Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung trả lời phỏng vấn báo chí. (Ảnh: Tuấn Anh) |
Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày nhân quyền thế giới 10/12, Thứ trưởng cho biết nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người?
Quyền con người là giá trị phổ quát và tất cả người dân các quốc gia đều mong muốn quyền của mình được bảo đảm. Quyền con người có được như ngày nay cũng chính là thành quả đấu tranh của các dân tộc, trong đó có quyền dân tộc tự quyết là quyền được nêu lên đầu tiên trong hầu hết tất cả các điều ước quốc tế. Với Việt Nam, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, mà trước hết là quyền dân tộc tự quyết - quyền được ghi nhận hàng đầu, ngay tại Điều 1 của Công ước về các quyền dân sự chính trị ICCPR - cũng là mục tiêu và thành quả của quá trình đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhiều thế hệ người dân Việt Nam. Vì vậy, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là cam kết xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua.
Đặc biệt, với công cuộc Đổi mới toàn diện mà Việt Nam tiến hành trong những thập kỷ qua, con người - nhân dân luôn được đặt ở vị trí trung tâm, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của mọi chính sách, hành động. Dù còn nhiều khó khăn thách thức khách quan, và cả chủ quan, nhưng nhìn chung công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn, được cộng đồng quốc tế tin tưởng, đánh giá cao.
Kể từ khi Hiến pháp 2013 được thông qua, công tác cải cách pháp luật, hoàn thiện thể chế, chính sách đã được đẩy mạnh với hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến quyền con người được ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung. Mới đây nhất, ngày 20/11/2019, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với nhiều quy định mới bảo đảm tốt hơn quyền của người lao động, cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế quan trọng của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Các kết quả về bảo đảm các quyền con người trên thực tế cũng được minh chứng qua những con số thuyết phục. Theo Báo cáo của UNDP năm 2018, Việt Nam thuộc nhóm Trung bình cao về Chỉ số phát triển con người (thứ 116/189 quốc gia) và Chỉ số bình đẳng giới (đứng thứ 67/160 quốc gia). Theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số, với tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. |
Đảng và Nhà nước Việt Nam có rất nhiều biện pháp cụ thể để bảo đảm quyền của người dân trong các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Người dân tham gia trực tiếp và thụ hưởng quyền qua các hình thức như: tham gia qua quốc hội, qua các đoàn thể chính trị-xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng. Ví dụ quyền dân sự, quyền được tiếp cận thông tin, chúng ta cũng thấy rằng, ngày nay với điều kiện kinh tế phát triển hơn thì khả năng người dân tiếp cận thông tin tăng lên rất nhiều. Người dân tất cả vùng miền tiếp cận với đài, truyền hình, với công nghệ Internet tạo điều kiện tiếp cận thông tin nhiều hơn, nhanh hơn, trong nước và ngoài nước. Hiện khoảng 70% người dân Việt Nam có thể tiếp cận Internet hàng ngày, không chỉ để phục vụ sinh kế, học tập, giải trí mà còn để trực tiếp thực hiện các quyền con người của mình, kể cả những quyền dân sự, chính trị như tham gia đóng góp ý kiến với các dự thảo văn bản chính sách, pháp luật. Quyền về kinh tế, đảm bảo quyền kinh doanh, sở hữu, sự tham gia của các tầng lớp nhân dân dưới các hình thức kinh tế khác nhau, kinh tế cá thể, kinh tế tập thể. Các hình thức doanh nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nước ngoài.
Việt Nam cũng đang xây dựng một chính phủ vì dân, chính phủ kiến tạo. Quốc hội cũng đổi mới phương thức hoạt động để làm sao phản ánh đầy đủ tiếng nói của người dân, thực hiện tốt hơn vai trò pháp luật, pháp luật có hiệu quả hơn, thực hiện chức năng giám sát. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể cũng cố gắng đổi mới phát huy vai trò, các tổ chức chính trị -xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, chúng ta có rất nhiều tổ chức. Thể hiện chủ trương, đường đối của Việt Nam nhất quán, rất rõ, ngày càng được hoàn thiện và được thực hiện bằng cả biện pháp, kết quả cụ thể, được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
Ngoài ra, còn nhiều số liệu, dẫn chứng cụ thể về những bước tiến mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người đã được tổng hợp trong Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát Định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ III, đã được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông qua tháng 7/2019. Tại phiên họp định kỳ rà soát tổng thể việc bảo đảm quyền con người ở các quốc gia trong đó có trường hợp Việt Nam, đại đa số các quốc gia đều nhìn nhận thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.
