Đây là ý kiến của ông Vũ Anh Trường, Giám đốc Vườn ươm, Công ty phần mềm FPT vừa đưa ra trong lễ tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển ngành công nghệ thực tế ảo giữa VINASA và Hiệp hội ngành công nghiệp thực tế ảo Hàn Quốc vừa được tổ chức.
Công nghệ thực tế ảo (VR) là công nghệ giúp con người trải nghiệm, tương tác với thế giới ảo một cách chân thực nhất và được phát triển mạnh trong nhiều năm trở lại đây. Tại một số quốc gia, VR đang được ứng dụng và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn nhờ khả năng ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực nghiên cứu công nghiệp, GD&ĐT, du lịch, y tế, giải trí. Theo Giám đốc Vườn ươm, Công ty phần mềm FPT, VR có nhiều cơ hội để phát triển tại Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhanh và CNTT được xem là hạ tầng để phát triển kinh tế, thông tin xã hội cũng như tăng sự cạnh tranh của Việt Nam trên toàn cầu.
Hiện Việt Nam cũng được đánh giá là thị trường rất lớn với 90 triệu dân và tỷ lệ sử dụng công nghệ rất cao. Doanh thu thị trường ngành IT cũng đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo con số được ông Vũ Anh Trường đưa ra, sau 7 năm (từ 2009 – 2016) doanh thu ngành IT tăng 10 lần và đạt đến con số 70 tỷ USD.
Tại Việt Nam, hiện có hơn 20.000 công ty trong lĩnh vực IT cung cấp giải pháp liên quan đến IT và liên tục tăng với tỷ lệ 10% / năm. Nước ta hiện có gần 1 triệu kỹ sư làm trong lĩnh vực này và con số này vẫn đang tiếp tục được tăng lên bởi các trường học hiện đang đào tạo thêm rất nhiều nguồn lực trong tương lai khi mỗi năm có khoảng 40.000 sinh viên IT mới tốt nghiệp. Nhân lực IT dồi dào và rẻ trong khu vực và trên thế giới. Đây là cơ hội để các đối tác các nước có thể tận dụng các dịch vụ để phát triển nguồn nhân lực. Ngoài ra, bên lực các nguồn lực có sẵn thì Chính phủ cũng là động lực góp phần phát triển của ngành.
Ý kiến của ông Vũ Anh Trường cho rằng, VR là một trong số công nghệ mới và hứa hẹn sẽ được sử dụng nhiều trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Tại Việt Nam, công nghệ này cũng có nhiều tiềm năng và có thể triển khai ở rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau.
Cụ thể, có thể dùng VR trong bất động sản. Việt Nam đang là một nước phát triển với tốc độ đô thị hóa khoảng 3,2%. Đây là mảnh đất màu mỡ cho VR để có thể phát triển. Theo dự đoán của các chuyên gia, công nghệ thực tế ảo sẽ là một “vũ khí” marketing mới, hữu hiệu cho ngành này bởi công nghệ mới này sẽ không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc mô phỏng các công trình dự án nà còn cho phép các khách hàng có những trải nghiệm “như thật” trên môi trường được ảo hóa. Công cụ này được đánh giá là sẽ giúp ích rất nhiều cho khách hàng trong việc lựa chọn sản phẩm và ra quyết định mua hàng dễ dàng hơn.
Game cũng được xem là một mảnh đất màu mỡ để VR phát triển bởi Việt Nam được đánh giá là thị trường game lớn và có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong khi đó, trên thế giới VR đang là xu hướng công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong game và chắc chắn sẽ bùng nổ ở Việt Nam.
Hai lĩnh vực khác được nhắc đến đó là GD&ĐT và du lịch. Theo lý giải của ông Vũ Anh Trường, Việt Nam là nước có dân số trẻ với 22 triệu học sinh và VR cho giáo dục cũng là lối đi hứa hẹn nhiều tiềm năng để phát triển. Ngoài ra, du lịch có thể ứng dụng VR để quảng cáo rộng rãi trên thế giới để tạo ra các giá trị rộng rãi hơn cho ngành du lịch so với hiện nay.
Cũng tại sự kiện này, ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cho biết, VR và AR là hai công nghệ chủ chốt trong cuộc cách mạng 4.0 đặc biệt, cùng với các công nghệ khác thì VR và AR làm cho quá trình sản xuất trở nên hiệu quả hơn.
Sử dụng VR trong sản xuất đã trở thành một thực tế đã được chứng minh tại nhiều nước trên thế giới. Việc từng bước phát triển hạ tầng công nghệ cũng như nguồn nhân lực phù hợp với xu thế công nghệ mới là hướng đi đúng thông qua hợp tác với các công ty công nghệ tiên tiến. Sự hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ mới này sẽ tạo ra hình mẫu tốt để phát triển những hệ sinh thái VR trong tương lai nhất là trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh CNTT, phát triển hạ tầng trong đó chú trọng đến các sản phẩm đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong đó đặc biệt quan tâm đến ngành công nghiệp nội dung số.