|
Một lớp đào tạo thuộc Dự án thí điểm “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam”. |
Viễn thông công ích giúp xóa khoảng cách số
Năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 74/2006/QĐ-TTg về Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích và năm 2010 là năm cuối cùng thực hiện Chương trình này. Đây là Chương trình thực hiện chính sách lớn trong lĩnh vực viễn thông được triển khai lần đầu tiên ở Việt Nam, thể hiện vai trò điều tiết và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhân dân khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo và các vùng khó khăn. Chính sách cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đã được thực hiện với nguồn tài trợ từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Với chương trình này, các doanh nghiệp đã nỗ lực thực hiện kế hoạch, đẩy mạnh phổ cập dịch vụ, tăng số lượng thuê bao, mật số sử dụng dịch vụ viễn thông công ích ở vùng nông thôn, miền núi.
Phát biểu tại một Hội nghị về VTCI, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai khẳng định chương trình đã hỗ trợ đưa thông tin về cho bà con nông dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, điều đó thể hiện ở số điểm điện thoại và Internet công cộng tại các vùng công ích tăng gấp đôi so với trước năm 2006. Ngoài ra, mật độ thuê bao điện thoại cố định tại các vùng công ích đã tăng từ gần 2,5 máy/100 dân (cuối năm 2004) lên 15,7 máy/100 dân vào năm 2009; mật độ thuê bao Internet tăng từ 0,018 máy/100 dân lên 0,32 máy/100 dân.
Theo ông Trần Mạnh Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích Việt Nam, Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2005 – 2010 đã rút ngắn khoảng cách về sử dụng dịch vụ viễn thông và Internet giữa các vùng miền.
Hiện nay Việt Nam đang tiếp tục xây dựng Chương trình cung ứng dịch vụ viễn thông công ích giai đoạn 2011-2015. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang tiến hành đề xuất, nghiên cứu nhiều chương trình, đề án hướng tới nông thôn, góp phần xóa khoảng cách số như Đề án TT&TT nông thôn, Dự án Phát triển Internet cho cộng đồng nông thôn (IFC), Chương trình xây dựng đường truyền dẫn và điểm kết nối băng rộng đa dịch vụ đến xã, Đề án xây dựng kênh truyền hình chuyên biệt về nông nghiệp, nông thôn và nông dân….
100% trường học có Internet
Ngoài các nỗ lực xóa khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, Việt Nam cũng đang quan tâm đến việc xóa khoảng cách số trong ngành giáo dục. Ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục CNTT (Bộ GD-ĐT), cho biết theo kế hoạch, việc kết nối Internet toàn ngành giáo dục sẽ hoàn tất vào tháng 12/2010. Tại một Hội nghị quốc gia về phát triển nguồn nhân lực CNTT tổ chức ở Hà Nội, ông Ngọc cho biết Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã ký thỏa thuận với Bộ GD&ĐT, tài trợ mãi mãi, miễn phí kết nối Internet băng thông rộng đến tất cả các trường phổ thông, mầm non, các trung tâm giáo dục, các phòng giáo dục - đào tạo và các trường trung cấp chuyên nghiệp.
Mới đây, Viettel cũng công bố đã hoàn thành 100% chương trình kết nối Internet cho toàn ngành Giáo dục. Sắp tới, Viettel sẽ phối hợp với Cục Công nghệ thông tin của Bộ GD&ĐT để phát triển các dịch vụ, ứng dụng chạy trên hạ tầng kết nối của các trường, như dịch vụ E-mail, hệ thống E-learning, hệ thống quản lý thông tin giáo dục, các ứng dụng blog cho giáo viên, Thư viện sách điện tử, hệ thống hội nghị truyền hình qua web…
Internet cho nông dân
Dự án thí điểm “Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập Internet công cộng tại Việt Nam” được thực hiện tại 3 tỉnh Nghệ An, Thái Nguyên và Trà Vinh cũng đã góp phần thúc đẩy giảm khoảng cách số giữa các vùng dân cư. Theo lãnh đạo Bộ TT&TT, đây là dự án có tiền đầu tư không nhiều nhưng đã đem lại hiệu quả rất lớn, thực sự đưa lợi ích trực tiếp đến cho người dân, nhất là những người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện chính sách tam nông của chính phủ Việt Nam. Đây là một dự án liên nhà tài trợ, liên bộ ngành, liên địa phương, liên doanh nghiệp và làm ở những địa bàn khó khăn, nhưng với sự phối hợp chặt chẽ, dự án đã thực hiện rất thành công.
Dự án thí điểm đã đạt các mục tiêu gia tăng khả năng tiếp cận công bằng của người nông dân với máy tính và Internet, gia tăng tính sẵn có của máy tính và internet, đặc biệt là trong các khu vực ít hoặc chưa có sự tiếp cận trước đây, từ đó giúp gia tăng lợi ích kinh tế xã hội đối với cá nhân và cộng đồng thông qua việc sử dụng máy tính và Internet tại các thư viện công cộng.
Ông Phan Hữu Phong, Giám đốc Ban quản lý dự án, cho biết hiện nay rất nhiều tỉnh mong muốn được tham gia vào dự án, do tính hiệu quả thiết thực trước mắt, lâu dài cũng như lợi ích to lớn của việc đưa Internet, CNTT đến tận người dân địa phương. Và hiệu quả lớn nhất từ sự thành công của dự án thí điểm là nhà tài trợ BMGF tiếp tục tiến hành các thủ tục để giúp Việt Nam tiếp tục được viện trợ không hoàn lại dự án mở rộng với quy mô lớn hơn.
Đọc toàn bộ bài viết trên báo Bưu điện Việt Nam số 95 ra ngày 9/8/2010.