Ít ngày nữa, năm 2018 sẽ khép lại, đánh dấu một năm Việt Nam đã vượt khó thành công để gặt hái nhiều thành quả về tăng trưởng GDP, doanh nghiệp khai sinh, xuất nhập khẩu...
Kỳ tích thập kỷ: Tăng trưởng GDP cao nhất kể từ 2008
GDP 2018: Tăng 7,08%, cao nhất kể từ 2011 đến nay
Ngày 28/12, Chính phủ cũng tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương. Nhìn lại để bước tiếp là điều quan trọng, khi mà năm 2019 được dự báo cũng còn lắm chông gai.
Những gam màu sáng rực
Tăng trưởng GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở lại đây. Phải mất một thập kỷ, nền kinh tế mới có lần quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ấn tượng đến như vậy sau bao nẳm ròng trồi sụt.
Tăng trưởng GDP đạt con số rất tích cực. |
Thiên tai lũ lụt, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy... là những trở ngại chính trên con đường phát triển kinh tế xã hội của năm 2018. Dẫu vậy, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,7 tỷ USD, tăng tới 13,8% so với năm 2017 (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 7%-8% và Nghị quyết 01 của Chính phủ là tăng 8%-10%).
Điểm nhấn trong bức tranh xuất nhập khẩu ấy, đó là năm 2018, Việt Nam xuất siêu tới 7,2 tỷ USD, đây là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.
Năm 2018, số doanh nghiệp "khai sinh" cũng lập kỷ lục mới khi có tới 131.275 doanh nghiệp ra đời, tổng vốn đăng ký là 1,4 triệu tỷ đồng.
Vượt lên tất cả những khó khăn, kinh tế Việt Nam đã cán đích với mức tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đặt ra từ đầu năm (mục tiêu là 6,7%).
Kết quả ấy có được cũng một phần nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Kể từ 2014 đến nay, Nghị quyết số 19 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã trải qua 5 năm thực hiện. Từ chỗ mơ hồ, chần chừ, nay Nghị quyết 19 đã trở thành thước đo bắt buộc của các bộ ngành, địa phương phải dõi theo và thực hiện.
“Trái ngọt” đã bắt đầu xuất hiện. Chỉ số Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội qua 5 năm cải thiện 42 bậc (từ vị trí 173 năm 2014 lên vị trí 131 năm 2018).
Chỉ số Tiếp cận điện năng với vai trò của Tập đoàn Điện lực Việt Nam qua 5 năm đã cải thiện được 108 bậc. Trong khi 5 năm trước đó, chỉ số này có xuất phát điểm đáng buồn khi ở vị trí cuối bảng xếp hạng trên thế giới (thứ 135/189 năm 2014). Đến nay chỉ số này đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục, vươn lên thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu về chỉ số này (thứ 37/190 năm 2018).
Sau 5 năm thực hiện, 6/10 chỉ số môi trường kinh doanh của nước ta năm 2018 cải thiện so với năm 2014, cụ thể là các chỉ số về Tiếp cận điện năng (tăng 108 bậc), Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (tăng 42 bậc), Bảo vệ nhà đầu tư (tăng 28 bậc), Khởi sự kinh doanh (tăng 21 bậc), Tiếp cận tín dụng (tăng 4 bậc), Cấp phép xây dựng (tăng 1 bậc).
Đó là những chỉ số không phải do ta tự đánh giá, mà chính là Ngân hàng Thế giới dùng các thước đo của chính họ để “cân đo” rồi cho điểm.
Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới (Doing Business 2019), cùng với Indonesia, Việt Nam là nước thực hiện nhiều cải cách nhất trong 16 năm qua, trong đó mỗi nước cùng có 42 cải cách. Trong đó, chỉ riêng 5 năm từ khi thực hiện Nghị quyết 19, Việt Nam đã có 18 cải cách được ghi nhận.
Nhưng còn quá sớm để hân hoan
Con số tăng trưởng GDP 7,08% có thể khiến nhiều người vui mừng. Nhưng con số ấy vẫn không thể làm nhòa đi nguy cơ tụt hậu của kinh tế Việt Nam vẫn còn hiện hữu.
Thực tế, GDP bình quân đầu người năm 2018 của Việt Nam đạt khoảng 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017, nhưng còn ở mức thấp so với các nước khu vực (như Malaysia 9.994 USD, Thái Lan 6.593 USD năm 2017 theo giá hiện hành).
Kinh tế Việt Nam còn phải nỗ lực nhiều để vươn lên tầm cao mới. |
Tại Diễn đàn thường niên về Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ nhất tổ chức ngày 5/12, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh: Nếu không thực hiện đồng thời cải cách và phát triển, chúng ta sẽ ngay lập tức bị tụt hậu so với thời đại.
Trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ, phân cực chính trị và sự phục hồi kinh tế mong manh, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) đã thay đổi cách thức đánh giá và xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, chú trọng tới yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong dài hạn và nâng cao thu nhập của người dân. Với cách tiếp cận mới, chỉ số này có tên gọi mới là Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 (GCI 4.0).
Theo kết quả xếp hạng của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2018, chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 của Việt Nam giảm 4 bậc (từ 74 xuống vị trí 77). Đáng chú ý là 7/12 trụ cột giảm điểm.
So sánh trong ASEAN, Việt Nam đứng sau hầu hết các nước, chỉ trên Lào và Campuchia. Năm 2018, cũng chỉ có Việt Nam, Lào, Campuchia giảm bậc, các nước ASEAN khác đều tăng bậc, trong đó, Philippines tăng 12 bậc.
Vì lẽ đó, trong báo cáo 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thẳng thắn đánh giá: Có thể nói Việt Nam đang tụt lại đằng sau các nước ASEAN về năng lực cạnh tranh 4.0. Muốn tiến kịp các nước trong khu vực đòi hỏi phải đẩy nhanh quá trình phát triển theo xu thế 4.0; tập trung hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, trong đó có lĩnh vực hành chính công; nâng cao hiệu quả các thị trường (nhất là thị trường hàng hoá hiện đang xếp ở vị trí gần cuối bảng – thứ 102); có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy tính sáng tạo, năng động trong kinh doanh thay vì tư duy tạo rào cản để quản lý.
Hà Duy
Kỳ tích thập kỷ: Tăng trưởng GDP cao nhất kể từ 2008
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ước tính tăng trưởng GDP 2018 đạt khoảng 7%, mức cao nhất trong 10 năm qua.