưởng lâu dài hơn đến một số lĩnh vực như thép (phụ thuộc vào nhóm ngành năng lượng) và lĩnh vực bán lẻ (phụ thuộc vào chi phí logistics). Chi phí leo thang liên tục chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng.
Quá trình chuyển đổi năng lượng cũng có thể làm tăng giá trong dài hạn. Thuế carbon và chi phí tuân thủ các quy định mới sẽ làm tăng chi phí cung ứng, và một lần nữa, người tiêu dùng sẽ phải gánh thêm khoản chi phí này.
Các chỉ số giá sản xuất ở châu Âu, Mỹ và Trung Quốc phản ánh chi phí tăng cả trong ngắn hạn và dài hạn, đều có xu hướng cao so với 15 năm qua, cho thấy sự khởi đầu của thời kỳ giá tăng cao liên tục.
Chỉ số giá sản xuất PPI trên toàn cầu. Nguồn: Fastmarkets. |
Ông Lasse Sinikallas nhận định: ”Nếu lạm phát tiếp tục trong khi tăng trưởng chậm lại và tiền lương trì trệ, thì chúng ta có thể bước vào thời kỳ lạm phát đình trệ hoặc suy thoái - lạm phát chưa từng thấy kể từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng năng lượng những năm 1970. Nếu các ngân hàng trung ương can thiệp vào lạm phát bằng cách giảm kích thích kinh tế và có thể tăng lãi suất, điều này sẽ làm tăng chi phí vốn và làm giảm tốc độ tăng trưởng.”
Cả ECB, Fed và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã có chính sách làm cắt giảm chi tiêu trong thời kỳ Covid-19. Lãi suất tăng có thể gây ra mối đe dọa đối với các chính phủ có khoản nợ tăng cao chưa từng có trong thời kỳ Covid-19.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, ông Andrew Bailey nói về những hạn chế của chính sách tiền tệ để đối phó với các tác nhân khiến giá tiêu dùng tăng cao.
“Những cú sốc mà chúng ta đang thấy đang hạn chế nguồn cung trong nền kinh tế so với sự phục hồi của nhu cầu. Điều này rất quan trọng vì chính sách tiền tệ sẽ không làm tăng nguồn cung chip bán dẫn, nó sẽ không làm tăng lượng gió”, ông Andrew Bailey cho biết.
Việt Nam: Lạm phát cơ bản ở mức thấp nhất từ năm 2011
Tổng cục Thống kê vừa qua đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2021 giảm 0,2% so với tháng trước, tăng 1,67% so với tháng 12/2020.
Tính chung 10 tháng năm 2021, CPI tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 10 tháng tăng 0,84%.
Nguồn: GSO |
Lạm phát cơ bản tháng 10/2021 giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng năm nay tăng 0,84% so với cùng kỳ năm 2020.
Đáng chú ý, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, kể từ tháng 5/2021 đến nay lạm phát cơ bản có xu hướng giảm theo từng tháng. Điều này ngược với xu thế lạm phát gia tăng tại nhiều nước trên thế giới.
Nguồn: Bộ Công thương |
Tuy nhiên, mới đây giá xăng Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm qua. Giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 59,08% đến 76,03%, trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay tăng 40,23% đến 52,59%.
Theo số liệu trên website Global Petrol Prices, giá xăng Việt Nam ngày 25/10 được ghi nhận là 1,081 USD/lít, xếp thứ 64 trong danh sách. Trong khi đó, mức trung bình trên thế giới là 1,23 USD/lít.
Trước nhiều lo ngại giá xăng dầu tăng cao, Thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định: "Chúng tôi cũng khẳng định rằng từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính để có thể đảm bảo làm được những gì tốt nhất trong phạm vi năng lực và tính toán xem công cụ mà chúng ta có trong tay là gì để có thể điều hành tốt nhất giá xăng dầu trong nước".
(Theo Doanh Nghiệp và Tiếp Thị)
Những cuộc khủng hoảng kinh tế lịch sử, mối lo lớn cho Việt Nam
Sau những cuộc khủng hoảng, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam rất ì ạch, phải mất rất nhiều năm mới vực lên được. Với khó khăn quá lớn hiện nay, nếu không có những gói hỗ trợ đủ mạnh, tình trạng này rất có thể sẽ lặp lại.