Việt Nam là nước sớm có kế hoạch tổng thể riêng về phát triển nhân lực ATTT

Chiều ngày 28/11/2016, tại Hà Nội, Ban Điều hành Đề án 99 (Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020”) thuộc Bộ TT&TT và Học viện Kỹ thuật Mật mã đã phối hợp tổ chức hội thảo khoa học về An toàn, an ninh thông tin lần thứ nhất có chủ đề “Một số vấn đề chọn lọc về an toàn, an ninh thông tin”.

Đây là một hoạt động nhằm triển khai Biên bản ghi nhớ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học an toàn, an ninh thông tin giữa 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin theo Đề án 99 được ký kết ngày 29/3/2016.

Đề án “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” (còn gọi là Đề án 99) được Thủ tướng Chính phê duyệt vào đầu năm 2014 nhằm đáp ứng nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin cho khu vực kinh tế, xã hội.

Trọng tâm của Đề án này là “Xây dựng một số cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin có chất lượng tương đương các nước trong khu vực với đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đạt trình độ quốc tế, chương trình, nội dung đào tạo tiên tiến, hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu”. Đề án đã lựa chọn 8 cơ sở đào tạo trọng điểm để triển khai.

Vào tháng 3/2016, dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT, 8 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin đã có cuộc họp tại trụ sở Học viện Kỹ thuật Mật mã và đã ký kết biên bản ghi nhớ về hợp tác nghiên cứu và đào tạo trong An toàn, an ninh thông tin nhằm phát huy thế mạnh của mỗi trường.

Phát biểu khai mạc hội thảo chiều nay (28/11), Thiếu tướng Đặng Vũ Sơn - Trưởng Ban Cơ yếu Chính phủ nhấn mạnh, sự phát triển mạnh mẽ của CNTT, viễn thông đã đem lại những tiện ích to lớn trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Bên cạnh đó, hiểm họa do tội phạm mạng mang đến cũng đã gây những hậu quả nghiêm trọng; và chiến tranh mạng đã trở nên hiện hữu.

Thực tế thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm, ban hành nhiều văn bản liên quan đến lĩnh vực bảo mật và ATTT. Trong đó, phải kể đến Luật ATTT do Bộ TT&TT chủ trì, với sự tham gia của Ban Cơ yếu Chính phủ.

“Hiện nay Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ TT&TT đã phối hợp triển khai các Nghị định dưới Luật. Cách đây một tuần, lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ và lãnh đạo Bộ TT&TT đã có buổi làm việc nhằm tăng cường mối quan hệ giữa 2 cơ quan trong việc triển khai nội dung của Luật ATTT mạng, triển khai về chứng thực điện tử, chữ ký số. Đồng thời, với sự ra đời của Luật ATTT mạng, chúng ta cùng thống nhất cao về việc hình thành một nền công nghiệp về ATTT mạng của Việt Nam, trong đó sẽ có nhiều sản phẩm ATTT của Việt Nam, do Việt Nam nghiên cứu sản xuất, tiếp cận trình độ quốc tế, góp phần giải quyết tốt các vấn để đảm bảo an toàn, an ninh mạng, góp phần vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc cũng như triển khai Chính phủ điện tử trong thời gian tới”, ông Sơn cho biết.

Đề cập đến Đề án 99, lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ khẳng định, sau một số năm triển khai, Đề án đã thu được những kết quả quan trọng. Đặc biệt là các cơ sở đào tạo trọng điểm đã phối hợp trong việc xây dựng nội dung chương trình, tham mưu để tăng cường cơ sở vật chất để tiến tới nâng cao một bước chất lượng đào tạo cũng như chuẩn hóa nội dung đào tạo chuyên gia ATTT.

“Tôi tin tưởng rằng, với nội dung của Đề án 99, công tác đào tạo nguồn nhân lực và công tác nghiên cứu phát triển trong lĩnh vực ATTT sẽ được quan tâm và sẽ có những kết quả để đóng góp vào việc đào tạo chuyên gia ATTT có trình độ cao không chỉ cho khu vực kinh tế xã hội mà còn cho cả khu vực quản lý nhà nước”, người đứng đầu Ban Cơ yếu Chính phủ chia sẻ.

Việt Nam là nước sớm có kế hoạch tổng thể riêng về phát triển nhân lực ATTT

Chia sẻ tại hội thảo, cùng với việc nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng bậc nhất của yếu tố con người, của nguồn nhân lực trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, Phó Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn  Huy Dũng cho biết, triển khai Đề án 99, cơ quan quản lý nhấn mạnh vào 2 nhiệm vụ. Trước hết là phải phải tiến hành đào tạo kỹ sư, cử nhân chuyên ngành ATTT để đáp ứng nhu cầu của xã hội cho hiện tại và tương lai cả về số lượng và chất lượng. Chính vì vậy, đã có 8 cơ sở trọng điểm được lựa chọn để đào tạo kỹ sư, cử nhân đặc biệt là kỹ sư, cử nhân chất lượng cao về ATTT.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong đảm bảo an toàn thông tin là cần phải nâng cao hơn nữa năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực chuyển giao và từng bước làm chủ công nghệ, đặc biệt là chuyển giao, làm chủ công nghệ đối với các sản phẩm, giải pháp bảo đảm ATTT cho các hệ thống thông tin quan trọng. “Hội thảo ngày hôm nay nhằm đáp ứng, giải quyết cả 2 vấn đề, nhiệm vụ quan trọng nêu trên”, ông Nguyễn Huy Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, trong khu vực, Việt Nam là một trong những nước sớm có kế hoạch tổng thể phát triển nguồn nhân lực ATTT đến năm 2020. Sau Việt Nam, Nhật Bản và Singapore cũng mới ban hành kế hoạch này, còn Trung Quốc hiện đang xây dựng kế hoạch.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Nam Hải, Giám đốc Học viện Kỹ thuật Mật mã - đơn vị đăng cai tổ chức hội thảo khoa học về An toàn, an ninh thông tin lần thứ nhất, hội thảo lần này tập trung vào 4 nhóm nội dung chính gồm: Mật mã ứng dụng; An toàn ứng dụng; An toàn, an ninh mạng; và Quản lý về đào tạo an toàn, an ninh thông tin. Những đề xuất, nghiên cứu mới và những kinh nghiệm về đào tạo được chia sẻ tại hội thảo này sẽ thực sự có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về an toàn, an ninh thông tin tại Việt Nam.