Trưởng đoàn Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung (giữa) nhận lời chúc mừng của đại diện ngoại giao các nước sau khi kết quả bỏ phiếu cho thấy Việt Nam được bầu chọn là Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ nhiệm kỳ 2020 – 2021 tại New York, Mỹ ngày 7/6. (Nguồn: TTXVN) |
Những đóng góp của công tác đối ngoại về quyền con người trong việc nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Những thành tựu trong lĩnh vực quyền con người là tiền đề quan trọng cho Việt Nam trong công tác đối ngoại, không chỉ nhằm thúc đẩy đối thoại và hợp tác, tăng cường hiểu biết để thúc đẩy quan hệ song phương với các đối tác quan trọng; mà còn phát huy vị thế, vai trò của Việt Nam trên một số vấn đề quyền con người tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực.
Sự kiện nổi bật nhất trong năm 2019 là Việt Nam hoàn thành rà soát UPR chu kỳ III với những kết quả hết sức tích cực. Chúng ta đã nhận được không ít đánh giá tích cực từ các nước và các tổ chức quốc tế đối với những nỗ lực về bảo đảm quyền con người, cũng như sự nghiêm túc trong thực thi các cam kết về quyền con người, trong đó có cam kết theo cơ chế UPR. Một số ý kiến đặc biệt hoan nghênh việc Việt Nam dự định xây dựng một kế hoạch tổng thể thực hiện các khuyến nghị UPR và tiến hành đánh giá giữa kỳ, xem đây là một ví dụ điển hình trong việc thúc đẩy thực hiện các khuyến nghị UPR. Nhiều ý kiến khác đánh giá cao việc Việt Nam đã và đang lồng ghép việc thực hiện các khuyến nghị UPR với các chương trình, kế hoạch phát triển quốc gia, qua đó bảo đảm tiến trình UPR đem lại những hiệu quả thực chất. Các ý kiến, khuyến nghị xây dựng của các nước chính là sự khẳng định mạnh mẽ về đường hướng đúng đắn của Việt Nam trong công tác này.
Ngoài đối thoại với tất cả các thành viên Liên hợp quốc trong khuôn khổ UPR, Việt Nam cũng đã tiến hành những Vòng Đối thoại hoặc tham vấn song phương với một số đối tác có quan tâm về quyền con người. Hoạt động này đã góp phần giúp Việt Nam và các nước hiểu hơn về những quan tâm, kể cả khác biệt, chia sẻ những ưu tiên, kinh nghiệm và tìm hiểu các cơ hội hợp tác về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Thành công đó đã đóng góp vào việc thúc đẩy các mối quan hệ song phương của Việt Nam với các đối tác quan trọng.
Ngay sau khi Liên hợp quốc được thành lập, một trong những văn kiện quan trọng hàng đầu được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua là Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế vào ngày 10/12/1948.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền là văn kiện đầu tiên khẳng định một cách tương đối toàn diện quyền con người, từ các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, đến quyền được hưởng an sinh xã hội, tiếp cận các dịch vụ công, quyền làm việc, nghỉ ngơi, quyền học tập, quyền được hưởng sự chăm sóc đặc biệt với bà mẹ và trẻ em… |
Ngoài ra, tại các diễn đàn Liên hợp quốc, ASEAN, APEC, ASEM, Việt Nam không chỉ khẳng định được chính sách và thành tựu của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, mà còn đóng góp thực chất vào nỗ lực chung thúc đẩy các giá trị về quyền con người, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế thúc đẩy xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình nghị sự toàn cầu quan trọng như về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, bình đẳng giới, di cư…
Việt Nam cũng tiếp tục thể hiện vai trò chủ động, tích cực và đóng góp thực chất vào cuộc đấu tranh chung của đa số các nước trên thế giới để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản trong tiếp cận về quyền con người, đó là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ, không chính trị hóa vấn đề quyền con người. Từ kinh nghiệm của chính mình, Việt Nam khẳng định mạnh mẽ rằng đối thoại và hợp tác mới là cách thức hiệu quả khi xem xét các vấn đề về quyền con người.
Năm 2019, tại Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam cùng Bangladesh và Philippines giới thiệu Nghị quyết về biến đổi khí hậu và quyền của người khuyết tật với 49 nước đồng bảo trợ; là nước đại diện tiếng nói của ASEAN trong các sự kiện của Hội đồng Nhân quyền về biến đổi khí hậu và quyền phụ nữ. Đây cũng là một sáng kiến liên quan của Việt Nam. Với những hoạt động này, Việt Nam đang được xem là thành viên nòng cốt tại Hội đồng nhân quyền trong thúc đẩy nội dung về biến đổi khí hậu và quyền con người.
