Đó là bình luận của hai cây viết Denis D. Gray và Hau Dinh trong bài viết mới đây có tựa đề "Từ máy bay ném bom đến Big Mac: Việt Nam là bài học về hòa giải" đăng trên AP.

{keywords}
Máy bay B-52 rải bom xuống Việt Nam trong chiến tranh. (Ảnh: AP)

Trong chiến tranh, Mỹ từng thả hàng nghìn tấn bom xuống thủ đô Hà Nội. Các thành phố khác cũng bị tàn phá nặng nề. Những cánh đồng và vạt rừng bị quân đội Mỹ rải lên loại thuốc diệt cỏ độc hại. Bom mìn chưa nổ còn vương vãi nhiều nơi.

Tuy nhiên, hai nước hiện đã thiết lập được mối quan hệ hữu nghị. Trên thực tế, Việt Nam và Mỹ chỉ mất 20 năm để khôi phục các mối quan hệ đầy đủ.

Chính vì thế, nhiều người đã hy vọng Việt Nam sẽ giúp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un một lộ trình tự hòa giải với Mỹ và thủ đô Hà Nội sẽ là nơi mang lại một giải pháp quan trọng cho một trong những cuộc xung đột cuối cùng thời Chiến tranh Lạnh.

Trong khi Bình Nhưỡng tiếp tục là kẻ thù của Mỹ 65 năm sau khi ngưng chiến, Việt Nam hôm nay đã là một đối tác quan trọng. Thương mại song phương tăng 8.000% trong 20 năm qua. Mỹ đã đầu tư hàng tỷ đôla vào một trong những nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới này. 

{keywords}
Du khách nước ngoài tham quan Hà Nội. (Ảnh: AP)

"Tôi sinh ra sau chiến tranh và chỉ biết về chiến tranh qua đọc sách báo hoặc xem phim ảnh", Đinh Thanh Huyền, một sinh viên đại học, đang xếp hàng vào quán thức ăn nhanh McDonald's ở Hà Nội cho biết. Huyền nói cô rất vui vì hai nước hiện đã hòa giải.

"Lịch sử là để chúng tôi học, không phải để nuôi thù hận", cô gái nói thêm.

Chủ tịch Kim Jong Un có thể học hỏi từ lịch sử hòa giải đôi bên cùng có lợi, cũng như việc Việt Nam tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường và mở cửa với Mỹ cùng các nước khác. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo từng phát biểu ở Hà Nội về "quan hệ đối tác và sự thịnh vượng không thể tưởng tượng nổi" mà Mỹ có được với Việt Nam.

"Tôi có một thông điệp cho Chủ tịch Kim Jong Un: Tổng thống Trump tin rằng đất nước của ông có thể đi theo đường hướng này. Đây là lúc ông nắm lấy cơ hội. Đây cũng có thể là phép màu của ông ở Triều Tiên", ông Pompeo nói.

Từ sau khi kết thúc cuộc gặp lần thứ nhất ở Singapore tháng 6/2018, Mỹ và Triều Tiên chỉ có được một vài bước tiến nhỏ, bao gồm việc lần đầu tiên trong hơn một thập niên, Bình Nhưỡng trao trả cho Washington hài cốt lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên.

Chính vấn đề binh lính tử trận và mất tích trong chiến tranh đã góp phần vào cuộc hòa giải Việt - Mỹ. Việc Việt Nam trao trả hài cốt lính Mỹ đã giúp cải thiện quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực. Mỹ cũng dần nới lỏng cấm vận khi ủng hộ công cuộc Đổi Mới.

Triều Tiên đã thể hiện sự quan tâm tới các cải cách của Việt Nam khi gửi sinh viên và các đoàn đại biểu sang tham quan. Việt Nam có thể là nơi lý tưởng để thúc đẩy Bình Nhưỡng tái tổ chức nền kinh tế của mình và chuyển các kẻ thù thành bạn hữu.

"Mô hình phát triển Đổi Mới của Việt Nam là một nhân tố quan trọng trong chiến lược lớn hơn của Mỹ nhằm kéo Triều Tiên ra khỏi tình trạng tự cô lập như một phần của tiến trình phi hạt nhân hóa", Carlyle Thayer, nhà khoa học chính trị tại Đại học New South Wales bình luận.

Tuy nhiên, ông Thayer cùng nhiều chuyên gia khác tránh đề cập khả năng phép lạ quan hệ Việt - Mỹ có thể xuất hiện ở Triều Tiên, bởi lẽ Bình Nhưỡng đã có nhiều cách phản ứng với Mỹ sau chiến tranh, trong đó có việc tự đóng cửa biên giới với bên ngoài.

{keywords}
Biển chào mừng cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội (Ảnh: AP)

Trong khi đó, Việt Nam đã chọn cách bỏ lại quá khứ phía sau và tiến lên phía trước. Không lâu sau chiến tranh, báo chí và các đoàn đại biểu chính thức của Mỹ đã được phép đến Hà Nội. Các cựu binh Mỹ đã khóc khi ôm lấy các cựu binh Việt Nam, khi hai bên kể cho nhau nghe những chuyện buồn chiến tranh.

"Trong chiến tranh Việt Nam, Hà Nội luôn phân biệt rõ giữa người dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và chính phủ đế quốc của Mỹ. Đó là nền tảng cho hòa giải tương lai", chuyên gia Thayer nói.

"Người Việt Nam thấy rõ qua những năm tháng chiến tranh rằng, nhiều người Mỹ và các cựu binh đã đứng lên phản đối chiến tranh", hãng tin AP dẫn lời Bob Mulholland - một cựu binh Mỹ nổi tiếng.

Và ngay tại nước Mỹ cũng đã có nhiều tiếng nói mạnh mẽ kêu gọi hòa giải với Việt Nam, trong đó có Thượng nghị sĩ John Kerry và cố Thượng nghị sĩ John McCain cùng nhiều người lính đã lặng lẽ trở lại Việt Nam giúp đỡ đất nước này.

Gần quán McDonald's ở phố cổ Hà Nội, cách không xa một quán Starbucks, đường phố giờ đây đang tràn ngập cờ Mỹ và Việt Nam. Có thể thấy nhiều người trẻ Việt Nam hòa chung với khách du lịch Mỹ. Cách đó một quãng ngắn, du khách Brian Walker đang tới thăm một viện bảo tàng, nơi trưng bày xác một chiếc máy bay B-52 của Mỹ bị quân dân Hà Nội bắn rơi khi xưa.

"Với nhiều người Mỹ, có thể đây là một đất nước phải hứng chịu một cuộc chiến tranh đẫm máu bởi sự tham chiến của chúng tôi", du khách 28 tuổi đến từ New York nhận xét. "Nhưng khi đến đây, tất cả những gì tôi thấy là mọi người vui tươi, đồ ăn rất ngon và phong cảnh rất đẹp".

Thanh Hảo (Theo AP)