Xu hướng du lịch xanh
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho biết, sau 2 năm hạn chế đi lại, nhu cầu du lịch của người Mỹ tăng cao. Theo nghiên cứu, khoảng 80% người Mỹ muốn đi du lịch trong 6 tháng tới.
Người Mỹ có xu hướng muốn đến các điểm an toàn, thân thiện, an ninh đảm bảo, quy định không thay đổi bất ngờ. Họ chọn đến những địa điểm du lịch bền vững, du lịch xanh, ưu tiên chọn các dịch vụ thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Người Mỹ cũng không thích du lịch theo tour đông người, ngoài khách sạn thì họ thích sử dụng các dịch vụ homestay.
Ảnh minh họa: Công Sáng |
Với Việt Nam, du khách Mỹ luôn xem đây là một điểm du lịch hấp dẫn. Việt Nam cũng thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Mỹ, vì đây là nền kinh tế năng động, thị trường tiềm năng để đầu tư. Ngoài ra, luôn có số lượng lớn người Việt đang sinh sống tại Mỹ muốn về thăm thân, đầu tư, du lịch.
Du khách Mỹ đã biết chủ trương ngày 15/3 Việt Nam mở cửa du lịch nhưng Đại sứ quán Việt Nam hiện chưa thể cấp visa. Lý do được nêu ra bởi số ca nhiễm tại Việt Nam tăng cao, CDC Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách nhóm 4 là không nên đến và nếu bắt buộc phải đến cần cập nhật tiêm vắc xin. Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, đây là một trở ngại khi người dân Mỹ quyết định đi du lịch ở Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam đóng cửa du lịch quốc tế thời gian dài hơn so với các nước trong khu vực, tuy nhiên, lại chưa có các sản phẩm du lịch hấp dẫn đối với du khách Mỹ.
Đại sứ kiến nghị, khi mở cửa du lịch, các chính sách, chủ trương cần nhất quán, sớm có thông báo cho các cơ quan đại diện, các hãng hàng không, các công ty lữ hành để thống nhất thông tin, tránh thay đổi đột ngột.
Cần bám sát xu hướng du lịch mới sau dịch như du lịch xanh bền vững, du lịch an toàn. Các cơ sở dịch vụ và lưu trú nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch và có các chương trình khuyến mãi, thu hút du khách quốc tế và các công ty lữ hành nước ngoài...
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam thông tin, phía Nhật đánh giá rất cao về công tác phòng chống dịch và mở cửa của Việt Nam, tuy nhiên họ cũng rất thận trọng.
Nhật Bản là một trong những nước ủng hộ các chính sách của Việt Nam, tiên phong đồng ý về chính sách mở cửa. Vừa qua, khi Việt Nam đề nghị mở lại hoàn toàn đường bay, lập tức Cục Hàng không Nhật Bản đồng ý; đến hộ chiếu vắc xin cũng được 2 nước công nhận ngay.
Chính phủ Việt Nam ngày 15/3 đã công bố nghị quyết có 13 quốc gia được miễn thị thực, trong đó có Nhật Bản đã tạo tiền đề cho phát triển du lịch.
Trước khi có dịch, lượng khách Nhật Bản vào Việt Nam mỗi năm gần 1 triệu khách, một ngày từ 10-15 chuyến bay nên tiềm năng du lịch giữa 2 nước rất lớn. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện chưa mở cửa hoàn toàn, khách từ Việt Nam sang vẫn phải cách ly 3 ngày.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản chưa khuyến khích du lịch đông người, tụ tập đông người nên các tour du lịch lớn do các hãng lữ hành tổ chức chưa triển khai mạnh.
Ông phân tích, người Nhật thường đi du lịch tập thể, thông qua các công ty lữ hành. Người Nhật hay lên kế hoạch du lịch từ 2-3 tháng cho các tour dài, vì thế, khả năng khách Nhật đến Việt Nam đông từ tháng 6 và tháng 7-8, đây cũng là dịp hè, trẻ em ở Nhật được nghỉ học.
Đại sứ Vũ Hồng Nam cũng đề nghị, nên có kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp lữ hành của hai nước để chuẩn bị tour lớn. Theo Đại sứ, có thể tập trung vào mảng doanh nghiệp Nhật Bản vì 2 năm qua doanh nghiệp Nhật vào Việt Nam không nhiều. "Họ chờ chúng ta mở cửa. Vì thế, chúng ta cần có những hội nghị, tọa đàm để trao đổi xem bạn muốn gì để có những cái đáp ứng cụ thể đối với từng thị trường", Đại sứ Vũ Hồng Nam nói.
