Việc giải quyết ô nhiễm nhựa là vấn đề toàn cầu và Việt Nam đang nỗ lực trong hành trình đó. Đây là một quá trình lâu dài, cần huy động sự tham gia hiệu quả hơn nữa của toàn xã hội từ những việc làm nhỏ nhất.
Nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên, giảm thiểu chất thải nhựa có hại cho môi trường, Ngày Môi trường thế giới năm ngoái đã lấy chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa” gắn với chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa”; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu...
Từ những kết quả đã đạt được, năm nay, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đã hưởng ứng Ngày môi trường thế giới thông qua những hoạt động thiết thực, cụ thể, đạt hiệu quả cao. Không chỉ dừng lại ở hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường thế giới mà nhiệm vụ bảo vệ môi trường đã được các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chú trọng triển khai xuyên suốt cả năm.
Có thể kể đến một số giải pháp xử lý rác thải nhựa để bảo vệ môi trường xanh, sạch hiện nay như: Phân loại từ đầu nguồn để tái chế; Tái sử dụng đồ nhựa; Thay thế túi nylon bằng túi giấy, túi vải tái sử dụng được nhiều lần; Hạn chế rác thải nhựa từ chính các hộ gia đình và thay thế bằng những vật liệu thân thiện với môi trường khác; Hạn chế sử dụng đồ ăn nhanh, đồ uống sử dụng cốc nhựa ống hút 1 lần; Hạn chế tối đa việc đốt rác thải nhựa tại nhà; Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng…
Trong đó, giải pháp tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi nylon đối với kinh tế- xã hội, môi trường và sức khỏe cộng đồng được thể hiện qua việc định hướng người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại túi thân thiện với môi trường, các loại túi sử dụng nhiều lần; Các biện pháp giảm sử dụng, tái sử dụng túi nylon trong đời sống hàng ngày; Ý nghĩa của phân loại và tái chế túi nylon.
PV