Đến năm 2025, Statista ước tính số lượng người dùng trong phân khúc này sẽ tăng lên 70,9 triệu. Số lượng người dùng thanh toán qua POS di động cùng lúc sẽ tăng từ 28,6 triệu lên khoảng 34,6 triệu.
Trên thực tế, theo Statista, từ năm 2021, Việt Nam đã là một trong những quốc gia thanh toán POS di động hàng đầu. MoMo và ViettelPay, do nhà cung cấp viễn thông lớn của Việt Nam là Viettel tung ra, được coi là 2 sáng kiến chính trong nước về thanh toán di động. Tiềm năng của thị trường Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của các doanh nghiệp nước ngoài, chẳng hạn như siêu ứng dụng Grab hay công ty trò chơi và thương mại điện tử Sea.
Trước sự xuất hiện của 2 doanh nghiệp đến từ Singapore, MoMo bắt đầu mở rộng mạng lưới dịch vụ, phân nhánh sang mảng cho vay tiêu dùng và bảo hiểm. Dự báo thống kê của Statista cũng cho thấy, trong giai đoạn từ 2020 - 2025, số lượng người dùng ví di động MoMo tăng hơn 200%, đánh dấu sự số hóa nhanh chóng trong thanh toán của Việt Nam.
Theo số liệu từ Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), đến cuối năm 2021, Việt Nam có 91,3 triệu thuê bao điện thoại thông minh. Tính đến tháng 3/2022, đã có thêm hơn 2 triệu thuê bao sử dụng smartphone, nâng tổng số thuê bao dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam lên con số 93,5 triệu. Trong đó, tỷ lệ người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh ước tính khoảng 72,46 triệu, tương đương 73,5% và dự báo đạt 82,17 triệu thuê bao smartphone vào năm 2025.
Về số lượng đăng ký 5G, nhà sản xuất thiết bị mạng Cisco dự báo số lượng thuê bao của Việt Nam có thể đạt 6,3 triệu vào năm 2025 nhờ giá thành rẻ, dễ tiếp cận với nhiều gói cước đa dạng, linh hoạt về giá, cùng với đó là chất lượng Internet ngày càng được cải thiện và việc tự sản xuất được các thiết bị 5G. Điều này sẽ đưa Việt Nam trở thành top những quốc gia có Internet di động được phủ sóng rộng rãi, giá thành Internet rẻ nhất trên toàn cầu và đứng thứ 2 Đông Nam Á về tốc độ Internet di động trong năm 2025.
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Việt Nam đặt ra mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80%; tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt 80%; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt trên 50%; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số cơ bản đạt trên 70%.
Đến nay, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều sáng kiến, chương trình và dự án khác nhau nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của thanh toán điện tử. Chính phủ đã có những chủ trương, chính sách phát triển hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, như: Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020; Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng với dịch vụ công; cùng nhiều chỉ thị đẩy mạnh triển khai giải pháp phát triển thanh toán không tiền mặt, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vừa qua.
Trong khi đó, Kế hoạch phát triển thương mại điện tử quốc gia năm 2021 - 2025 xác định ưu tiên ban hành các chính sách, quy định và triển khai những giải pháp toàn diện nhằm tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, thanh toán trên nền tảng di động trong giao dịch trực tuyến và giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt, phương thức giao hàng nhận tiền (COD) trong thương mại điện tử; Phát triển các hạ tầng, giải pháp hỗ trợ giao dịch điện tử tích hợp thanh toán trong TMĐT; chú trọng phát triển các tiện ích thanh toán trên nền tảng di động như ví điện tử, mã QR code, NFC hay POS.
Các chủ trương, chính sách tập trung vào việc hoàn thiện và tạo hành lang pháp lý, tạo môi trường thuận lợi để phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử, xây dựng cổng thông tin khởi nghiệp có hỗ trợ tài chính, đào tạo.
Thế Vinh