Báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cho thấy phần nào bức tranh về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Trong gần bốn năm qua (2016-2019), các bộ, ngành, địa phương đã nhận thức được tầm quan trọng của cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh cũng như trách nhiệm liên quan.

Năng lực cạnh tranh quốc gia: Vẫn chỉ đứng thứ 7, thua xa Thái Lan

Trong ba năm (2017-2019), theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, năng lực cạnh tranh 4.0 của nước ta liên tục tăng điểm, thể hiện mức độ cải thiện về năng suất lao động và sự thịnh vượng của nền kinh tế.

Đặc biệt, trong năm 2019, Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67); được đánh giá là nền kinh tế có mức độ cải thiện điểm số và tăng hạng tốt nhất toàn cầu. Kết quả này đạt được là do 8/12 trụ cột năng lực cạnh tranh tăng điểm và tăng nhiều bậc.

{keywords}
Môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự ổn định và thuận lợi (ảnh minh họa)

Mặc dù Việt Nam có những cải thiện đáng kể về điểm số và thứ hạng của hầu hết các chỉ số thành phần trong 8/12 trụ cột, song vẫn có đến 8/12 chỉ số trụ cột hiện ở thứ hạng thấp hoặc rất thấp.

Các trụ cột có thứ hạng dưới thứ hạng chung về năng lực cạnh tranh (thứ 67) gồm Thể chế (89); Cơ sở hạ tầng (77); Y tế (71); Kỹ năng (93); Thị trường sản phẩm (79); Thị trường lao động (83); Mức độ năng động trong kinh doanh (89); và Năng lực đổi mới sáng tạo (76).

Đáng chú ý, mức độ sẵn có về vốn đầu tư mạo hiểm tuy có sự cải thiện, nhưng chậm hơn so với nhiều nền kinh tế, dẫn tới thứ hạng giảm 10 bậc (từ vị trí 51 xuống vị trí 61). Điều này phần nào phản ánh môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam chưa thực sự ổn định và thuận lợi, khiến các quỹ đầu tư thận trọng hơn khi đầu tư cho doanh nghiệp ở Việt Nam.

Năm 2019, ngoại trừ Singapore và Việt Nam, các nước còn lại trong khu vực ASEAN đều giảm điểm hoặc giảm bậc về năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn đứng ở thứ hạng thấp so với các quốc gia trong khu vực (đứng thứ 7 trong ASEAN), còn cách xa so với Thái Lan, Malaysia và Singapore.

Bởi vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng mục tiêu vào nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN còn nhiều thách thức.

Môi trường kinh doanh: Vẫn chỉ đứng thứ 5, top 4 còn xa

Thời gian qua, Việt Nam liên tục được Ngân hàng Thế giới đánh giá có sự cải thiện về chất lượng môi trường kinh doanh, nhờ vậy rút ngắn thời gian, giảm chi phí và rủi ro cho doanh nghiệp. Qua bốn năm (2016-2019), môi trường kinh doanh tăng 5,97 điểm (thể hiện cải thiện chất lượng) và 12 bậc (từ thứ 82 năm 2016 lên thứ 70 năm 2019).

{keywords}
Môi trường đầu tư kinh doanh "nóng lạnh" thất thường.

Tuy chất lượng môi trường kinh doanh được cải thiện, song thứ hạng liên tục giảm trong 2 năm gần đây (mỗi năm giảm 1 bậc). Điều này thể hiện Việt Nam có cải cách, nhưng còn ít và chậm; trong khi các nền kinh tế khác cải cách nhanh và mạnh mẽ hơn.

Đơn cử trong ASEAN, Singapore duy trì ổn định vị trí thứ 2 từ năm 2016; Malaysia tăng hạng nhiều và liên tiếp trong hai năm gần đây (qua hai năm tăng 12 bậc); Thái Lan tăng tốc mạnh trong năm 2017 (tăng 20 bậc) và tiếp tục tăng 6 bậc trong 2019; Indonesia sau 3 năm cải thiện mạnh mẽ và liên tục (năm 2017 tăng 42 bậc so với 2014) thì từ 2018 có xu hướng chững lại; Philippines tăng tới 29 bậc trong năm 2019.

Trong ASEAN, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5, sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei.

“Kết quả nêu trên cho thấy Chính phủ thể hiện nhiều nỗ lực, quyết tâm cải cách, song việc hiện thực hoá bằng hành động cải cách cụ thể của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá.

Đổi mới sáng tạo: Cải thiện thêm ngày càng khó

Những năm qua, Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới liên tiếp ghi nhận những hành động cải cách của Việt Nam nhằm nâng cao năng lực Đổi mới sáng tạo; đồng thời đánh giá cao sự hợp tác của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin cho đánh giá, xếp hạng chỉ số này. Qua bốn năm (2016-2019), chỉ số Đổi mới sáng tạo của nước ta tăng 17 bậc (từ thứ 59 năm 2016 lên thứ 42 năm 2019) với 7/7 trụ cột đều tăng bậc và có thứ hạng cao so với mức trung bình.

Năm 2019, chỉ số này tăng 3 bậc (từ thứ 45 lên thứ 42) và Việt Nam vươn lên xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN sau Singapore và Malaysia.

Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại: Do chúng ta ở thứ hạng tương đối tốt trong khu vực, dư địa cải thiện nhanh chỉ số này ngày càng khó khăn hơn.

Năng lực cạnh tranh ngành du lịch và logistics: Có tiến bộ

Về hiệu quả logistics, Nghị quyết 02 đặt mục tiêu nâng thứ hạng logistics lên 5-10 bậc. Trong năm 2018, chỉ số này của nước ta tăng mạnh (25 bậc), từ thứ hạng 64 lên thứ 39 với 6/6 chỉ tiêu cải thiện vượt trội.

Tuy vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng chi phí cao vẫn là trở ngại lớn của ngành logistics ở nước ta.

Về Năng lực cạnh tranh du lịch, qua đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới, những năm qua chỉ số này của nước ta liên tục tăng điểm và tăng hạng. Năm 2019, chỉ số này tăng 12 bậc so với năm 2015 (thứ 75/141 lên thứ 63/140) với 11/14 trụ cột tăng bậc.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá cũng cho thấy thách thức đối với năng lực cạnh tranh ngành du lịch là vấn đề Y tế và vệ sinh (thứ 91), Môi trường bền vững (thứ 121) và Hạ tầng dịch vụ du lịch (thứ 106).

Lương Bằng

Sau 1 năm tích cực đột phá, các bộ lặng lẽ, kém nhiệt tình hơn

Sau 1 năm tích cực đột phá, các bộ lặng lẽ, kém nhiệt tình hơn

Sau những chuyển động tích cực, có tính cải cách, đột phá, pháp luật kinh doanh năm 2019 vẫn còn nhiều điểm thiếu tính thống nhất, chồng chéo, các điều kiện bất hợp lý, thậm chí là độc quyền,... gây khó khăn cho DN.