“Về chính sách thì như hiện nay của nước ta là đã “mở” hết rồi, rất thông thoáng và thuận lợi cho người gởi và người nhận. Trên thế giới các nước nhận kiều hối cũng chỉ “mở” như ta là hết cỡ”, chuyên gia tài chính – ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn khẳng định về dư địa chính sách cho thu hút kiều hối.
>> Xem lại Bài 1: Kiều hối về VN đã được dùng làm gì?
>> Xem lại Bài 2: Kiều hối quan trọng thế nào với Việt Nam?
Theo ông Sơn: Kiều hối là tiết kiệm của người dân ở nước ngoài gửi về. Và là phần thu nhập bổ sung của người trong nước nhận được dưới dạng USD. Thứ nhất, nguồn thu nhập bổ sung đó góp phần làm tăng sức mua của toàn xã hội. Đây là điều rất tốt. Thứ hai, dưới hình thức USD như vậy, kiều hối làm tăng nguồn cung ngoại tệ, góp phần ổn định mức cung cầu ngoại tệ trên thị trường, giúp cho tỷ giá đồng Việt Nam tương đối ổn định.
Quy định của ngân hàng Nhà nước VN là cho người dân có thể rút ra được nguồn ngoại tệ chứ không phải bán thẳng luôn cho bên ngoài nên không gọi là dự trữ ngoại tệ. Và nó chỉ là một nguồn thanh khoản ngoại tệ cho hệ thống Ngân hàng là đúng. Điều này góp phần làm ổn định trị giá của đồng tiền VN, tăng thu nhập của người dân. GDP của người dân mình ở mức này nhưng người dân được một nguồn ngoại hối như vậy giúp họ lại được thêm một nguồn viện trợ khác cho từng cá nhân. Như thế sẽ làm sức mua của họ tốt hơn. Nhờ đó, trong những khi nguồn kinh tế khá èo uột thì sức mua này sẽ giúp cho một số hoạt động SX KD khá là ổn định so với những nước không có nguồn ngoại hối như ta.
Ông Huỳnh Bửu Sơn. Ảnh: FBNV |
Trong nền kinh tế có sự liên quan khăng khít giữa các lĩnh vực, con người. Kiều hối có vai trò rất lớn tăng sức mua của dân, nguồn thu nhập của người này sẽ tạo ra thu nhập cho người khác nếu họ chi tiêu. Cái đó rất quan trọng và có ý nghĩa mà đôi khi ta không thấy hết.
Còn nói kiều hối có tác dụng như thế nào với nền KT đất nước thì dưới góc độ tài chính, đây là nguồn thanh toán ngoại tệ tất tốt, rất lợi. Còn việc đầu tư thế nào thì phụ thuộc vào môi trường đầu tư. Nhưng nói gì thì nói, đây là một yếu tố tích cực. Nếu chúng ta đặt cho nó một vai trò quan trọng thì cũng phải hiểu rằng cái nguồn trên 10 tỷ USD/năm này phải san sẻ cho biết bao nhiêu triệu người chứ không phải là cho một số ít người. Nhưng rõ ràng nó sẽ làm cho khung ngoại tệ của đất nước thêm dồi dào, góp phần ổn định tỷ giá đồng tiền VN.
Hiện nay mỗi năm VN nhận trên 10 tỷ USD từ nguồn kiều hồi. Như ông thấy, ta đã dùng có hiệu quả nhất chưa?
Sau 1975 chúng ta “dính” cơ chế bao cấp quá lâu, rồi chiến tranh biên giới, nên gặp khó khăn. Tới khi Đổi mới năm 1986 thì kinh tế mới phát triển. Vì vậy các nước trong khu vực đã vượt quá chúng ta khá xa.
Vấn đề là do cách làm. TQ là nước lớn như vậy mà tăng trưởng rất cao và ổn định là do cách làm của họ. Nếu ta cải cách phù hợp để có bước đi đúng thì ta còn có thể nhanh như thế hoặc hơn vì người dân miền Nam đã quen với cơ chế thị trường, rất năng động.
Nói ra như vậy để thấy đúng mức vai trò của từng vấn đề. Kiều hối là quan trọng, rất có ích và đóng góp rất nhiều trong thời gia qua và sắp tới. Nhưng để đất nước phát triển được tốt thì còn các yếu tố khác nữa.