Quảng bá du lịch đi đôi với truyền thông
Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng cho biết, Pháp là nước có ngành du lịch phát triển, người Pháp có niềm đam mê du lịch lớn. Trước đại dịch thì 1 năm có 49 triệu khách du lịch Pháp ra nước ngoài, chi khoảng 60 tỷ USD cho du lịch mỗi năm.
Chính phủ Pháp đã bỏ quy định đeo khẩu trang và giấy thông hành y tế từ tháng 3, người Pháp đang dần quay lại với thói quen đi du lịch. Nếu năm 2020 người Pháp ưu tiên du lịch trong nước và châu Âu thì đến năm 2022, 3/4 người Pháp sẵn sàng và lên kế hoạch du lịch ngoài châu Âu, trong đó 30% muốn đến châu Á.
Với Việt Nam, du khách Pháp đánh giá cao vẻ đẹp thiên nhiên, giá trị văn hóa, ẩm thực và con người Việt Nam. Đại sứ cho biết, kỳ vọng mở cửa du lịch từ hai nước rất lớn khi Việt Nam được Pháp xếp vào nhóm nước xanh, an toàn, khách Pháp cũng chờ đợi thông tin mở cửa lại du lịch của Việt Nam.
Đại sứ kiến nghị mở cửa du lịch thì nên nhất quán, rõ ràng để đảm bảo tiết kiệm cho khách du lịch, công bố rõ toàn bộ các vấn đề liên quan đến nhập cảnh, khai báo, di chuyển, lưu trú.
Người Pháp ưu tiên cho du lịch bền vững, quan tâm đến yếu tố về môi trường với xu hướng du lịch chậm, kéo dài hơn, kết hợp du lịch với làm việc từ xa. Ngoài ra họ cũng ưu tiên du lịch an toàn như ngoài trời, xanh, vận động và du lịch nhỏ ở nông thôn tập trung ít người.
Du lịch đi đôi với truyền thông, thậm chí truyền thông phải đi trước để nắm xu hướng. Ông dẫn chứng tại Pháp, trong kế hoạch du lịch công bố tháng 11/2021 thì hướng đến các sự kiện quảng bá trong năm tới, trong đó có cả giải vô địch thế giới về bóng bầu dục năm 2023 hay Thế vận hội mùa hè Olympic năm 2024.
Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Pháp và 10 năm đối tác chiến lược. Đồng thời cũng là 50 năm kỷ niệm Hiệp định Paris, theo Đại sứ, đây là dịp quan trọng để quảng bá du lịch Việt Nam.
Với Singapore, tuy dân số nhỏ nhưng lượng người đi du lịch khá lớn. Theo Đại sứ Mai Phước Dũng, người Singapore và cộng đồng quốc tế đang làm việc tại Singapore rất mong chờ được quay lại Việt Nam, họ mừng khi biết nước ta đã mở cửa đón du khách quốc tế.
"Tuy nhiên, niềm vui chưa trọn vì hướng dẫn quá chậm, đặc biệt là hướng dẫn về mặt y tế. Có một số khách quốc tế và khách Singapore khi ra sân bay phải quay lại vì không có hướng dẫn cụ thể", ông nêu thực tế.
Singapore hiện chưa mở rộng cửa du lịch, họ chỉ mở cho 30 nước trong đó có Việt Nam, vì thế, số lượng người vào không quá 10.000 người/ngày.
Đại sứ đánh giá, ở Singapore không chỉ có người đi du lịch mà còn có các doanh nghiệp đầu tư lớn muốn đến Việt Nam. Đặc biệt, sau chuyến thăm của Chủ tịch nước tới Singapore vào tháng 2/2022, các doanh nghiệp rất hào hứng quay lại Việt Nam.
Trần Thường
Vịnh Hạ Long được chọn là điểm đến nhất định phải ghé thăm một lần trong đời
Mới đây, chuyên trang du lịch nổi tiếng The Travel đã lựa chọn Vịnh Hạ Long của Việt Nam là một trong 10 điểm đến ở châu Á du khách nên ghé thăm ít nhất một lần trong đời.
Anh, Nga, Pháp và 10 nước được Việt Nam miễn thị thực trong 3 năm
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về việc miễn thị thực cho công dân một số nước trong thời gian 3 năm.