Tại Hội thảo khởi động các hoạt động thí điểm của Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa-giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển" tổ chức sáng 9/4, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Phú Bình, Chính phủ Việt Nam nói chung và Bộ Tài nguyên và Môi trường nói riêng cam kết chính trị mạnh mẽ, khẳng định luôn quan tâm tìm kiếm các giải pháp cấp bách và trong dài hạn để giảm thiểu ô nhiễm nhựa, thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo tiếp cận kinh tế tuần hoàn.

Cụ thể, tháng 12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1746/ QĐ-TTg ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương tầm nhìn đến năm 2030. Giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển có thể góp phần quan trọng hỗ trợ triển khai kế hoạch hành động quốc gia, giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu đề ra.

{keywords}
Việt Nam luôn tìm kiếm các giải pháp cấp bách thúc đẩy phát triển nền kinh tế theo tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Ảnh minh họa

Dự án "Suy nghĩ lại về nhựa-giải pháp kinh tế tuần hoàn cho rác thải biển" là sáng kiến do EU và Bộ Hợp tác phát triển Liên bang, Cộng hòa Liên bang Đức (BMZ) bảo trợ thực hiện tại một số nước châu Á, gồm Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, Singapore và Việt Nam.

Cơ quan hợp tác kỹ thuật quốc tế Pháp (EF) được tài trợ để thực hiện dự án này tại Việt Nam với mục tiêu tổng thể là hỗ trợ triển khai Chiến lược nhựa của EU trên phạm vi quốc tế tại khu vực, từ đó góp phần tăng cường hợp tác giữa EU và các nước trong khu vực trong lĩnh vực kinh tế tuần hoàn, xử lý rác thải nhựa và giảm rác thải biển.

Các đại biểu đã giới thiệu về hoạt động mà các bên cùng phối hợp thực hiện, bao gồm hỗ trợ xây dựng chính sách và 4 hoạt động thí điểm trong khuôn khổ của dự án.

Các hoạt động thí điểm này sẽ góp phần giải quyết các thách thức liên quan đến chất thải nhựa tại 3 tỉnh, thành phố, gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Phú Yên với mục tiêu giảm lượng chất thải nhựa không được xử lý trên đất liền và trên biển.

Cũng tại hội thảo, các đơn vị chủ trì triển khai các hoạt động thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Phú Yên giới thiệu nội dung chi tiết, trong đó tập trung vào mục tiêu giảm và tránh sử dụng chất thải nhựa, phân loại, thu gom và tái chế rác thải hiệu quả hơn cho đến tháng 2/2022.

Cụ thể, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự án tăng cường thu gom, phân loạt và tái chế bao bì nhựa hướng tới mục tiêu tăng cường thu gom, phân loại và tái chế bao bì nhựa trên địa bàn 2 quận, huyện (quận 3 và huyện Nhà Bè) và dự án quản lý chất thải từ tàu tại các cảng biển Việt Nam - Tân Cảng Cát Lái.

Tại thủ đô Hà Nội, sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu tiêu thụ túi nylon sử dụng một lần tại các siêu thị và các nhà bán lẻ.

Tại Phú Yên, dự án thí điểm hỗ trợ cộng đồng ngư dân địa phương thành lập một đội tình nguyện thu gom rác thải trên biển và đưa chất thải thu gom được trong quá trình đánh bắt về bờ.

Ngoài các hoạt động thí điểm, trong khuôn khổ dự án này, Bộ Tài nguyên và Môi trường còn phối hợp với các Cơ quan hợp tác kỹ thuật Pháp và các cơ quan liên quan tại Việt Nam thực hiện các hoạt động hỗ trợ xây dựng các chiến lược, chính sách quan trọng nhằm giảm thiểu và quản lý hiệu quả chất thải nhựa, trong đó điển hình là cơ chế tăng cường trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) đối với chất thải bao bì tại Việt Nam.

Ông Rui Ludovino, Tham tán thứ nhất, phụ trách Hành động khí hậu, Môi trường, Việc làm và Chính sách xã hội thuộc Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho biết: "Chất thải nhựa liên quan đến tất cả chúng ta, vì vậy, chúng ta cần hướng tới nền kinh tế tuần hoàn đối với nhựa - một nền kinh tế sử dụng và quản lý tài nguyên hiệu quả, bền vững hơn. Trong khuôn khổ dự án "Suy nghĩ lại về nhựa," chúng tôi hợp tác chặt chẽ với Việt Nam nhằm ngăn ngừa chất thải nhựa đại dương."

Hằng Nga