Theo ông, cần có chính sách như thế nào để thu hút thêm kiều hối góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước? Sự năng động của TP.HCM trong việc thu hút kiều hối có giúp gì để thu hút nhiều hơn cho cả nước hay không?
Về chính sách thì như hiện nay của nước ta là đã “mở” hết rồi, rất thông thoáng và thuận lợi cho người gởi và người nhận. Trên thế giới các nước nhận kiều hối cũng chỉ “mở” như ta là hết cỡ. Ở nhiều quốc gia khác khi người dân nhận được kiều hối phải bán cho Ngân hàng Nhà nước. Còn ta mở rộng cửa hơn như thế cũng không sao, vì cuối cùng đó cũng là tiền ngoại tệ thu về trong hệ thống Ngân hàng VN.
Tuy nhiên, kiều hối giúp cho nền kinh tế có sự ổn định thì nó cũng có hai mặt. Có nghĩa là nếu đồng tiền VN cứ ổn định giá cao kéo dài sẽ ảnh hưởng phần nào tới xuất khẩu. Như vậy sự ổn định có thể giúp tâm lý của người dân ít bị dao động, yên tâm gửi tiền về. Nhưng Nhà nước cũng cần quan tâm tới mặt kia.
Còn để cho người dân nhận tiền kiều hối yên tâm đầu tư vào SX- KD thì phụ thuộc vào môi trường đầu tư và niềm tin vào tương lai nền kinh tế đất nước mà Chính phủ tạo ra. Ví dụ như yên tâm đầu tư vào thị trường chứng khoán, sự dễ dàng cho các DN mở rộng sản xuất kinh doanh, mở rộng được thị trường; tháo gỡ những khó khăn rắc rối về đất đai, bất động sản, giá đất giá cho thuê, v.v…
Nói chung liên quan đến nhiều chính sách khác mà ta hay gọi là môi trường đầu tư, để người dân thấy thay vì gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng thì đầu tư vào SX – KD, hay hợp sức với nhau để mở rộng SX, hoặc có thể mua cổ phiếu, v.v... Tức là làm sao cho người dân có nhiều kênh để sử dụng nguồn kiều hối cho hữu ích hơn, vừa “lợi nhà” và “ích nước”.
Thật sự mà nói, trong nền kinh tế như thế này thì sự đóng góp kiều hối có vai trò rất lớn trong sức mua của người dân, một nguồn thu nhập của người này sẽ tạo ra thu nhập của người khác nếu họ chi tiêu, cái đó rất quan trọng và có ý nghĩa mà đôi khi ta không thấy hết.
Vì vậy, nói rộng hơn thì cần phải làm sao bảo vệ được lợi ích cho người gửi và người nhận kiều hối. Họ có thể yên tâm đầu tư vào nhiều kênh phù hợp với họ. Và quan trọng hơn là những kênh đầu tư này mang lại hiệu quả để họ yên tâm mở rộng, tái đầu tư…
Kiều hối đã đóng góp rất lớn cho đất nước suốt 20 năm qua là điều không ai có thể phủ nhận. Theo ông, vai trò lịch sử của kiều hồi còn kéo dài đến bao giờ? Ví dụ như nửa thế kỷ trước Malaysia cũng từng là “cường quốc” xuất khẩu lao động như Philippines và VN bây giờ. Nhiều người dân Malaysia cũng phải sống nhờ kiều hối. Song nhờ kinh tế phát triển, nay họ trở thành nước nhập khẩu lao động, nguồn kiều hối giảm xuống còn không đáng kể?
Kiều hối còn kéo dài và không thể biến mất được trừ khi VN ta giàu mạnh hơn nước Mỹ thì mới không còn kiều hối! Vì khi còn một cộng đồng người VN ở nước ngoài có quan hệ với thân nhân của họ ở trong nước thì kiều hối còn tồn tại. Thứ nữa là kiều hối không phải chỉ có từ những người đi lao động ở nước ngoài. Đó chỉ là một phần thôi. Còn lại kiều hối là từ cộng đồng người VN định cư ở nước ngoài nên nó sẽ kéo dài và gần như không ngừng trong tương lai.
Duy Chiến