- Để sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong các tình huống cần thiết, Bộ Y tế quyết định thành lập 4 đội phòng chống dịch Zika tại 4 khu vực.
Ngày 28/3, Văn phòng đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC), Bộ Y tế đã có cuộc họp cùng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đánh giá tình hình và lên phương án phòng chống dịch bệnh do virus Zika tại Việt Nam.
Muỗi truyền sốt xuất huyết lây truyền virus Zika |
Ông Kato, đại diện WHO tại Việt Nam đánh giá, dịch Zika đang diễn biến phức tạp, 61 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh.
“Bệnh do virus Zika hiện là tình trạng khẩn cấp toàn cầu và ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học về mối liên quan giữa nhiễm virus Zika với chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh và hội chứng viêm đa rễ dây thần kinh”, ông Kato nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, sau khi 01 du khách người Australia được xác định dương tính với Zika sau 10 ngày lưu trú tại TP.HCM, Khánh Hoà, Bình Thuận và Lâm Đồng, Bộ Y tế nhận định nguy cơ virus Zika xâm nhập và lây lan trong cộng đồng là rất lớn.
Trước tình hình trên, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu phải nâng cao mức cảnh báo đối với toàn bộ hệ thống y tế, khẩn trương triển khai thực hiện các công tác sẵn sàng đáp ứng trên mọi phương diện để chủ động phòng chống dịch do virus Zika một cách hiệu quả.
Theo đó, Bộ Y tế quyết định thành lập 4 đội phòng chống dịch tại 4 khu vực Bắc, Trung, Tây Nguyên, Nam Bộ để sẵn sàng hỗ trợ địa phương khi cần thiết; Tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika; Tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ thuật xét nghiệm đối với các đơn vị tuyến tỉnh để mở rộng các đơn vị có đủ năng lực xét nghiệm; Tổ chức việc sàng lọc, quản lý và phát hiện hội chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh...
Quỹ BHYT sẽ thanh toán hoạt động sàng lọc, xét nghiệm, chẩn đoán sẽ và chi phí điều trị, chăm sóc bệnh nhân nhiễm virus Zika.
T.Hạnh