|
Giao lưu văn hóa Việt - Nhật được tổ chức tại Hà Nội năm 2008 - một hoạt động nhằm thu hút các công ty Nhật làm gia công phần mềm với Việt Nam của Vinasa. |
Theo Hiệp hội công nghiệp dịch vụ CNTT Nhật Bản, Việt Nam hiện là đối tác gia công phần mềm (GCPM) lớn thứ 3 của Nhật sau Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, khoảng cách giữa Việt Nam với hai nước đứng đầu về xuất khẩu phần mềm sang Nhật đang rất lớn.
Cụ thể, trong năm 2008, chi phí cho GCPM của các công ty Nhật lên đến gần 3,9 tỷ USD. Trong đó, đối tác GCPM lớn nhất của Nhật là Trung Quốc chiếm trên 80%, thứ hai là Ấn Độ chiếm 15%, và Việt Nam đứng thứ 3 với 0,5% tương đương khoảng 20 triệu USD. Trước đó, năm 2007, doanh thu từ GCPM cho Nhật của Việt Nam là 13 triệu USD.
Tại hội thảo kinh doanh phần mềm Việt – Nhật do Hiệp hội doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (Vinasa) tổ chức ngày 25/8, các doanh nghiệp Việt Nam cho rằng doanh thu từ GCPM cho Nhật của Việt Nam có thể lớn hơn, tối thiểu gấp rưỡi, tức khoảng 30 triệu USD trong năm 2008.
Bà Bùi Hồng Liên, Tổng giám đốc FPT Software cho biết doanh thu từ GCPM cho thị trường Nhật chiếm khoảng 60% tổng số 40 triệu USD doanh thu của công ty trong năm 2008, tức khoảng 25 triệu USD. FPT Software hiện có 2.700 nhân viên, trong đó có khoảng 1.800 nhân viên làm cho thị trường Nhật.
Ở phạm vi cả nước, chưa có thống kê cụ thể nào về GCPM cho thị trường Nhật, nhưng ông Nguyễn Đoàn Hùng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp phần mềm Việt – Nhật (VJC) ước tính hiện có khoảng 20 công ty phần mềm trong nước tập trung 40-60% hoạt động của họ vào thị trường Nhật. Ước tính cả nước hiện có trên 2.000 kỹ sư phần mềm tham gia vào các dự án GCPM cho các khách hàng Nhật. Nếu tính trung bình mỗi kỹ sư tạo ra 2.000 USD/tháng, theo ông Hùng, mỗi năm Việt Nam có thể có được 30-40 triệu USD từ thị trường Nhật.
Nhưng dù là con số nào đi nữa, theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Vinasa, thị trường Nhật là con số quá lớn với Việt Nam. Vấn đề với các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam theo ông hiện nay là cần phải tỏ rõ quyết tâm và chấp nhận đầu tư cho thị trường này.
Ông Bình dự báo trong vài năm tới, sau khủng hoảng kinh tế, Việt Nam có thể chiếm được khoảng vài phần trăm thị trường GCPM của Nhật. Theo ông Việt Nam đang có một số lợi thế. Các công ty Nhật đang tập trung vào giá thành và Việt Nam đang có thế mạnh về yếu tố này. Bên cạnh đó, lực lượng sinh viên CNTT biết tiếng Nhật của Đại học FPT sẽ ra trường lứa đầu vào giữa năm 2010 sẽ lực lượng bổ sung đáng kể cho các doanh nghiệp làm gia công cho Nhật.
Bắt đầu tăng dần giá trị
Theo ông Nguyễn Đoàn Hùng, các dịch vụ gia công cho Nhật của Việt Nam chủ yếu vẫn là viết mã (coding), kiểm thử nhưng thời gian gần đây, các doanh nghiệp bắt đầu nhận được những công việc có giá trị gia tăng cao hơn như thiết kế chi tiết và phát triển phần mềm nhúng.
Bà Bùi Hồng Liên cho biết từ năm 2006, FPT Software bắt đầu đưa ra chiến lược về phần mềm nhúng với thị trường Nhật, khi đó công ty chưa có dự án và đồng doanh thu nào đến từ phần mềm nhúng. Với lực lượng kỹ sư trẻ, cần cù và học hỏi nhanh, ban đầu FPT Software chấp nhận làm những việc “râu ria” trong dự án phần mềm nhúng như phát triển ứng dụng và kiểm thử, sau đó dần dần đi vào những phần khó hơn của phần mềm nhúng là phát triển firmware và hệ điều hành.
Sau hai năm, hiện khoảng 30% doanh số từ thị trường Nhật của FPT Software là từ phần mềm nhúng. “Phần mềm nhúng ở khía cạnh nào đó có thể đi nhanh hơn bởi nó không đòi hỏi phải có kiến thức ngành nghề chuyên sâu như với các lĩnh vực gia công khác”, bà Liên nói.