Theo báo cáo của Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 240 trường đại học, trong đó gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật: CNTT, điện tử - viễn thông, an toàn thông tin. Hằng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp các chuyên ngành này vào khoảng hơn 50.000. Nếu tính cả đào tạo nghề ở bậc cao đẳng, trung cấp thì con số này vào khoảng hơn 62.000.

Trong cơ cấu nguồn nhân lực, tỷ lệ nhân lực kỹ thuật/tổng lao động của nền kinh tế Việt Nam đạt hơn 1%. Đây là tỷ lệ tương đối thấp so với một số quốc gia như Hoa Kỳ, Hàn Quốc hay Ấn Độ.

{keywords}
Nhân lực số Việt Nam đang thiếu hụt. Ảnh minh họa

Theo tính toán, để nâng tỷ lệ lên tối thiểu 2%, Việt Nam cần đào tạo được tối thiểu 70.000 sinh viên đại học chuyên ngành kỹ thuật mỗi năm, tăng khoảng 40% so với hiện nay. Không chỉ là vấn đề số lượng, chất lượng nhân lực cũng là thách thức lớn. Các công nghệ số đang có tốc độ phát triển nhanh, trong khi đó, chương trình đào tạo đang chưa theo kịp.

Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch Tập đoàn công nghệ CMC đánh giá, Việt Nam có nhu cầu cao về nguồn nhân lực nhưng khả năng đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng còn hạn chế.

Theo ông Chính, ước tính chúng ta mới chỉ đáp ứng được khoảng 25% nhu cầu về số lượng và 30% về chất lượng, trong khi đó, đến năm 2030 chúng ta cần tới 1,5 triệu nhân lực về CNTT. Lãnh đạo CMC lấy ví dụ cụ thể khi tập đoàn này hợp tác để cung cấp nhân lực cho Tập đoàn Samsung. Trong bối cảnh dịch bệnh, Samsung vẫn có yêu cầu cao và yêu cầu CMC cung cấp hàng nghìn nhân lực mỗi năm. Tuy nhiên, thực tiễn chỉ có khoảng 30% là đảm bảo đáp ứng được chất lượng yêu cầu.

Để giải quyết vấn đề nguồn nhân lực, nhiều quốc gia (Hàn Quốc, Ấn Độ) đã xác định phát triển đại học số là giải pháp quan trọng, đột phá để phát triển, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực nói chung và nhân lực số nói riêng.

Đại học số được hiểu là chuyển đổi số giáo dục đại học, đưa toàn bộ hoạt động của trường đại học, của giảng viên, sinh viên lên môi trường số. Vì chuyển đổi hoàn toàn lên môi trường số, mô hình hoạt động của một trường đại học số trở nên linh hoạt và vượt qua nhiều giới hạn vật lý mà một ngôi trường truyền thống gặp phải, dẫn tới dịch vụ giáo dục được tiếp cận dễ dàng hơn, đào tạo được nhiều hơn, chi phí thấp hơn, với chất lượng tối thiểu tương đương.

Theo ông Nguyễn Trung Chính, việc thí điểm xây dựng đại học số là vô cùng cần thiết bởi nó có thể đảm bảo bài toán tăng quy mô nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu về chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, để có thể triển khai đại học số thì cần thay đổi một số quy định, quy chế. Chẳng hạn, số học phần đào tạo online (trực tuyến) theo quy định là 30% thời gian đào tạo. Đây là điểm nghẽn trong đào tạo số và cần điều chỉnh phù hợp.

Ngoài ra, là vấn đề quy mô tuyển sinh. Theo con số thống kê, quy mô tuyển sinh năm 2021 là 82.000 sinh viên trên tổng số 300.000 sinh viên có nhu cầu nhập học. Tức là số lượng đầu vào chỉ đáp ứng 24% nhu cầu nhập học. Bộ GD&ĐT tạo cần tăng quy mô tuyển sinh để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường. Để làm được điều này, cần có cơ chế thí điểm cho đại học số tăng chỉ tiêu tuyển sinh để mở rộng quy mô đào tạo.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, mục tiêu đào tạo trong tổng số các trường đại học, quy mô đào tạo hiện nay đã là 219.984 sinh viên thuộc khối ngành CNTT, ATTT mạng. Do đó, mục tiêu 2% nhân lực số là khả thi và cao hơn nữa, vấn đề đặt ra là chỉ mở rộng về chất lượng. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng cho biết Đề án thí điểm 5 đại học số đã xây dựng và sẽ sớm cùng Bộ TT&TT trình Thủ tướng phê duyệt.

Duy Vũ

Đại học FPT hợp tác với SIT và Đại học Jacobs đào tạo nhân lực CNTT chất lượng cao

Đại học FPT hợp tác với SIT và Đại học Jacobs đào tạo nhân lực CNTT chất lượng cao

Đại học FPT ký bản ghi nhớ với SIT và Đại học Jacobs để đào tạo nhân lực CNTT trình độ cao đem lại cơ hội giáo dục và nghề nghiệp hấp dẫn cho sinh viên Việt Nam.