Theo Cổng thông tin điện tử Bộ TT&TT (mic.gov.vn), thông tin từ Vụ Hợp tác Quốc tế vừa cho biết, ngày 21/12, tại Nay Pyi Taw, Myanmar, đã diễn ra Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar với chủ đề “Chuyển đổi số trong Chính phủ”. Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ TT&TT Việt Nam Phan Tâm, Đại sứ Việt Nam tại Myanmar Luận Thùy Dương và Thứ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar Tha Oo, đại diện các cơ quan đơn vị thuộc 26 Bộ thuộc Chính phủ và Ủy ban Khoa học Công nghệ Quốc hội Myanmar cùng nhiều tổ chức, doanh nghiệp của Việt Nam và Myanmar.
Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar là sự kiện đầu tiên do Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar phối hợp tổ chức nhằm triển khai các kế hoạch trong Bản ghi nhớ hợp tác về CNTT-TT giữa hai nước được ký vào tháng 4/2018. |
Với chủ đề “Chuyển đổi số trong Chính phủ”, Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar là sự kiện đầu tiên do Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar phối hợp tổ chức nhằm triển khai các kế hoạch trong Bản ghi nhớ hợp tác về CNTT-TT giữa hai nước được ký vào tháng 4/2018.
Phát biểu tại Diễn đàn này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhấn mạnh, công nghệ số đang làm thay đổi tư duy, nhận thức và thay đổi cách con người sống và làm việc. Trên thế giới, nhiều Chính phủ đã tối ưu hóa công nghệ để nâng cao năng suất vận hành và cải thiện sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công. Thứ trưởng khẳng định, Việt Nam mong muốn chia sẻ cùng Myanmar chính sách, kinh nghiệm xây dựng chính phủ số. Đồng thời, với sự tham gia của các công ty ICT hàng đầu như Viettel, VNPT, FPT, BKAV, MobiFone , Việt Nam sẽ giới thiệu các giải pháp đã triển khai thành công tại Việt Nam để Chính phủ Myanmar có thể xem xét, nghiên cứu ứng dụng trong thực tế.
Về phía Myanmar, Thứ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar Tha Oo cho rằng sau 4 năm tự do hóa thị trường viễn thông và CNTT, Myanmar đã đạt được những kết quả đáng kể. Từ chỗ người dân phải trả 300 USD cho 1 SIM điện thoại thì đến nay chỉ phải trả dưới 1 USD. Đến nay, Myanmar đã có 4 nhà mạng viễn thông với mật độ phủ là 92% dân số và 65% diện tích lãnh thổ, tỷ lệ thuê bao di động là 101/%.
Bày tỏ sự vui mừng khi nhiều doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam đã sang đầu tư và phát triển thương mại tại Myanmar, Thứ trưởng Tha Oo cũng cho biết ông đánh giá cao hoạt động của 3 công ty có giá trị đầu tư lớn như Mytel của Viettel, liên doanh của VNPT với Streamnet và đầu tư 100% vốn nước ngoài FPT Myanmar.
Thứ trưởng Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar Tha Oo phát biểu tại Diễn đàn (Nguồn ảnh: mic.gov.vn) |
Theo Thứ trưởng Tha Oo, Myanmar vẫn tiếp tục chính sách thu hút đầu tư nước ngoài và kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục đầu tư vào Myanmar, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp phần mềm, nội dung số và công nghiệp điện tử.
Cũng theo Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ TT&TT, tại Diễn đàn, Viettel, VNPT, MobiFone, FPT và BKAV đã trình bày và giới thiệu các dịch vụ thuộc nhiều lĩnh vực như giao thông, giáo dục, y tế, an ninh mạng đã được triển khai thành công tại Việt Nam để áp dụng tại Myanmar. Không chỉ trình bày trong các phiên thảo luận, các doanh nghiệp ICT Việt Nam đã mang đến các sản phẩm và giải pháp “Made in Viet Nam” với những trải nghiệm thực tế tại Triển lãm được tổ chức bên lề Diễn đàn.
Cụ thể, BKAV đã trình diễn Bphone, sản phẩm smartphone cao cấp “Made in Vietnam” với các tính năng nổi bật so với các sản phẩm cùng phân khúc như thiết kế tràn viền không cằm, chống nước, khả năng bảo mật cao cấp, giá cả cạnh tranh. Phần mềm diệt virus BKAV phổ biến nhất tại Việt Nam cùng các giải pháp eGov và bộ sản phẩm an toàn thông tin toàn diện đang được triển khai tại Việt Nam.
BKAV trình diễn Bphone - sản phẩm smartphone cao cấp “Made in Vietnam" (Nguồn ảnh: mic.gov.vn) |
Tập đoàn VNPT mang đến triển lãm các sản phẩm công nghệ, nền tảng và giải pháp mới nhất bao gồm thiết bị GPON ONT, Modem ADSL, Wi-Fi Router, Smartphone, Set-Top-Box cùng các giải pháp IoT: Quản lý đô thị thông minh, Du lịch thông minh, Y tế thông minh, Giám sát môi trường, Nông nghiệp thông minh, Giao thông thông minh… dựa trên nền tảng IoT Smart Connected Platform (SCP) do VNPT Technology – đơn vị thành viên của VNPT nghiên cứu phát triển.
Với Mytel, công ty do Viettel đầu tư tại Myanmar này mang đến triển lãm bên lề Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam - Myanmar giải pháp tổng thể về hệ sinh thái số cùng các gói dịch vụ viễn thông. Kể từ ngày khai trương vào 9/6/2018 đến cuối năm 2018, Mytel đã có 4,01 triệu thuê bao, trong đó 66% là thuê bao 4G với mức tiêu dùng di động nhiều hơn 5 USD/tháng, 70% là thuê bao thành thị.
Trong khuôn khổ Diễn đàn CNTT-TT Việt Nam – Myanmar, Bộ TT&TT Việt Nam và Bộ Giao thông và Truyền thông Myanmar đã tổ chức họp song phương cấp Bộ trưởng để bàn cách triển khai các hoạt động hợp tác về an toàn thông tin, viễn thông và đào tạo nguồn nhân lực. Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đề nghị Myanmar tham gia vào Trung tâm An toàn Không gian mạng quốc gia (ISAC) của Việt Nam, mời phía Myanmar tham dự Diễn đàn thượng đỉnh 5G tổ chức tại Việt Nam vào năm 2019 và cam kết sẽ cấp học bổng ICT cho sinh viên Myanmar sang học tại Việt Nam.