Ở cấp độ khu vực, Việt Nam cũng là thành viên tích cực chủ trì nhiều hoạt động trong khuôn khổ ASEAN về quyền con người, trong đó có Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về quyền con người và Ủy ban ASEAN về thúc đẩy bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em, trong đó đã chủ trì, đăng cai nhiều sự kiện quan trọng về bình đẳng giới và công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển trẻ em ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Trưởng Phái đoàn Đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc Đặng Đình Quý tham gia thảo luận về Thúc đẩy và Bảo đảm Quyền con người tại Ủy ban 3, Đại hội đồng Liên hợp quốc. (Ảnh: Quang Vinh) |
Trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2008 - 2009, Việt Nam đã chủ trì giới thiệu và thúc đẩy thông qua Nghị quyết 1889 của Hội đồng Bảo an về vai trò của phụ nữ trong giai đoạn hậu xung đột. Phát huy từ kết quả đó, trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 2020-2021 chúng ta dự kiến sẽ chủ trì tổ chức một số sự kiện quan trọng liên quan đến nội dung này, nhất là về vai trò của phụ nữ trong thương lượng, xây dựng hòa bình, tái thiết sau chiến tranh.
Trong những năm qua, bên cạnh những thành tựu về thực thi chính sách về quyền con người, Thứ trưởng có thể cho biết những khó khăn trong việc thực thi chính sách này?
Trong quá trình xây dựng Luật pháp chính sách, trong quá trình triển khai cũng như trao đổi với đối tác quốc tế, như các quốc gia khác chúng ta nhìn nhận còn có những thiếu sót, hạn chế cần khắc phục. Ví dụ về Luật pháp, chúng ta khắc phục làm sao luật pháp có hiệu quả hơn, giảm bớt sự chồng chéo. Bộ máy hệ thống hành chính giảm bớt quan liêu phục vụ người dân tốt hơn, tiến hành chiến lược cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật. Điều đó cho thấy, Đảng và Nhà nước nhìn nhận trong hệ thống pháp luật, tư pháp vẫn còn những tồn tại cần khắc phục.
Ý thức, nhận thức của người dân về quyền mình được hưởng chưa đầy đủ, về năng lực người cán bộ thực thi bảo đảm quyền người dân còn thiếu sót. Điều kiện khách quan về kinh tế-xã hội chưa cho phép chúng ta có nguồn lực đảm bảo quyền người dân như mong muốn. Khó khăn nữa là một số tổ chức, cá nhân lợi dụng quyền con người, quyền tự do dân chủ để phục vụ ý đồ chính trị riêng, đi ngược lại lợi ích chung của cộng đồng, luật pháp, ảnh hưởng tới quá trình đảm bảo quyền con người cũng như quyền lợi của cộng đồng.
Đảm bảo quyền của đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những thành tựu về nhân quyền tại Việt Nam. (Trong ảnh: Trẻ em vui chơi ở Đường Thượng, Hà Giang. Tác giả: Nguyễn Hồng) |
Thưa Thứ trưởng, trong thời gian tới, Việt Nam thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm như thế nào để đảm bảo thực thi quyền con người?
Để đảm bảo thực thi nhân quyền tại Việt Nam trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật dựa trên cơ sở phát huy những mặt tích cực, thành tựu đã đạt được trong chính sách về quyền con người. Do đó, chúng ta sẽ phải hoàn thiện chính sách, bổ sung các chính sách liên quan đến vấn đề quyền con người; xây dựng những biện pháp cụ thể nhằm thực thi pháp luật các chính sách về con người.
Quan trọng hơn, chúng ta phải tăng cường các biện pháp giáo dục trong mỗi người dân cũng như các cán bộ công chức trong hệ thống chính trị về quyền con người; về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đảm bảo quyền con người; trách nhiệm của người dân cũng như các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức nghề nghiệp trong vấn đề đảm bảo quyền con người.
Thêm vào đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế; tăng cường sự tham gia của Việt Nam vào các thể chế quốc tế về quyền con người. Qua đó, Việt Nam chủ động giới thiệu và chia sẻ kinh nghiệm của mình với các đối tác quốc tế về quá trình bảo đảm quyền con người tại Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam cũng có thể học hỏi những kinh nghiệm hay từ các đối tác quốc tế để hoàn thiện pháp luật, chính sách, triển khai các biện pháp thực hiện.
Năm 2020 sắp tới là năm bản lề trong việc thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội có tác động trực tiếp tới việc thụ hưởng các quyền của người dân, cũng là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện các Kế hoạch quốc gia để triển khai các kết quả của UPR chu kỳ III, kết quả báo cáo - kiểm điểm tại nhiều Ủy ban Công ước về quyền con người quan trọng. Đồng thời, năm 2020 cũng là năm Việt Nam đảm nhận những cương vị quan trọng hàng đầu tại các tổ chức quốc tế và khu vực, hiện thực hóa những chỉ đạo quan trọng của Đảng về “đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương”.
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!